VietnamDefence -
Duy trì chế độ bảo mật luôn là một trong những nhiệm vụ trước tiên của NSA.
Của lạ là của ngon
K. Prutkov “Những trước tác”
Xâm nhập
Nhiệm vụ số một
Duy trì chế độ bảo mật luôn là một trong những nhiệm vụ trước tiên của NSA. Tính chất bí mật trong hoạt động của NSA được thể hiện ở lệnh cấm quay phim, chụp ảnh, thậm chí vẽ phác hoạ mẫu các toà nhà của nó, ở việc gắn camera theo dõi toàn bộ khuôn viên của NSA vốn được bảo vệ vòng ngoài bằng các đội tuần tiễu với với những con chó săn sói, ở sự tồn tại của hai kênh điện thoại - một giành riêng cho các cuộc gọi mật và một cho các cuộc gọi không mật. Khắp nơi là những tấm biểu ngữ kêu gọi mọi người luôn cảnh giác và không ba hoa. Để tuyên truyền trực quan, người ta đã sử dụng kể cả các đệm ghế trong quán cà phê trong khu tổng hành dinh NSA để nhắc nhở các nhân viên quá vô tư đang khoan khoái hết mình bên bàn ăn rằng, khác với họ, kẻ thù không hề nghỉ ngơi.
Trên tuyến đầu đấu tranh chống các phần tử xấu xâm nhập vào kho báu của NSA là các nhân viên bảo vệ. Một phần bộ phận bảo vệ tiến hành kiểm tra giấy ra vào khu vực trụ sở và vào từng khu nhà của trụ sở NSA, còn một bộ phận làm công tác tuần tra. Những người không làm việc tại các chốt kiểm soát ra vào và tuần tra thì phải sẵn sàng cơ động đến các khu nhà của NSA khi có báo động từ các lều đặc biệt ở gần đó. Bộ phận bảo vệ giám sát việc di chuyển của mọi người trong các toà nhà của tổng hành dinh NSA và trong khuôn viên của nó bằng hệ thống giấy ra vào phức tạp. Hệ thống này gồm 12 loại giấy khác nhau về màu sắc và dấu vạch. Người ta có thể gắn lên các giấy ra vào những thẻ khác nhau. Để nhận dạng bằng máy tự động, các giấy ra vào còn được đục thêm lỗ.
Người ta kiểm soát nghiêm ngặt không chỉ sự di chuyển của con người mà của cả giấy tờ, tài liệu. Để hạn chế những người không có thẩm quyền tiếp cận những giấy tờ đó, các tài liệu của NSA được áp dụng một bộ ký mã hiệu. Chúng được dùng để chỉ độ mật của tài liệu và nguồn của tài liệu. Chẳng hạn, ngoài những chữ “Tuyệt mật”, trên tài liệu có thể có chữ ký hiệu “GAMMA”. Nó cho thấy trong tài liệu có trích dẫn bức điện bị chặn thu từ các kênh liên lạc của Liên Xô. Các chuỗi ký hiệu gồm 5 chữ cái khác có thể chi tiết hoá hơn nữa thông tin về tài liệu. Chẳng hạn, từ “GUPPY” được sử dụng trong thập niên 1970 có nghĩa là tài liệu này chứa nội dung chặn thu các cuộc điện gọi điện thoại vô tuyến của các nhà lãnh đạo cao cấp nhất của Nhà nước Liên Xô - của Tổng bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô Brezhnev, Thủ tướng Kosygin và Chủ tịch Xô-viết Tối cao Podgorny - gọi từ ôtô của họ. Những nội dung chặn thu kém quan trọng hơn được ký hiệu bằng từ “SIGMA” và liên quan đến toạ độ triển khai các tàu ngầm Xô-viết đang trực chiến.
Vì lý do an ninh, một số từ ký hiệu được thay đổi định kỳ. Một số khác không được dùng nữa do nguồn tin mà chúng biểu đạt đã không còn tồn tại. (Chẳng hạn khi Brezhnev ngừng than phiền qua điện thoại vô tuyến vì lý do sức khoẻ thì từ ký hiệu “GUPPY” cũng biến khỏi các trang tài liệu của NSA). Cuối cùng là những từ khác có thể bị lộ. Điều đó đã xảy ra với từ ký hiệu “DINAR” khi trên tờ báo New York Times Magazine xuất hiện bài báo về Cố vấn An ninh Quốc gia Bundy của Tổng thống Johnson. Bài báo in kèm một bức ảnh lớn chụp Johnson và Bundy, trên ảnh Bundy cầm trong tay một tài liệu tuyệt mật in dòng chữ rất rõ “Tuyệt mật DINAR”.
Nhưng nguy cơ chính đối với an ninh của NSA lại xuất phát từ bên trong. Bất cứ người nào, từ một phần tử khủng bố người Palestine cho đến một vị đại sứ Liên Xô cũng đều có thể lọt vào phòng tiếp khách của NSA và thoải mái ngả lưng trên chiếc đi-văng nhung êm ái mà nghe các cuộc gọi qua các máy điện thoại nội bộ trong đó các nhà cung cấp thiết bị cho NSA và các chuyên gia mã thám đến từ các nước khác gọi từ phòng khách để trao đổi kinh nghiệm với các đồng nghiệp Mỹ.
Mặc dù chức vụ và tên tuổi các nhân viên NSA vì lý do hoàn toàn dễ hiểu luôn được giữ kín với đối phương, nhưng việc thu thập thông tin đó cũng hoàn toàn chẳng có gì khó. Trong vòng gần 30 năm, người ta đã in một ấn phẩm định kỳ đặc biệt News-letter có những thông tin này. Quả thực là có một chỉ thị là phải huỷ ngay các bản in New-letter sau khi đã đọc xong. Nhưng thì sao? Người không thực hiện yêu cầu này luôn có sẵn lý do chưa huỷ vì chưa đọc xong. Ngoài ra, NSA còn tổ chức một bãi xe riêng giành cho đội ngũ lãnh đạo cao cấp của mình. Một gián điệp nước ngoài chỉ cần ghi lại biển số xe các ôtô đỗ ở đó và sau đó sẽ dễ dàng tìm ra tên chủ nhân của chúng.
Tính thiếu nhất quán trong bảo mật ở NSA còn có các khía cạnh khác. Chẳng hạn, khi ra khỏi khuôn viên NSA, các nhân viên bảo vệ có thể kiểm tra túi xách của bất kỳ nhân viên nào để kiểm tra xem có tài liệu mật hay không. Người ta không cần xin phép chủ nhân của túi xách khi lục soát. Tuy vậy, việc khám quần áo lại bị cấm nếu không có những dấu hiệu rõ ràng là trong đó có giấu cái gì đó.
Khi nhận người vào làm việc, NSA sử dụng rộng rãi máy phát hiện nói dối. Nhưng máy này cũng có những hạn chế của mình - đó là chỉ có thể tiến hành kiểm tra đối với người tự nguyện chấp nhận. Bởi vì các quân nhân làm việc cho NSA là theo mệnh lệnh nên việc đòi họ phải kiểm tra trên máy phát hiện nói dối là vi phạm quyền của họ. Logic, nhưng vô ích. Bởi lẽ chỉ riêng năm 1978, trong số 68 quân nhân muốn được chuyển thành nhân viên dân sự của NSA thì có 1/4 tỏ ra không thích hợp và gần 90% trường hợp điều đó được chứng minh bằng kiểm tra trên máy phát hiện nói dối.
Một phòng tuyến nữa trên con đường xâm nhập của các điệp viên các cường quốc nước ngoài vào NSA là “cơ quan an ninh” của NSA. Theo truyền thống, cơ quan này được lãnh đạo bởi các cựu nhân viên FBI, cơ quan thuộc Bộ Tư pháp Mỹ được thành lập năm 1908 chịu trách nhiệm về an ninh quốc gia. “Cơ quan an ninh” NSA luôn nuôi dưỡng một nhóm chỉ điểm mà phần lớn thời gian là để nghe lén, nhìn trộm sau đó viết báo cáo. Để kiểm soát hành vi của các nhân viên đáng nghi, “Cơ quan an ninh” có thể lắp máy nghe lén. Chẳng hạn, người ta đã nghe lén các cuộc gọi của một nữ nhân viên NSA chuyên thuê một phòng khách sạn ở New York để hò hẹn với một nhân viên sứ quán một nước “không thận thiện” với Mỹ. Trong vòng hai ngày, người ta đã xác định được là chẳng có gì gắn bó hai con người này ngoài tình dục. Việc nghe lén đành chấm dứt mặc dù rất miễn cưỡng.
Trong thập niên 1960, sau một loạt đổ vỡ, lãnh đạo “Cơ quan an ninh” của NSA đã bị thay thế, nhưng phương pháp làm việc của nó vẫn như cũ. Chẳng hạn, vào giữa thập niên 1970, các nhân viên an ninh của NSA nhiều khi ghé vào các nhà hàng gần đó và các nơi vui chơ giải trí khác để kiểm tra xem các nhân viên NSA có ba hoa về công việc trong giờ nghỉ hay không.