VietnamDefence -
Tình báo Mỹ và các nước châu Á đang theo dõi rất sát sao di chuyển của tàu nạo vét cỡ lớn của Trung Quốc trên Biển Đông. Sự nạo vét này ở nghĩa đen của từ này đang vẽ lại bản đồ và các đường biên giới. Hơn nữa, việc này đang được thực hiện liên tục không nghỉ, 24/24 giờ trong ngày.
|
tjhdj.com |
Theo thông tin từ các bức không ảnh mới nhất, tàu nạo vét Trung Quốc đang làm việc ráo riết ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam, vốn đang là trở ngại trong quan hệ giữa một số nước châu Á: Việt Nam, Trung Quốc, Đài Loan, Philippines, Brunei và Malaysia.
Bằng tàu nạo vét này, Trung Quốc đang nhanh chóng biến những cấu trúc đá tí hon không người ở thành các hòn đảo nhân tạo, trên đó có thể xây dựng nhà cửa, công trình, xí nghiệp công nghiệp và thậm chí các sân bay nhỏ.
Hiện nay, tàu nạo vét này đang làm việc ở 6 đảo san hô ở quần đảo Trường Sa. Theo các chuyên gia an ninh, việc mở rộng các đảo, đá bằng tàu nạo vét có tên Tian Jing Hao có tính chất vừa tham vọng, vừa rất khiêu khích vì diễn ra ở khu vực, nơi mà chỉ cần một tia lửa nhỏ là đủ để bùng lên một cuộc xung đột vũ trang lớn.
Công suất nạo hút cũng rất ấn tượng. Tàu hút từ đáy biển và bơm lên bề mặt 4.500 m3 cát/giờ. Công suất đó cho phép nó trong chưa đầy 10 tháng làm thay đổi 5 rạn san hô ở quần đảo Trường Sa đến mức không còn có thể nhận ra.
Theo các bức ảnh mới nhất, với sự hỗ trợ của tàu nạo vét dài 127 m, trong 3 tháng gần đây, Bắc Kinh đã đưa 2 rạn san hô ở quần đảo Trường Sa vào trạng thái có thể tiến hành thi công xây dựng trên đó.
Điều khiến các nước láng giềng đặc biệt lo ngại là hoạt động của tàu Tian Jing Hao ở khu vực đá Chữ Thập có ý nghĩa chiến lược quan trọng. Nhiều tuyến đường biển quan trọng đang đi qua đây.
Lầu Năm góc cho rằng, ở giai đoạn hiện nay, xác suất Bắc Kinh xây dựng các công trình quân sự trên hòn đảo nhân tạo nhỏ này là thấp, vì chúng sẽ trở thành mục tiêu ngon xơi và có thể dễ dàng bị tên lửa của Việt Nam hủy diệt trong chớp mắt.
Tuy nhiên, Bộ Quốc phòng Mỹ cũng hiểu rõ rằng, ngay cả các kế hoạch xây dựng một bến cảng nhỏ hay một đường băng cất/hạ cánh cho máy bay hạng nhẹ cũng có thể là bộ phận cấu thành của một chương trình dài hạn của Trung Quốc nhằm thiết lập tại khu vực này một vùng tuần tra và vùng nhận dạng phòng không.
Hiện nay, các hòn đảo “đang mở rộng” về vật chất chủ yếu có tác dụng củng cố các yêu sách lãnh thổ của Trung Quốc trong khu vực, mà theo nhiều nhà quan sát và chuyên gia, sự đói khát tham lam của Trung Quốc về khoáng sản và vị thế chiến lược có thể kích động một cuộc xung đột giữa họ và các nước láng giềng.
Xác suất xảy ra kịch bản đó là khá cao. Chỉ cần nhớ rằng, sự xuất hiện trái phép của giàn khoan Hải dương 981 của Trung Quốc trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam đã kích động các cuộc biểu tình dữ dội chống Trung Quốc ở Việt Nam mà sức mạnh và quy mô của nó làm cho ngay cả Bắc Kinh cũng phải kinh ngạc.
Tranh chấp xung quanh các bãi đá Gạc Ma (Johnson), Châu Viên (Cuarteroon) và Gaven cũng liên tục làm căng thẳng quan hệ giữa Trung Quốc và Philippines.
Mặt khác, đá Gạc Ma từng là nơi nổ ra xung đột vũ trang giữa các tàu chiến của Trung Quốc và tàu vận tải của Việt Nam vào năm 1988, 64 bộ đội Việt Nam hy sinh.
Manila cũng lớn tiếng phản đối các yêu sách lãnh thổ của Trung Quốc. Còn Bắc Kinh lại hát bài tụng ca muôn thuở là không hề có tranh chấp chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa vì lý do đơn giản nó thuộc chủ quyền Trung Quốc.
Các nhà ngoại giao nước ngoài ở Bắc Kinh cho rằng, hoạt động của tàu nạo vét ở Trường Sa có thể là phép thử. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình muốn kiểm tra xem Mỹ, quốc gia đang bị cuốn hút mạnh vào các cuộc xung đột ở Cận Đông và Ukraine, sẵn sàng đi xa đến mức nào.
Nguồn: Vũ khí bí mật của Bắc Kinh / Sergey Manukov // Expert Online, 17.9.2014.