Vietnamdefence.com

 

Tình báo điện tử Italia: "Mật mã đen" bị đánh cắp như thế nào (3)

VietnamDefence - Các điện tín mật mã ngoại giao giải mã được chuyển đến bàn ngoại trưởng Italia Bá tước Ciano. Trong cuốn nhật ký, ông ta có nhắc đến việc Phòng 5 đọc được điện tín mật mã của Anh, Rumani và Thổ Nhĩ Kỳ.

Trong hơn hai năm, các bức điện mật mã Thổ Nhĩ Kỳ đọc được đã giúp chính phủ Italia biết các kế hoạch quân sự của đồng minh trong liên minh chống Hitler, biết ý kiến bình luận của các nhà quan sát trung lập đối với các hành động của Italia và Đức.

Mặc dù Phòng 5 đọc được một số lượng lớn các bức điện mật mã, nhưng cũng có nhiều thành tựu của phòng này đạt được không phải nhờ nghệ thuật mã thám tài tình mà nhờ các điệp viên Cơ quan Thông tin Quân sự đánh cắp được các tài liệu mật mã.

Chỉ riêng năm 1941, họ đã lấy được bằng cách đó gần 50 tài liệu mật mã. Một vài tài liệu trong số đó là bản rõ các bức điện mật mã. Những tài liệu khác thì đúng là các mật mã và một tài liệu đã mang lại thành công lớn nhất là mật mã bí mật của Mỹ.

Điệp viên đã đánh cắp nó là nhân viên tuỳ phái tại văn phòng tuỳ viên quân sự Mỹ ở Roma Loris Gerardi. Là công dân Italia mới hơn 40 tuổi, Gerarddi đã làm việc cho người Mỹ từ năm 1920. Trong các nhiệm vụ của anh ta có việc chuyển các bức điện từ văn phòng tuỳ viên quân sự Mỹ đến trung tâm điện báo thành phố Roma. Tháng 8 năm 1940, ông ta đã lấy được mẫu chìa khoá két của đại sứ và biết được dãy số khoá két. Người Italia đã bí mật mở két, chụp ảnh "mật mã đen" của Mỹ và các bảng đi kèm để mã lại, sau đó trả tất cả về chỗ cũ.

"Mật mã đen" được gọi như thế là do màu bìa của nó và là quyển mã khá mới, thuộc về tuỳ viên quân sự Mỹ. Đại sứ Mỹ cũng sử dụng mật mã này. Sau hành động tình báo được tổ chức thành công đó, Gerardi đã tiếp tục làm ở sứ quán Mỹ cho đến khi nó đóng cửa sau khi Italia tuyên chiến với Mỹ.

Khi chiến tranh kết thúc, ông ta xin làm lại công việc cũ. Người ta đã chấp thuận yêu cầu của một nhân viên kỳ cựu và ông ta lại thực hiện trách vụ của mình cho đến tháng 8 năm 1949 khi người Mỹ biết được vai trò của Gerardi trong vụ đánh cắp "mật mã đen".

Không lâu sau khi có được "mật mã đen", Cơ quan Thông tin Quân sự Italia đã chuyển nó cho chỉ huy Abwehr là Đô đốc Canaris. Kể từ thời điểm đó, Đức và các đồng minh của họ có thể đọc được các bức điện mật mã của cường quốc mà kẻ thù của họ đang cố gắng một cách tuyệt vọng lôi kéo về phía mình.

Các bức điện mật mã này chảy về Roma từ khắp nơi trên thế giới, bởi lẽ các tuỳ viên quân sự Mỹ đều nhất loạt được tiếp cận các bí mật được che giấu rất kỹ của nhiều kẻ thù của Italia trong Thế chiến II. Bá tước Ciano đã viết về một trong các bí mật đó trong nhật ký của mình vào tháng 2 năm 1942: "Trong một bức điện gửi về Washington, tuỳ viên quân sự Mỹ ở Moskva có than phiền về việc Mỹ không cung cấp vũ khí như đã hứa và nói rằng, nếu không nhận được đủ viện trợ ngay lập tức thì Liên Xô sẽ phải nghĩ đến chuyện đầu hàng".

Print Print E-mail Print