|
Tổng thống Đài Loan Trần Thủy Biển trên tàu ngầm Hải Hổ (Wally Santana / AP) |
Các bản vẽ của tàu ngầm điện-diesel tương lai sẽ hoàn thành vào cuối năm 2014, một quan chức Hải quân Đài Loan giấu tên tiết lộ với tờ Focus Taiwan.
Theo lời quan chức này, việc đóng tàu ngầm tự đóng đầu tiên trong lịch sử Đài Loan sẽ bắt đầu trong hai năm tới. Điều thúc đẩy Đài Loan bắt đầu dự án tàu ngầm của mình là sự chậm trễ của Mỹ. Các đối tác Mỹ chỉ nhận được 2 đề nghị mua sắm tàu ngầm trong cuộc gặp song phương vào tháng 9/2014, nhưng họ cũng không có câu trả lời cuối cùng. “Chúng tôi đơn giản là không thể chờ đợi thêm nữa”, quan chức Hải quân Đài Loan nói.
Mỹ nhiều năm hứa hẹn cung cấp thêm tàu ngầm cho Đài Loan, việc đàm phán về việc đóng 8 tàu ngầm điện-diesel được bắt đầu từ thời Tổng thống Bush con. Lẽ ra chúng sẽ được đóng mới từ đầu trong khuôn khổ chương trình bán hàng quân sự cho nước ngài, nhưng dự án này bị cả Trung Quốc lẫn phe đối lập ở chính Đài Loan phản đối. Nếu như Trung Quốc không muốn kẻ thù tiềm tàng chủ yếu lớn mạnh thì phe đối lập Đài Loan tức giận vì giá đóng tàu ngầm quá cao, lên tới 10,5 tỷ USD. Các lý do chính trị và tài chính thực tế đã phá vỡ dự án này.
8 tàu ngầm mới lẽ ra đã có thể tăng mạnh khả năng của Đài Loan đẩy lùi cuộc xâm lược tiềm tàng từ phía Trung Quốc, tạp chí Diplomat viết. Thiếu tàu ngầm là nhược điểm chính của hạm đội Đài Loan, bởi vì chính các cuộc tấn công chống hạm từ bên dưới mặt biển có thể là phương tiện hữu hiệu đối phó với xâm lược khi xét đến sự tăng cường mạnh mẽ các loại vũ khí phòng không và phòng thủ tên lửa của quân đội Trung Quốc.
Đài Loan vẫn đang tìm kiếm quốc gia sẵn sàng bán tàu ngầm cho họ, nhưng không tìm được. Hiện nay, hạm đội tàu ngầm của hòn đảo này chỉ gồm các tàu ngầm đồ cũ, Tổng biên tập tạp chí “Xuất khẩu vũ khí” (Nga), chuyên gia quân sự Andrei Frolov cho biết.
“Tất cả các khó khăn của Đài Loan không phải liên quan đến tiền mà là
không ai bán cho họ. Sau người Mỹ, họ từng định đặt mua của Đức, nhưng
Trung Quốc đã phong tỏa thương vụ này”, ông Frolov nói thêm.
Theo
trang mạng NTI, hiện nay, Đài Loan chỉ có vẻn vẹn 2 tàu ngầm Hải Hổ và
Hải Long, vốn là các tàu ngầm lớp Zwaardvis cải tiến do Hà Lan bán cho
vào cuối thập kỷ 1980. Cần lưu ý rằng, các tàu ngầm Hà Lan lại chính là
sự cải tiến các tàu ngầm Mỹ lớp Barbel. Đài Loan còn có 2 tàu ngầm Mỹ,
nhưng đó là các tàu hoàn toàn lạc hậu có từ thời Thế chiến II và đang
được sử dụng chỉ để huấn luyện binh sĩ.
Hai tàu ngầm Đài Loan về nguyên tắc sẽ không thể chống chọi với hạm đội tàu ngầm Trung Quốc vốn có không dưới 50 tàu ngầm điện-diesel. Ngoài ra, các kỹ sư và khoa học gia Trung Quốc còn đang phát triển các mẫu tàu ngầm mới. Mới đây, trên mạng đã xuất hiện các sơ đồ cấu tạo bên trong của tàu ngầm tương lai lớp Type 032 hay Trường Thành 201 - một khi dự án này được thực hiện, đây sẽ là tàu ngầm điện-diesel lớn nhất thế giới. Một nhóm nghiên cứu khác từ Đại học bách khoa Harbin đang thiết kế tàu ngầm siêu nhanh. Đặc điểm của tàu ngầm này là khả năng đạt tốc độ siêu âm ở độ sâu đại dương.
Đài Loan cũng đang từng bước mở rộng lực lượng hải quân của mình. Họ đang tiến hành ở gần đảo Đài Loan việc thử nghiệm trên biển corvette tên lửa tàng hình Tuo Jiang. Tàu chiến hai thân này được báo chí Đài Loan mệnh danh là “sát thủ tàu sân bay”. Người ta cho rằng, chức năng chính của nó là tác chiến chống các tàu lớn nhất của hạm đội Trung Quốc, trong đó có tàu sân bay duy nhất Liêu Ninh.