Vietnamdefence.com

 

Tình báo điện tử Canada: Làm đày tớ cho kẻ khác (1)

VietnamDefence - Năm 1947, Australia, Anh, Canada, New Zealand và Mỹ đã ký một hiệp ước hợp tác và phân công lao động trong lĩnh vực tình báo vô tuyến điện tử.

Nếu che giấu sự thật với bạn bè
thì bạn sẽ cởi mở với ai đây?


K. Prutkov. "Những trước tác"




Năm 1947, Australia, Anh, Canada, New Zealand và Mỹ đã ký một hiệp ước hợp tác và phân công lao động trong lĩnh vực tình báo vô tuyến điện tử. Theo hiệp ước, Canada được giao trách nhiệm thu thập thông tin tình báo ở Bắc Cực. Nhằm mục đích đó, vào giữa thập niên 1940 và 1950, Canada đã thành lập cơ quan tình báo vô tuyến điện tử của riêng mình - đó là Ban Thông tin liên lạc thuộc Hội đồng Nghiên cứu Quốc gia CBNRC (Communications Branch of the NRC). Cái tên này được chọn nằm che giấu định hướng "nghiên cứu" đích thực của nó.

Ban đầu, CBNRC nằm trong một ngôi nhà tư nhân cũ ở Ottawa, không lâu sau đó nó chuyển sang một toà nhà rộng lớn trước đây thuộc bộ nông nghiệp ở trên đường Heron Road. Đến giữa thập niên 1950, ngoài việc theo dõi liên lạc vô tuyến điện của các chiến hạm và máy bay quân sự Liên Xô ở Bắc Cực, CBNRC còn bắt đầu tiến hành chặn thu từ các mạng lưới thông tin liên lạc của tình báo Liên Xô.

Từ khi xuất hiện, cơ quan tình báo vô tuyến điện tử Canada luôn hoạt động phối hợp chặt chẽ với NSA. Chặt chẽ đến mức lãnh đạo NSA thường quen cư xử với CBNRC như với một bộ phận của mình. Nhân viên vận hành tại các trạm chặn thu của của CBNRC nhiều khi nhận được từ NSA thông tin về nhiệm vụ tham gia của mình trong chiến dịch tình báo vô tuyến điện tử sắp tới còn sớm hơn lệnh từ bản doanh CBNRC ở Ottawa chuyển tới cho họ.

Còn vào năm 1971, khi Mỹ và Anh kết luận là việc chặn thu do các sứ quán của họ ở Moskva tiến hành không đảm bảo chất lượng và đa dạng thì NSA đã gửi cho Canada một tối hậu thư: hoặc là CBNRC lắp đặt máy móc chặn thu trong toà nhà sứ quán Canada ở Moskva để trám kín kẽ hở về thông tin chặn thu mà NSA và GCHQ thu thập được, hoặc Canada sẽ không còn được nhận các thông tin do thám mà Anh và Mỹ chia xẻ với họ. Chiến dịch Stephanie đã khởi đầu như thế đó.

Cần phải ghi nhận là người Mỹ đã làm tất cả những gì phụ thuộc vào họ để các đồng nghiệp Canada có thể bắt tay vào thực hiện chiến dịch càng sớm càng tốt. Khi người Canada phàn nàn là không có đủ tiền để tiến hành chiến dịch, NSA lập tức cung cấp kinh phí cần thiết và bảo đảm trang thiết bị không hoàn lại cho CBNRC.

Chi phí để phát triển và chế tạo các thiết bị này rất lớn vì việc đó thực hiện theo đơn đặt hàng đặc biệt. Điều kiện duy nhất để chuyển giao các thiết bị này cho CSE là phía Canada phải xoá sạch các số sêri trên máy móc để người khác không thể qua đó phát hiện ra sự dính líu của NSA vào chiến dịch Stephanie.

CSE gặp phải khó khăn đầu tiên khi phát hiện ra là thiết bị do Mỹ tặng được thiết kế để lắp đặt trong phòng bọc kim đặc biệt để không ngăn bức xạ từ các thiết bị kỹ thuật điện tử xuyên ra ngoài. Không thể lắp các tấm chắn chặn bức xạ cho từng thiết bị riêng rẽ, còn che chắn các phòng trong toà nhà sứ quán Canada ở Moskva sẽ có thể làm KGB nghi ngờ có điều gì đó không ổn. Bởi vậy, người ta quyết định lắp đặt toàn bộ máy móc chặn thu trên các giá đỡ trong một chiếc két thông thường được dùng làm phòng bọc kim  cỡ nhỏ.

Ban đầu, người ta gửi từ Montreal bằng tàu thuỷ đến Moskva một két sắt lớn đã có sẵn các lỗ để lắp các giá đỡ và dây dẫn được nguỵ trang bằng các tấm chì. Sau đó, các bộ phận tháo rời của máy móc chặn thu lắp trong két, cũng như chảo anten bị tách thành thành 12 miếng như cắt một chiếc bánh ngọt đã được gửi dần qua bưu điện ngoại giao đến Moskva. Khi định lắp anten ở tầng áp mái của sứ quán, người ta mới phát hiện ra chỗ đó quá hẹp. Nhưng may mắn là trên nền tầng áp mái có đổ đất để cách nhiệt. Thế là người ta cũng đưa được anten vào chiếc hố đào trong lớp đất đó. Anten được xoay bằng tay vì nếu dùng môtơ quay thì các thiết bị nghe lén có thể ghi được tiếng động môtơ.

Giờ phút chờ đợi đã lâu cuối cùng cũng đến. Ottawa đã gửi lệnh bật máy đến Moskva. Tuy nhiên, nhân viên vận hành chỉ nghe thấy tiếng lèo xèo đều đều trong tai nghe. Nguyên nhân thất bại là định hướng sóng lan truyền quá hẹp ở dải siêu cao tần đặt sẵn để chặn thu trong máy móc tình báo vô tuyến điện tử. Để bắt các sóng đó, phải xoay anten ở góc cần thiết và chỉnh máy thu ở tần số cần thiết. Một nhân viên CBNRC đã bò lên tầng áp mái cùng cưa và xẻng. Tại đó, trong bóng tối như hũ nút đầy bụi bẩn, anh ta xoay anten cho đến khi không tìm thấy vị trí nào tốt hơn cho nó. Thế là chiến dịch Stephanie bước vào giai đoạn chính.

Thông tin tình báo vô tuyến điện tử thu được trong chiến dịch đã được phân tích tại chỗ chỉ để phát hiện xem có dấu hiệu Liên Xô đang chuẩn bị một cuộc tấn công bất ngờ vào Canada và các nước đồng minh hay không. Sau đó, thông tin này được gửi qua bưu điện ngoại giao về trụ sở CBNRC để xử lý kỹ hơn và rồi chuyển cho NSA ngay khi có dịp. Các nhân viên CBNRC rất ngạc nhiên khi tìm thấy trong các va li ngoại giao gửi về từ Moskva cùng với các băng từ còn có các món đồ vật bằng vàng.

Mọi chuyện trở nên rõ ràng khi một nhân viên CBNRC trở về sau chuyến công tác phục vụ chiến dịch Stephanie ở Moskva. Hoá ra, tay này đã dùng kênh liên lạc ngoại giao để buôn lậu vàng vì nghĩ rằng CBNRC sẽ không dám làm to chuyện vì sợ gây ra một vụ xì căng đan. Chuyện đã xảy ra đúng như vậy. Sau khi trở về Ottawa, anh ta lặng lẽ ẵm trọn số vàng buôn 1ậu ra khỏi toà nhà trụ sở CBNRC, nơi nó được cất giữ để xác định nguồn gốc.

Chiến dịch Stephanie kéo dài tổng cộng ba năm nếu như không tính những thời kỳ máy móc chặn thu bắt buộc ngừng khi các nhà hoạt động chính trị Canada có các chuyến thăm đến Moskva. Rõ ràng là các vị khách từ Canada muốn có toàn quyền bác bỏ những lời buộc tội về việc tiến hành tình báo vô tuyến điện tử chống Liên Xô từ lãnh thổ sứ quán Canada một khi phía Liên Xô lên tiếng về điều đó.

Chiến dịch Stephanie bị chấm dứt theo lệnh do NSA gửi cho CBNRC. Rõ ràng là CBNRC đã không đáp ứng được hy vọng mà người ta trông cậy. Các nhân viên vận hành của trạm chặn thu ở sứ quán Canada trở về nước, còn thiết bị tình báo vô tuyến điện tử được đưa khỏi Moskva cũng theo đường cũ như ba năm trước.


Print Print E-mail Print