Vietnamdefence.com

 

MI6 giết Patrice Lumumba

VietnamDefence - Cựu chỉ huy tình báo Anh MI6 tại Hà Nội thú nhận tổ chức giết hại Thủ tướng Congo Patrice Lumumba.

Vụ ám sát vị Thủ tướng được bầu một cách dân chủ đầu tiên của Congo vào năm 1961 do Cục Tình báo Anh MI-6 tổ chức.

“Nữ hoàng gián điệp”, nữ nam tước Daphne Park thú tội trước khi chết. Trước đó, Bỉ cũng đã hối hận về sự dính líu đến cái chết của Lumumba.

Vụ giết hại Lumumba do “nữ hoàng gián điệp”, nhân viên tình báo Anh MI6 Daphne Park, người qua đời vào năm 2010, tổ chức.

“Đây là những gì Daphne Park thú nhận: “Chúng tôi đã làm việc đó. Tôi đã tổ chức việc đó”.

Lời thú nhận trên được đảng viên Công đảng, Lord Lea đưa ra.

Trở thành Thủ tướng vào tháng 5/1960 sau thắng lợi của đảng mình tại cuộc bầu cử quốc hội đầu tiên ở Congo, Patrice Lumumba đã bị giết vào tháng 1/1961. Không lâu sau khi Lumumba nhận chức Thủ tướng, vị lãnh đạo thân phương Tây của tỉnh Katanga là Moise Tshombe đã tuyên bố độc lập của tỉnh này và chỉ cam kết ngừng cuộc nổi loạn nếu Lumumba từ chức. Kết quả là Lumumba đã bị cách chức và quản chế tại gia. Đáp lại, Lumumba tuyên bố việc cách chức ông là phi pháp, còn các thủ lĩnh các đảng chính trong quốc hội đứng về phía ông đã phục chức cho ông. Bất chấp lập trường của quốc hội, các lực lượng Liên Hiệp Quốc đến Congo đã phớt lờ quyết định này và tìm cách bắt giữ Lumumba.

Không lâu sau, Lumumba bị bắt và đưa đến Katanga, nơi ông đã bị tra tấn và bị hành quyết không xét xử và điều tra vào tháng 1/1961. Bản án do các binh lính Katanga dưới quyền chỉ huy của các sĩ quan Bỉ thực thi. Ban đầu, xác chết được chôn tại chỗ hành quyết, nhưng sau đó đã bị quật lên để che giấu tội ác. Xác Lumumba đã bị cắt thành nhiều mảnh, quẳng vào acid và sau đó, những phần còn lại bị thiêu cháy.

Trong một thời gian dài, hoàn cảnh cái chết của Lumumba là bí mật cho đến khi con trai ông Francois gửi yêu cầu đến Bỉ. Cuối cùng, vào năm 2002, một ủy ban của quốc hội đã tái dựng diễn biến sự kiện và kết luận rằng, Vua Bỉ Baudouin I từng biết kế hoạch giết hại Lumumba, Bỉ thực tế đã trả gần 6 triệu euro để thủ tiêu Lumumba và chịu “trách nhiệm đạo đức” về cái chết này. Cuối cùng, Thủ tướng Bỉ khi đó Guy Verhofstadt đã chính thức xin lỗi Congo.

Vô số các cuộc điều tra còn chỉ ra rằng, lệnh thủ tiêu Lumumba đã được Tổng thống Mỹ Dwight Eisenhower đưa ra từ năm 1960.

Nhưng theo báo chí Anh, cả người Anh cũng dính líu vào vụ giết hại Lumumba.

"Nữ hoàng gián điệp" Daphne Margaret Sybil Désirée Park, nữ nam nước, nhà ngoại giao, sĩ quan tình báo Anh MI6 (1.9.1921-24.3.2010). Từng là chỉ huy tình báo của MI6 ở Hà Nội (Tổng lãnh sự, 1969-1970), Moskva, Congo và Zambia
Huân tước Lea khẳng định, không lâu trước khi chết, nữ nam tước Daphne Park, người đã làm việc cho MI6 gần 30 năm, khi nói chuyện với ông, đã thú nhận chính bà ta đã tổ chức vụ giết người này.

“Tôi đã nhắc đến sự ồn ào xung quanh vụ bắt cóc Lumumba và giết hại ông ấy và cũng nói đến thuyết, theo đó MI6 có thể đã có liên quan nào đó đến việc này”, ông Lea kể lại.

“Đây là những gì Daphne Park thú nhận: “Chúng tôi đã làm việc đó. Tôi đã tổ chức việc đó”.

Ông Lea nói rằng, việc Lumumba là cộng sản và có thể đã xích lại quá gần Liên Xô, quốc gia đang ở tình trạng chiến tranh lạnh với phương Tây, chính là nguyên nhân đưa ra quyết định thủ tiêu ông.

Trước khi được phái sang châu Phi, nữ tình báo huyền thoại Anh đã hoạt động một năm ở Moskva. Từ năm 1957, bà ta được chuyển đến châu Phi đang sôi sục trong thời kỳ đấu tranh giải phóng dân tộc, và đã tiếp cận các chiến sĩ đấu tranh cho nền độc lập của Congo và Zambia. Park đã thiết lập được các quan hệ thân thiết với nhiều lãnh tụ Phi châu thời đó đến mức, họ đã bàn bạc với bà khi đưa ra những quyết định trọng yếu đối với quốc gia. Chính hồi đó, bà đã được MI6 đặt biệt danh kính trọng “nữ hoàng của những gián điệp”.

Sự nghiệp tình báo của Park chỉ được biết đến vào giữa thập niên 1990, gần 20 sau khi bà rời ngành tình báo. Người ta biết được rằng, vào đầu những năm 1960, Park đã giúp chở trong khoang chở đồ ô tô của mình thư ký riêng của Patrice Lumumba khỏi Congo. Đầu thập kỷ 1990, vì công tích đối với quốc gia, bà đã được tặng thưởng danh hiệu nữ nam tước trọn đời.

Nguồn: Guardian, Telegraph,VZ, 2.4.2013.

Print Print E-mail Print