Vietnamdefence.com

 

Bộ ba vũ khí hạt nhân chiến lược của Trung Quốc

VietnamDefence - Trung Quốc hiện là một trong số ít các nước, ngoài Mỹ, Nga, Pháp, Anh, nắm giữ trong tay bộ ba vũ khí hạt nhân chiến lược là tên lửa đường đạn xuyên lục địa, tàu ngầm mang tên lửa đường đạn và máy bay ném bom chiến lược.

Theo ước đoán, tiềm lực vũ khí hạt nhân (VKHN) của Trung Quốc (TQ) lớn hơn tiềm lực của Pháp và Anh và do TQ giữ bí mật con số thật sự nên ở đây có thể tiềm ẩn sự bất ngờ lớn.

QUÁ TRÌNH PHÁT TRIỂN

Lãnh đạo TQ đã quan tâm tới VKHN ngay sau khi giành thắng lợi trong cuộc nội chiến với Quốc dân đảng và nguyện vọng sở hữu loại vũ khí huỷ diệt lớn này chịu ảnh hưởng lớn nhất từ cuộc chiến tranh Triều Tiên 1950-1953 vì không lâu sau khi cuộc chiến Triều Tiên kết thúc, một số tài liệu về các kế hoạch tác chiến của quân đội Mỹ được giải mật cho thấy, Mỹ đã từng chuẩn bị thực hiện các cuộc tấn công hạt nhân vào các binh đoàn Bắc Triều Tiên và TQ.

Bắc Kinh càng thiết tha hơn với VKHN sau khi Phó Chủ tịch TQ Chu Đức, Bộ trưởng Quốc phòng Bành Đức Hoài cùng một số tướng soái cao cấp TQ khác tham dự cuộc tập trận ở trường bắn Totsky ở Liên Xô ngày 14/9/1954 và choáng váng khi được chứng kiến vụ nổ 1 quả bom nguyên tử thật thả từ máy bay.

Sau đó, trong cuộc gặp tháng 10/1954, Mao Trạch Đông đã đề nghị nhà lãnh đạo Liên Xô Nikita Khrushchev chia sẻ bí mật cấu tạo vũ khí nguyên tử và giúp TQ sản xuất bom nhưng bị từ chối.

  • Tháng 1/1955, Ban Bí thư UBTW ĐCS TQ thông qua quyết định tự lực chế tạo vũ khí nguyên tử theo dự án mật có mật danh 02.

  • Tháng 10/1964, tại trường thử Lopnor, TQ đã tiến hành vụ thử quả bom nguyên tử đầu tiên đương lượng nổ 22 kT.

  • Ba năm sau, vào tháng 6/1967, TQ đã thử vũ khí mới loại nhiệt hạch đương lượng nổ gần 3 МT.

  • Năm 1988, TQ thử thiết bị hạt nhân công suất 1-5 kT có lượng bức xạ neutron cao. TQ chính thức tuyên bố sở hữu vũ khí neutron.

Như vậy, TQ đã tự sản xuất được toàn bộ các loại vũ khí hạt nhân: bom nguyên tử, vũ khí nhiệt hạch và vũ khí neutron.

Để triển khai, mở rộng sản xuất loạt và hoàn thiện kho VKHN, TQ đã tiến hành 45 vụ thử hạt nhân, trong đó vụ cuối cùng diễn ra ngày 29/7/1996 sau khi Nga và Mỹ cam kết cấm thử hạt nhân.

Tháng 9/1996, TQ đã tham gia Hiệp ước cấm thử hạt nhân toàn diện.

Theo đánh giá của các chuyên gia, tiềm lực KHKT và sản xuất của TQ cho phép đến cuối thế kỷ ХХ chế tạo tới 75 đơn vị VKHN/năm và đưa tổng số VKHN trong trang bị chiến đấu của TQ lên tới 400 đơn vị (có tính đến tuổi thọ bảo đảm 10-12 năm, sau đó phải gỡ bỏ). TQ đã sản xuất 1.200-1.500 đầu đạn hạt nhân.

MÁY BAY NÉM BOM HẠT NHÂN

Ngay từ đầu, TQ đã phải sử dụng chủ yếu các máy bay ném bom Tu-16 do Liên Xô cung cấp làm phương tiện mang VKHN bởi vì thời đó TQ còn có thể nhận được máy bay ném bom của Liên Xô.

Máy bay ném bom H-6 (nti.org)

Năm 1959, Liên Xô đã cấp cho TQ giấy phép sản xuất Tu-16 mà TQ đặt tên là Н-6 (Hun-6). Tổng cộng, TQ đã chế tạo gần 120 chiếc H-6 và hiện nay dù tính năng đã lạc hậu nhưng chúng vẫn còn trong trang bị chiến đấu và là chủ lực của không quân ném bom TQ. H-6 được biên chế cho trung đoàn không quân độc lập số 4 của Không quân Quân Giải phóng Nhân dân TQ (QGPND TQ) (tổng cộng có 15 phi đội), đóng tại các căn cứ không quân Datun, Vikun, Nanshui. Máy bay có thể thực hiện 2 chức năng tấn công bằng vũ khí thông thường và VKHN. Tuy được hiện đại hoá thường xuyên, H-6 vẫn chỉ có khả năng đột phá phòng không hiện đại khá thấp, độ chính xác ném bom kém, không có hệ thống tiếp dầu trên không, do đó bán kính chiến đấu của H-6 không quá 3.100 km. Tuy nhiên, H-6 có các tính năng hoàn toàn có thể chấp nhận được khi tấn công bằng vũ khí nguyên tử như đã thể hiện trong 2 vụ thử hạt nhân: thử 1 bom nguyên tử vào tháng 5/1965 và 1 bom nhiệt hạch cỡ Megaton vào tháng 6/1967.

Ngoài ra, trong biên chế không quân chiến thuật TQ có 30 máy bay tiêm kích-bom Q-5 (Tiêm-5), hiện đại hoá từ MiG-17 của Liên Xô, có khả năng mang bom hạt nhân.

Bộ Tư lệnh Không quân TQ khá kỳ vọng tăng cường sức mạnh chiến lược của không quân bằng việc đưa vào trang bị loại máy bay tiêm kích-bom mới Н-7, cũng đã mua các máy bay chiến đấu hiện đại của Nga: 26 chiếc Su-27 đã được đưa vào trang bị cho sư đoàn không quân số 3 ở căn cứ Wuchu, cách Thượng Hải 250 km về phía Đông. TQ cũng đã mua giấy phép sản xuất các máy bay này và đến năm 2015 TQ sẽ có 200 máy bay này.

Hiện thời, các chuyên gia chưa thống nhất ở ý kiến cho rằng, TQ đang sản xuất một biến thể Su-27 mang bom hạt nhân mặc dù họ thừa nhận là làm việc đó không quá khó. Tháng 8/1999, Nga đã ký hợp đồng bán cho TQ 40 máy bay tiêm kích Su-30МКК và đã hoàn thành hợp đồng vào năm 2001.

TÊN LỬA HẠT NHÂN TRIỂN KHAI TRÊN MẶT ĐẤT

TQ đầu tư nghiên cứu, phát triển công nghệ tên lửa với tốc độ nhanh theo 3 giai đoạn. Giai đoạn 1 - Phát triển các tên lửa tầm trung (1.000-2.700 km), giai đoạn 2 - phát triển tên lửa đường đạn tầm trung gian (2.700-5.500 km), giai đoạn 3 - phát triển tên lửa đường đạn xuyên lục địa (>10.000 km). 

Nửa cuối thập niên 1950, được giúp đỡ của các chuyên gia Liên Xô, TQ bắt đầu tiếp thu, làm chủ công nghệ tên lửa. Liên Xô đã chuyển cho TQ 2 tên lửa R-2 (cải tiến từ tên lửa đường đạn FAW-2 của phát xít Đức) có tầm bắn đến 600 km, đồng thời, TQ nhận được bộ tài liệu kỹ thuật cho phép triển khai sản xuất tên lửa này. Không lâu sau, Liên Xô gửi sang TQ tài liệu kỹ thuật của tên lửa R-12 có tầm bắn gần 2.000 km.

Trên cơ sở tên lửa đường đạn này, TQ đã thiết kế tên lửa tầm trung đầu tiên của mình là Đông Phong-1 (DF-1) và năm 1970 đưa vào trang bị cho QGPND TQ.

Trong thập niên 1970, TQ phát triển thành công tên lửa đường đạn DF-3 (tầm 2.800 km) và DF-4 (5.500 km) và các loại tên lửa này vẫn trực chiến cho đến nay.

DF-3 có độ tin cậy kỹ thuật cao và trên cơ sở tên lửa này, TQ đã chế tạo tên lửa đẩy đã phóng thành công vệ tinh nhân tạo đầu tiên của TQ ngày 24/4/1970. Các căn cứ tên lửa DF-3 đặt tại các vùng miền Nam và Đông Bắc TQ (Tsian-shui, Côn Minh, Idu, Ton-hua, Denshahe, Lian-siwan). Các tên lửa này từng nhằm vào lãnh thổ Liên Xô, Ấn Độ và Đài Loan.

Từ năm 1986, TQ bắt đầu đưa vào trang bị các hệ thống tên lửa cơ động 2 tầng DF-21 thay cho DF-3, triển khai tại các căn cứ Tsian-shui, Ton-hua, Lian-siwan.

Tên lửa đường đạn tầm trung DF-21B (MP)

Các tên lửa đường đạn DF-4 được trang bị cho các bệ phóng đặt trong đường hầm và hang ở các căn cứ Da Tsaidam, Siao Tsaidam, Delin-ha, Sun-dian, Tondao.

Nằm trong tầm bắn của tên lửa TQ có khoảng 2/3 lãnh thổ Liên Xô, các mục tiêu trên bán đảo Triều Tiên, Nhật Bản, Đài Loan, các nước Đông Nam Á, Đông Bắc Ấn Độ.

Năm 1980, TQ tiến hành các vụ thử đầu tiên đối với tên lửa đường đạn xuyên lục địa DF-5 và đưa vào trang bị cho QGPND TQ một năm sau đó.

Các đơn vị tên lửa đường đạn xuyên lục địa nằm trong biên chế lực lượng chiến lược đặc biệt - Lực lượng Pháo binh 2 với tư cách một quân chủng độc lập của quân đội TQ. Lực lượng Pháo binh 2 gồm có một bộ tham mưu, 7 căn cứ tên lửa, 10 sư đoàn, 1 sư đoàn báo động sớm, các trung đoàn thông tin, bảo đảm kỹ thuật và bảo vệ. Tổng quân số là gần 90.000 người.

Theo số liệu của Viện SIPRI, TQ hiện có gần 20 tên lửa đường đạn xuyên lục địa và đến 100 tên lửa tầm bắn 1.800-5.500 km. Một binh đoàn với 20 hệ thống tên lửa mặt đất cơ động trang bị tên lửa nhiên liệu rắn DF-31 (tầm bắn 8.000 km) có khả năng mang đầu đạn 2,5 МT đang được hình thành.

 
 

Tên lửa đường đạn xuyên lục địa DF-31A (MP)

Trong tương lai, DF-31 dự kiến sẽ mang 3-4 đầu đạn tự tách dẫn đường độc lập kiểu MIRV có đương lượng 200 kT đến 1 МT.

Đến năm 2010, tên lửa đường đạn xuyên lục địa nhiên liệu rắn cơ động mới DF-41 có tầm bắn đến 12.000 km sẽ được nhận vào trang bị. Các tên lửa nhiên liệu rắn này có độ chính xác, khả năng phản ứng cao hơn, lắp trên xe và mang 3-4 đầu đạn kiểu MIRV 200 kT đến 1 МT.

Theo báo cáo mới nhất của Lầu Năm góc, TQ đang hiện đại hoá lực lượng tên lửa hạt nhân và từng bước tăng cường tiềm lực răn đe hạt nhân bằng cách tăng số lượng đầu đạn có thể bay tới lãnh thổ Mỹ. Bắc Kinh cũng có ý định mở rộng khả năng sử dụng chiến đấu cho tên lửa hạt nhân ở các vùng tiếp giáp Đông Á.

Báo cáo của BQP Mỹ khẳng định trong thời gian tới, TQ có thể có tới 30 tên lửa đường đạn xuyên lục địa có khả năng bắn tới lãnh thổ Mỹ và 60 tên lửa cho đến năm 2010.

Nhằm củng cố vị thế quân sự chiến lược của TQ tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương, cũng như để dự phòng tình hình xung quanh Đài Loan căng thẳng, lãnh đạo TQ đang tiến hành một chương trình quy mô chế tạo tên lửa chiến thuật và chiến dịch-chiến thuật để trang bị cho lục quân QGPND TQ.

Tên lửa đường đạn tầm ngắn DF-11A (MP)

Năm 1990, TQ đã hoàn tất thành công các vụ thử nghiệm bay-thiết kế đối với các tên lửa đường đạn nhiên liệu rắn cơ động DF-11 (М-11) và DF-15 (М-9) có tầm bắn lần lượt là 300 và 600 km có khả năng mang đầu đạn hạt nhân. Theo tin tức của tình báo Đài Loan, TQ đã triển khai ở 3 tỉnh miền Nam TQ 160-250 tên lửa M-11 và M-9, nhưng thông tin này không được Viện SIPRI xác nhận.

Tên lửa đường đạn tầm ngắn DF-15B (MP)

LỰC LƯỢNG HẠT NHÂN TRÊN BIỂN

Lãnh đạo TQ không che giấu ý đồ sở hữu bộ ba vũ khí hạt nhân và từ giữa thập niên 1970, TQ bắt đầu nghiên cứu chế tạo các tàu ngầm mang tên lửa đường đạn và tên lửa đường đạn cho các tàu ngầm này.

Trong quá trình thực hiện chương trình, TQ đã vấp phải nhiều khó khăn nghiêm trọng liên quan đến phát triển tên lửa đường đạn phóng từ tàu ngầm và đặc biệt là tàu ngầm mang tên lửa đường đạn.

Năm 1989, tàu ngầm nguyên tử đầu tiên lớp Hạ kiểu 092 (Type 09-II) mang 12 tên lửa JL-1 (Du Lãng-1) mang 1 đầu đạn đã được đưa vào trang bị chiến đấu của Hạm đội tàu ngầm số 9, Hải quân QGPND TQ và được biên chế cho căn cứ hải quân Tsiange-chzuan. JL-1 đã được thử nghiệm bay trong những năm 1981-1984, trong đó có lần phóng thành công từ bệ phóng trên tàu ngầm lớp Golf của Liên Xô cải tiến. JL-1 có tầm bắn đến 1.700 km và mang 1 đầu đạn đương lượng đến 300 kT. Tuy vậy, các chuyên gia cho rằng, tàu ngầm này chưa đạt được khả năng hoạt động toàn phần.

Năm 2001, TQ bắt đầu đóng tàu ngầm nguyên tử mang tên lửa đường đạn đầu tiên thế hệ mới kiểu 094 (Type 09-IV) và hạ thuỷ vào tháng 7/2004. Dự kiến mỗi tàu 094 sẽ mang 16 tên lửa JL-2 (Du Lãng-2; Mỹ và NATO gọi là CSS-NX-5) vốn là biến thể phóng từ biển của DF-31 (có thể được lắp đầu đạn MIRV, tầm bắn 7.500-8.000 km). JL-2 có khả năng tấn công hầu như toàn bộ lãnh thổ Mỹ khi tàu vẫn hoạt động ở gần bờ biển TQ. Kế hoạch phát triển lực lượng hạt nhân trên biển của TQ dự kiến đóng trong thập niên tới 4-6 tàu ngầm 094.

Tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đường đạn thế hệ 2 lớp Tấn 094
của Hải quân Trung Quốc (MP)

TQ đang gặp nhiều khó khăn trong việc chế tạo lò phản ứng nguyên tử và các hệ thống phóng ngầm tên lửa có độ tin cậy.

Năm 2002-2003, TQ đã thực hiện không thành công các vụ thử tên lửa mới JL-2. Tuyt nhiên, vào năm 2004, TQ đã quyết định trang bị lại tàu ngầm lớp Hạ bằng tên lửa JL-2, nhưng thông tin về tình trạng của tàu ngầm này với tên lửa JL-2 còn khá mâu thuẫn. Chính do những khó khăn gặp phải nên tàu ngầm lớp Hạ thường chỉ hoạt động ở vùng biển gần bờ.

Các chuyên gia cho rằng, TQ chỉ có thể đưa tàu ngầm mang tên lửa đường đạn mới vào hoạt động không trước cuối thế kỷ 21.

Các loại tên lửa đường đạn của TQ (Số liệu từ báo cáo của BQP Mỹ)

Chủng loại Tầm bắn, km Số lượng bệ phóng/tên lửa
Tên lửa đường đạn xuyên lục địa
DF-5 (CSS-4) 8.460 20/20
DF-31 7.250 Đang phát triển
DF-31А 11.270 Đang phát triển
Tên lửa đường đạn tầm trung gian
DF-4 (CSS-3) 5.470 10-14/20-24
DF-3А (CSS-2) 2.790 6-10/14-18
Tên lửa đường đạn tầm trung    
DF-21А (CSS-5 Mod 1/2) 1.770 34-38/19-23
Tên lửa đường đạn chiến dịch-chiến thuật
DF-15 (CSS-6) 600 70-80/230-270
DF-11 (CSS-7)/ 300 100-120/420-460
Tên lửa đường đạn phóng từ tàu ngầm
JL-1 (CSS-N-3) 1.770 10-14/10-14

Print Print E-mail Print