Vietnamdefence.com

 

Tình báo điện tử Mỹ: Khúc dạo đầu - Các quý ông đọc lén cái gì? (2)

VietnamDefence - Một câu hỏi tất yếu nảy sinh: Điều gì đã xảy ra ở Mỹ trước khi con quái vật tình báo vô tuyến điện tử khổng lồ có tên NSA ra đời?

Không phải là ít nếu tính đến việc Hải quân Mỹ bắt đầu quan tâm đến tình báo vô tuyến điện tử từ năm 1899, tức là từ thời điểm trang bị máy phát vô tuyến điện cho chiến hạm đầu tiên của họ. Thực ra, trước khi Mỹ tham gia chiến tranh thế giới thứ I, mối quan tâm này vẫn chỉ dừng ở mức độ nghiệp dư.

NSA xuất thân từ một số cơ quan tình báo Mỹ mà cho đến đầu thập niên 1950 vẫn tiến hành các hoạt động tình báo vô tuyến điện tử. Dĩ nhiên, lịch sử ra đời của NSA rắc rối và đầy rẫy những tên gọi các cơ quan và tổ chức đã từ lâu không còn tồn tại. Bởi vậy, người ta có ý định đặt tên ngắn gọn để không phải trình bày dài dòng những tình tiết không cần thiết.

Trong thập niên 1920, công tác mã thám trong quân đội Mỹ được tập trung tại cái gọi là “Phòng đen” do Herbert Osborne Yardley tổ chức năm 1917. “Phòng đen” hoạt động bí mật chủ yếu ở New York, được Bộ Chiến tranh và Bộ Ngoại giao Mỹ cung cấp kinh phí

Để có hình dung tương đối về quy mô hoạt động của “Phòng đen” chỉ cần dẫn ra đây một ví dụ. Trong thời gian tồn tại của “Phòng đen” từ năm 1917-1929, nó đã giải mã hơn 10.000 bức điện mật mã từ luồng điện tín của Argentina, Brazil, Vatican, Đức, Trung Quốc, Costa Rica, Cuba, Liberia, Mehico, Nicaragua, Panama, Peru, Salvador và Liên Xô. Những thành tựu thật ấn tượng!

Thành công lớn nhất của “Phòng đen” là giải phá được các mật mã ngoại giao của Nhật. Năm 1921, trong quá trình đàm phán tại hội nghị Washington về giải trừ quân bị. Hoa Kỳ đã cố làm cho Nhật về chấp thuận tỷ lệ tương quan trọng tải cho hạm đội Mỹ và Nhật là 10:6. Trong khi đó, người Nhật đến hội nghị này với ý đồ công khai là giành tỷ lệ tương quan 10:7. Trong các cuộc đàm phán ngoại giao, cũng như mọi cuộc mặc cả, ưu thế chủ yếu là phải biết đối tác có thể sẵn sàng chấp nhận những nhượng bộ nào. Việc “Phòng đen” giải mã điện tín liên lạc của các nhà ngoại giao Nhật ở Washington với Tokyo đã cung cấp cho chính phủ Mỹ tin rằng, nếu phía Mỹ gây áp lực thì Nhật Bản sẵn sàng chấp nhận tương quan như họ mong muốn. Mỹ đã nhanh chóng tạo áp lực cần thiết mà không ngại làm hỏng hội nghị.

Năm 1929, Bộ Ngoại giao Mỹ do Stimson lãnh đạo. Khi một bức điện do “Phòng đen” giải mã xuất hiện trên bàn ông ta, Stimson đã có một câu nói lịch sử: “Các quý ông không có đọc lén thư tín của nhau” - và hạ lệnh “ngừng cấp ôxy” cho tình báo vô tuyến điện tử, tức là không chi thêm tiền cho hoạt động của “Phòng đen”.

Stimson sau này đã cố biện minh cho quyết định hấp tấp của mình là do không khí yêu hoà bình đang ngự trị trong cộng đồng quốc tế khi đó. Sau một cuộc chiến đẫm máu dài bốn năm, tất cả đều mong muốn hoà bình. Chẳng có kẻ thù nào mà chỉ có một bên là quý ông Mỹ Stimson, còn bên kia là các quý ông của những nước khác được cử đến Mỹ với tư cách các đại sứ hay đại diện toàn quyền. Câu nói của Stimson đã trở thành lời có cánh, mặc dù đôi khi các chuyên gia mã thám đã quên mất ý nghĩa thực sự của nó - đó là các quý ông sẽ là bất nhã khi đọc thư tín của các quý ông khác, chứ không phải thư tín của người khác nói chung.

Sau khi về nghỉ, Yardley mải mê, đắm chìm vào văn chương và đã viết hai cuốn tiểu thuyết phiêu lưu - “Mặt trời đỏ của Nhật Bản” và “Nữ bá tước tóc vàng”. Hãng phim Metro Goldwin Meyer cho rằng, các nhân vật của các tiểu thuyết của Yardley - nữ bá tước-gián điệp tóc sáng xinh đẹp và một nam nhân vật không chỉ là một mỹ nam tử mà còn là một chuyên gia mã thám tài năng - rất thích hợp để dựng một bộ phim ly kỳ. Đối với tác giả kịch bản, khó khăn là ở chỗ nhân vật chính buộc phải thể hiện năng khiếu xuất chúng trong một công việc buồn tẻ là giải mã. Hãng Metro Goldwin Meyer đã giải quyết êm đẹp tình thế khó khăn này bằng cách sửa đổi cốt truyện “Nữ bá tước tóc vàng” và nhà khoa học bàn giấy bướng bỉnh, vào thời điểm chiến tranh khó khăn đối với đất nước, đã lên đường chiến đấu ở bên kia đại dương. Bộ phim có tên là Rendezvous. Tờ báo Mỹ New York Times đã mô tả bộ phim này như một “vở kịch thông tục sống động và cuốn hút”.

Tiền nhuận bút mà Yardley nhận được từ việc cốt truyện sách của ông được sử dụng cho phim không tiêu xài được lâu. Năm 1938, Tưởng Giới Thạch đã thuê cựu chuyên gia mã thám đã nhẵn túi này. Tại Trung Quốc, Yardley làm việc giải mã các bức điện mã của quân đội Nhật đang chiếm đóng nước này.

Năm 1940, Yardley từ Trung Quốc sang Canada và lập ra một văn phòng mã thám tư nhân. Ông đã bị trục xuất khỏi đây do áp lực của Stimson, mặc dù người Canda rất miễn cưỡng chia tay ông. Cho đến khi qua đời vào năm 1958, Yardley đã làm nhân viên tại Cơ quan thực phẩm Mỹ. Một năm trước khi chết, Yardley đã xuất bản cuốn sách “Dạy chơi bài poker”.

Print Print E-mail Print