Vietnamdefence.com

 

Hợp đồng Su-35: Trung Quốc cò kè, chuyên gia Nga bàn về được mất

VietnamDefence - Tháng 11/2014, Nga và Trung Quốc có thể ký hợp đồng bán cho Trung Quốc tiêm kích đa năng Su-35. Hai bên đang thỏa thuận “một số tham số giá cả” của hợp đồng.

Su-35S
Phó Thủ tướng Nga Dmitri Rogozin cho biết, sẽ có cuộc họp của ủy ban hỗn hợp về hợp tác kỹ thuật quân sự và vấn đề này sẽ được giải quyết ở đó, đồng thời hy vọng, hai bên sẽ tiến đến trực tiếp ký hợp đồng. Còn hiện thời, hai bên đang thỏa thuận “một số tham số giá cả” của hợp đồng.

Theo thông tin sơ bộ, ở giai đoạn đầu, Trung Quốc dự định mua mua 24 chiếc Su-35. Hiện nay, Trung Quốc là khách hàng sử dụng nhiều nhất tiêm kích họ Su-27/Su-30. Nga đã chuyển giao cho Trung Quốc tổng cộng 281 loại này. Ngoài ra, Trung Quốc còn sản xuất J-11B làm nhái Su-27.    

Su-35 là tiêm kích đa năng siêu cơ động, hiện đại hóa sâu thế hệ 4++, sử dụng một số công nghệ của thế hệ 5, giúp máy bay có ưu thế đối với các tiêm kích cùng lớp.

Theo các chuyên gia, Su-35 vượt trội tất cả các tiêm kích chiến thuật thế hệ 4 và 4+ Rafale và EF 2000, tiêm kích cải tiến F-15, F-16, F/A-18, F-35 và có thể tự tin đối kháng tiêm kích thế hệ 5 F-22А của Mỹ.

Dự kiến, sắp tới, Su-35 sẽ lên đường sang Trung Quốc dự triển lãm hàng không Airshow China 2014 ở Chu Hải. Cuộc trình diễn của Su-35 có thể trùng với việc bán hơn 20 máy bay tối tân này cho Trung Quốc.

Tại triển lãm Airshow China 2014, Nga sẽ tổ chức bay trình diễn tiêm kích đa năng siêu cơ động thế hệ 4++ Su-35, trang Sina Corp dẫn lời ban tổ chức triển lãm cho biết. Các máy bay do Tổng công ty chế tạo máy bay thống nhất OAK (Nga) đưa đến Trung Quốc, còn thực hiện các bài bay cao cấp sẽ là phi đội bay trình diễn Russkyie Vityazi.

Triển lãm hàng không lớn nhất và uy tín nhất Trung Quốc sẽ diễn ra từ ngày 11-16/11 ở ngoại ô thành phố Chu Hải. Chính vào thời gian này, Nga và Trung Quốc có thể ký hợp đồng bán Su-35 cho Trung Quốc, Phó Thủ tướng Nga Dmitri Rogozin cho biết.
Theo hợp đồng sơ bộ giữa Rosoboronoexport và Bộ quốc phòng Trung Quốc, Nga sẽ chuyển giao 24 Su-35 trị giá ước 1,5 tỷ USD. Nhưng con số này chỉ bằng một nửa hợp đồng mở hàng của Bộ Quốc phòng Nga ký năm 2009.


Su-35 bay huấn luyện tại triển lãm MAKS-2013 ở Moskva (Marina Lystseva / TASS)

Đàm phán song phương về việc mua bán Su-35 đã bắt đầu vào năm 2010, khi ngay cả Không quân Nga cũng chưa nhận được máy bay này. Ban đầu, người ta nói đến hợp đồng 48 chiếc, sau đó có tin, Bắc Kinh chỉ muốn mua không quá... 4 chiếc. Số lượng tí ti đó khiến Nga nghi Trung Quốc mua chỉ để sao chép Su-35. Điều đó hoàn toàn có thể xảy ra nếu nhớ đến số phận của Su-27 vốn là mẫu cơ sở cho Su-35. Nga đã chuyển giao cho Trung Quốc hơn 280 Su-27, sau đó Trung Quốc đã triển khai sản xuất các máy bay làm nhái nội địa, trong đó có J-11.

Phó Giám đốc Viện Phân tích chính trị và quân sự (Nga), ông Aleksandr Khramchikhin cho rằng, Trung Quốc muốn có Su-35 để sao chép các trang thiết bị của nó. “Bề ngoài, các vị thậm chí sẽ không thể phân biệt Su-35 với Su-27, nhưng thiết bị là hoàn toàn mới. Đó chính là cái Trung Quốc cần - động cơ, radar”, ông Khramchikhin nói.

Tuy nhiên, chuyên gia Trung tâm Phân tích chiến lược và công nghệ Vasily Kashin lại đánh giá, sao chép động cơ và radar trong một thời hạn hợp lý là không thực tế, muốn vậy cần phải mất nhiều thời gian.

Khách tham quan bên mô hình Su-35 tại triển lãm hàng không ở Trung Quốc, ngày 31/10/2006 (Vincent Yu / AP)

Trung Quốc đơn thuần là không đủ nguồn lực công nghệ để sản xuất một mẫu hàng nhái có chất lượng của Su-35, Tổng biên tập tuần báo “Kỹ thuật hàng không và tên lửa” (Nga), chuyên gia về máy bay, ông Ivan Kudishin nhận định. Ông cho rằng, người Trung Quốc chẳng mấy quan tâm đến khung thân của Su-35 (phần cấu trúc của máy bay chưa có động cơ và trang thiết bị) vốn dự trên Su-27, nhưng trang thiết bị bên trong tiêm kích mới thì lại khác.

“Cụ thể là người Trung Quốc quan tâm đến động cơ và thiết bị điện tử, với những thứ này Trung Quốc đang gặp những khó khăn lớn. Họ tất nhiên là những thợ làm nhái thiên tài khi cần sao chép hình dáng bên ngoài, nhưng về luyện kim, họ tụt hậu xa so với Nga. Ngay cả sao chép y xì động cơ, họ cũng chỉ làm ra được động cơ có lực đẩy yếu xìu. Bởi vậy, kể cả trên các tiêm kích Trung Quốc hiện đại J-20 cũng vẫn lắp động cơ Nga, còn động cơ tương đương Taihang của Trung Quốc vẫn chưa ra khỏi giai đoạn sản xuất thử nghiệm”, ông Kudishin Nga giải thích.

Làm nhái hệ thống thiết bị trên khoang của Su-35 bằng vật liệu Trung Quốc là không thể, ông Kudishin nhấn mạnh. Ông cũng cho rằng, trang thiết bị điện tử trên biến thể xuất khẩu sẽ bị giản lược, thua kém một bậc so với mẫu trang bị cho quân đội Nga. Su-35 xuất khẩu sẽ có tính năng cắt giảm, Chủ tịch Viện Các vấn đề địa-chính trị (Nga) Konstantin Sivkov tán đồng. Theo ông, Su-35 chẳng qua là biến thể tiếp theo của Su-27, cho dù là với những thay đổi triệt để về thiết bị điện tử hàng không.

Ông Kashin thì cho rằng, Nga thậm chí có lợi với việc bán một lô Su-35 cho Trung Quốc. “Việc đàm phán đã diễn ra độ 5 năm, các bên đã thương thảo lâu và khó khăn thương vụ này. Nga muốn có hợp đồng này - nó quan trọng để đảm bảo lợi nhuận cho chương trình sản xuất tiêm kích Su-35. Sau khi tìm hiểu các khả năng của máy bay, người Trung Quốc có thể đề nghị các đối tác Nga hỗ trợ hiện đại hóa một lượng rất lớn Su-27 và các biến thể phái sinh của họ”, ông Kashin nói.

Kiên quyết phản đối Nga ký hợp đồng này là ông Khramchikhin. “Rõ ràng là rất cần có tiền để phát triển tiêm kích thế hệ 5 Т-50. Đây còn là một bước đi chính trị, 6-7 năm gần đây, hợp tác kỹ thuật quân sự với Trung Quốc gần như bằng không, chỉ còn bán động cơ, mà đó thậm chí chẳng phải là vũ khí. Trung Quốc còn mua động cơ với số lượng lớn ở phương Tây”, ông Khramchikhin nói.

Tiêm kích Su-35 không phải là loại vũ khí hiện đại duy nhất mà Nga có thể bán cho Trung Quốc. Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đích thân phê chuản ban cho Trung Quốc các hệ thống phòng không tối tân S-400 Triumf, tờ Kommersant dẫn nguồn tin thân cận với Điện Kremlin. Nếu thương vụ này thực sự sẽ được ký thì Trung Quốc sẽ trở thành khách hàng nước ngoài đầu tiên của S-400. Chánh Văn phòng Tổng thống Nga, ông Sergei Ivanov đã xác nhận khả năng này vào tháng 7/2014 khi nói cơ hội của Trung Quốc là cao.

Su-35 đến nay cũng chưa từng bán cho nước ngoài. Không quân Nga hiện có trong biên chế 22 máy bay này, trong đó 6 chiếc nhận được vào ngày 25/12/2012, nhưng chỉ chính thức nhận vào trang bị vào ngày 12/2/2014.

Nguồn: NVO, 17.10.2014.

Print Print E-mail Print