Vietnamdefence.com

 

Tình báo điện tử Mỹ: Khúc dạo đầu - Bí mật của căn phòng số 1649 (4)

VietnamDefence - Ngay từ thập niên 1920, tại căn phòng số 1649 của toà nhà Bộ Hải quân Mỹ ở Washington, các chuyên gia mã thám đã tiến hành giải phá các loại mật mã ngoại giao và hải quân sơ đẳng của Nhật.

Trong số nhân viên cơ quan mã thám của Hải quân Mỹ có tên gọi OP-20-G lúc đó đã có 50 sĩ quan biết tiếng Nhật sau các khoá học tiếng ba năm. Bởi vậy, yêu cầu tăng cường hoạt động chống Nhật không hề làm họ ngạc nhiên.

Trong cơ cấu chính thức của Hải quân Mỹ, OP-20-G có nghĩa là Ban G thuộc Phòng 20 của Bộ Tham mưu Hải quân Mỹ. Phòng 20 làm nhiệm vụ tổ chức thông tin liên lạc hải quân, còn Ban G của nó được gọi là ban “bảo đảm an ninh thông tin liên lạc”. Cái tên đó che đậy định hướng mã thám trong hoạt động của Ban G.

Nhiệm vụ hàng đầu của OP-20-G cũng như của Cục Mã thám Lục quân là tiếp cận điện mã của nước ngoài. Tại Mỹ vào thời bình thì làm việc đó không phải là dễ.

Năm 1912, nhiều nước, kể cả Mỹ, đã ký cái gọi là “Định ước về liên lạc vô tuyến điện”. Theo đó, “không một ai làm việc tại trạm truyền tin hoặc người nào biết công việc của trạm được tiết lộ nội dung các bức điện được gửi qua trạm này cho bất kỳ ai, trừ người được nhận tin đó hoặc người nhân viên của trạm đóng vai trò mắt xích trung chuyển trên đường tới người nhận hoặc toà án và các cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Trong lịch sử tình báo vô tuyến điện tử Mỹ, giữa hai cuộc chiến tranh thế giới đã xảy ra một trường hợp các chuyên gia mã thám quân đội được phép chặn thu chính thức theo quyết định của “cơ quan thẩm quyền nhà nước” là quốc hội Mỹ. Năm 1924, phái bộ thương mại Liên Xô mở văn phòng ở New York. Phái bộ này hoạt động vào thời kỳ giữa Mỹ và Liên Xô chưa thiết lập quan hệ ngoại giao, bởi vậy trên thực tế, nó đồng thời đóng vai trò thương vụ và sứ quán. Tại quốc hội Mỹ, người ta cho rằng, công ty cổ phần Xô-Mỹ Amtorg còn làm nhiệm vụ chỉ đạo hoạt động của tình báo Liên Xô ở Mỹ. Điện tín liên lạc của Amtorg với Moskva tất nhiên là được mã hoá và hệ mã được sử dụng đã bảo vệ tin cậy các nội dung trao đổi này.

Cuối thập niên 1920, Mỹ quyết định phải bằng tình báo vô tuyến điện tử để lấy cho được bằng chứng văn bản cho những nghi ngờ của quốc hội. Năm 1930, Fisch, chủ tịch uỷ ban điều tra hoạt động cộng sản ở Mỹ thuộc quốc hội Mỹ, với cớ muốn có thông tin đầy đủ hơn về hoạt động này, đã lấy từ kho lưu trữ gần ba ngàn bức điện mã của Amtorg. Các chuyên gia mã thám Hải quân Mỹ đã nhận được các bức điện này và họ đã báo cáo rằng, mật mã mà Amtorg sử dụng quá khó nên họ không đủ kiến thức để giải phá. Lúc đó, Fisch liền chuyển các điện mã tới Bộ Chiến tranh. Hai năm sau, trong phiên họp quốc hội, ông ta than phiền: “Không một chuyên gia nào có thể trong vòng 6-12 tháng đọc được một trong các bức điện mã này dù họ đã cam đoan với tôi là sẽ phá giải được mật mã này”.

Ngoài “Định ước về liên lạc vô tuyến điện”, từ năm 1934, có hiệu lực ở Mỹ còn có một chương trong luật về các phương tiện liên lạc liên bang. Nó cấm nghe lén các cuộc gọi điện thoại và chặn thu điện tín liên lạc giữa các quốc gia và các cơ quan đại diện ngoại giao của họ ở Mỹ. Tướng Craig, Tham mưu trưởng Lục quân Mỹ năm 1937-1939, đã yêu cầu các thuộc cấp của ông chấp hành nghiêm chỉnh luật này, điều đó đã gây trở ngại lớn cho việc tổ chức chặn thu các bức điện ngoại giao của Nhật gửi đến Mỹ hay từ Mỹ gửi đi. Nhưng do nhu cầu bức xúc bảo đảm an ninh quốc gia trước nguy cơ ngày càng gia tăng từ phía Nhật, thái độ của Mỹ đối với vấn đề này đã thay đổi. Thêm vào đó, vào năm 1939, George Catlett Marshall (1880-1959) đã thay thế Craig. Ông ta cho rằng, luật liên bang về các phương tiện liên lạc chỉ là một chuyện rầy rà pháp lý. Kết quả là các cơ quan mã thám Mỹ bắt đầu đẩy nhanh chương trình tổ chức chặn thu điện tín ngoại giao nước ngoài.

Công tác bảo mật nghiêm ngặt khi tiến hành chương trình này đã giúp các cơ quan mã thám Mỹ khỏi bị lộ. Mục tiêu chặn thu chính là liên lạc vô tuyến điện bởi vì các công ty điện báo Mỹ vốn nắm rất vững các hạn chế luật pháp nên thường từ chối cung cấp các bức điện báo cho các chuyên gia mã thám Mỹ. Do đó, đại đa số các bức điện chặn thu được là các bức điện vô tuyến. Số điện còn lại là các bức điện báo và bản sao của chúng do một vài công ty đồng ý cộng tác gửi đến. Tuy vậy, bất chấp những khó khăn, cơ quan chặn thu Mỹ đã hoạt động rất hiệu quả và chỉ “để lọt” một số tương đối ít điện tín. Ví dụ, trong số hơn 200 bức điện vô tuyến của Nhật gửi từ Washington về Tokyo và từ Tokyo đến Washington trong thời gian đàm phán Mỹ-Nhật năm 1941, họ  chỉ không chặn thu được bốn bức điện. Dòng sông điện mã đã nhanh chóng tràn ngập OP-20-G và Cục Mã thám Lục quân: số chuyên gia mã thám ít ỏi đã không thể ứng phó nổi với lượng tin tức chặn thu lớn đến thế. Có hai cách để khắc phục những khó khăn phát sinh.

Cách thứ nhất - giảm bớt việc làm trùng lặp. Ban đầu, hai cơ quan mã thám cùng làm việc đọc tất cả các bức điện mã ngoại giao của Nhật. Nhưng khoảng một năm trước khi Nhật tấn công Trân Châu Cảng, người ta đã quyết định các chuyên gia mã thám hải quân sẽ đọc các bức điện gửi từ Tokyo đến Washington vào những ngày lẻ, còn điện gửi vào những ngày chẵn sẽ do các chuyên gia mã thám lục quân đọc. Mỗi cơ quan vẫn nhận được từ các trạm chặn thu của mình tất cả các bức điện mã, sau đó thì phân loại chúng và giữ lại cho mình phần được quy định.

Cách thứ hai - tập trung nỗ lực trên những hướng quan trọng nhất. Nhưng làm thế nào để xác định được những điện mã nào là quan trọng nhất một khi chưa đọc được chúng? Rất đơn giản. Tất cả các bức điện không được phép mã bằng một hệ mã vì một số lớn các bức điện sẽ có thể giúp các chuyên gia mã thám đối phương nhanh chóng giải phá được hệ mã đó. Bởi vậy, đa số các nước (không loại trừ cả Nhật Bản), đều đồng thời sử dụng nhiều hệ mã. Những hệ mã vững chắc nhất trong số đó được dùng để mã những tin tức quan trọng nhất. Các chuyên gia mã thám Mỹ đã chia tất cả các hệ mã Nhật ra làm bốn loại tương ứng với độ khó giải phá. Các bức điện mã được đọc tuỳ theo thuộc tính tương ứng với bốn loại mật mã này.

Print Print E-mail Print