VietnamDefence -
Ngày 10.11.2010, tại Jakarta đã bắt đầu làm việc Triển lãm vũ khí trang bị INDO DEFENCE 2010 có sự tham gia của 9 công ty Nga. Nhân sự kiện này, Trung tâm Phân tích buôn bán vũ khí thế giới TsAMTO (Nga) giới thiệu bài viết về hợp tác kỹ thuật quân sự Nga-Indonesia.
|
Su-30MK
|
Chính phủ Indonesia đang liên tục tăng chi phí quốc phòng. Năm 2010, ngân sách quân sự đã tăng 21%. Dự kiến, năm 2011, chi phí quân sự sẽ tăng thêm 13% - lên đến 45,2 ngàn tỷ rupi (5 tỷ USD). Trước đó, trong năm nay, TT Indonesia Susilo Bambang Yudhoyono đã công bố ý định tăng chi phí quốc phòng lên đến 1%GDP vào năm 2014, tức là gần 100 ngàn tỷ rupi.
Phân tích quá trình mua sắm quốc phòng của Indonesia cho thấy, không phải tất cả các dự án đều đến được giai đoạn thực hiện. Song Indonesia hiện nay có khả năng thực hiện ít nhất một phần trong số đó. Theo đánh giá của IMF, tăng trưởng GDP của Indonesia năm 2011 sẽ là 6,2%. Trong tương lai, dự báo GDP sẽ tăng dần và đạt 7% vào năm 2015.
Hiệp định Nga-Indonesia về hợp tác kỹ thuật quân sự ngày 21.9.2010 đã được Hạ viện Indonesia thông qua. Dự kiến, sắp tới, TT Susilo Bambang Yudhoyono sẽ ký hiệp định này.
Việc ký kết hiệp định sẽ tạo ra nền tảng pháp lý cho khả năng chuyển giao công nghệ, điều cực kỳ cần thiết khi Jakarta mở rộng mua sắm vũ khí Nga.
Việc đàm phán ký kết hiệp định Nga-Indonesia về hợp tác kỹ thuật quân sự đã diễn ra trong mấy năm. Vấn đề này đã bắt đầu được thảo luận sau khi Nga thông qua quyết định vào năm 2006 cung cấp tín dụng nhà nước trị giá 1 tỷ USD cho Indonesia mua vũ khí Nga.
Trước đó, vào tháng 9.2005, Nga và Indonesia đã thỏa thuận thành lập ủy ban liên chính phủ về hợp tác kỹ thuật quân sự.
Trong chuyến thăm Nga tháng 12.2006 của TT Indonesia Susilo Bambang Yudhoyono, hai bên đã ký hiệp định liên chính phủ về bảo vệ quyền của nhau đối với hoạt động trí tuệ được sử dụng và nhận được trong quá trình hợp tác kỹ thuật quân sự song phương.
Hiệp định liên chính phủ chính thức về việc Nga cấp 1 tỷ USD tín dụng nhà nước cho Indonesia để mua sản phẩm quân dụng của Nga đã được ký kết ngày 6.9.2007 trong chuyến thăm Jakarta của TT Nga Vladimir Putin. Khoản tín dụng này có mức lãi suất hàng năm 5,3% và thanh toán trong vòng 10 năm, trong đó có 5 năm ưu đãi.
Hiệp định quy định tài trợ cho việc mua sắm vũ khí trong khuôn khổ hợp tác kỹ thuật quân sự Nga-Indonesia giai đoạn 2006-2010.
Ở giai đoạn đầu, khi Nga và Indonesia bắt đầu đàm phán về khả năng cấp tín dụng mua vũ khí Nga, Jakarta đã trao cho Moskva danh sách các loại vũ khí mà họ muốn mua trước tiên. Trong danh sách có 20 máy bay tiêm kích Su-30МК2, 4 tàu ngầm diesel-điện Projekt 636, 2 tàu ngầm diesel-điện Amur-1650, một số tàu corvette và xuồng, các hệ thống phòng không tổng trị giá gần 3 tỷ USD. Sau đó, kế hoạch được cụ thể hóa chi tiết ưu tiên căn cứ vào khoản tiền tín dụng được cấp.
Trong khuôn khổ kế hoạch này, dùng tiền từ nguồn tín dụng, Nga đã cung cấp cho Bộ Quốc phòng Indonesia 3 máy bay Su-27SK và 3 Su-30МК, 18 xe chiến đấu bộ binh BMP-3F, 6 trực thăng Mi-17V-5 (hợp đồng cung cấp thêm 10 trực thăng loại này đang ở giai đoạn thực hiện) và 3 Mi-35 (theo thông tin có được, Indonesia đã đặt mua 5-6 chiếc).
Indonesia cũng đang xem xét khả năng mua 6 Su-30МК, 2 tàu ngầm diesel-điện Projekt 636 Kilo, tên lửa chống hạm Yakhont, hệ thống tên lửa phòng không vác vai Igla và nhiều loại vũ khí khác. Không loại trừ khả năng, Indonesia tiếp tục mua xe chiến đấu bộ binh và xe bọc thép chở quân.
Nga trong các chương trình hiện đại hóa quân đội Indonesia
Trực thăng
Năm 2000, Indonesia đã ký với Nga hợp đồng mua 4 trực thăng Mi-17-1В. Hợp đồng này được khuôn khổ tái tục các hợp đồng đã ký năm 1997, nhưng không được thực hiện do khủng hoảng kinh tế-tài chính nổ ra ở Indonesia.
Năm 2003, Nga chuyển giao cho Bộ Quốc phòng Indonesia 10 trực thăng Mi-2 (lấy từ biên chế quân đội Nga) và 2 trực thăng Mi-171 (lấy từ biên chế quân đội Nga). Theo thông tin có được, năm 2006, đã ký thêm 1 hợp đồng cung cấp 12 trực thăng Mi-2 với thời gian thực hiện 2007-2008.
Năm 2003, Indonesia mua 2 trực thăng tiến công Mi-35М.
Tháng 9.2010, Nga cung cấp cho Indonesia lô thứ hai gồm 3 trực thăng tiến công Mi-35М (theo thông tin hiện có, Indonesia đã đặt mua tổng cộng 5-6 Mi-35М). Việc chuyển giao lô thứ hai trực thăng Mi-35M là một phần của số vũ khí mua theo tín dụng của Nga cấp.
Theo chương mục mua trực thăng theo khoản tín dụng, Indonesia cũng dự kiến mua 10 trực thăng vận tải Mi-17V-5 (theo thông tin hiện có, hợp đồng này đang ở giai đoạn thực hiện). Trong khuôn khổ hợp đồng đầu tiên ký năm 2005, Indonesia năm 2007-2008 đã nhận được 6 trực thăng Mi-17V-5 ở cấu hình vận tải-đổ bộ.
Máy bay
Tháng 4.2003, Nga đã ký hợp đồng bán cho Indonesia 2 Su-27SK, 2 Su-30МК, 2 trực thăng tiến công Mi-35 tổng trị giá 192,9 triệu USD. Trong đó, 108 triệu USD đã được thanh toán theo phương thức hàng đổi hàng (dầu cọ). Số máy bay và trực thăng theo hợp đồng này đã hoàn tất chuyển giao vào cuối tháng 9.2003.
Trong triển lãm hàng không MAKS-2007, hai bên đã ký biên bản về việc bắt đầu hiệu lực hợp đồng cung cấp cho Indonesia 3 máy bay Su-27SKM và 3 Su-30МК2.
Hợp đồng này là đợt mua sắm sản phẩm quân dụng lớn nhất được ký giữa Nga và Indonesia. Trị giá hợp đồng là gần 336 triệu USD.
Theo hợp đồng này, 3 tiêm kích Su-30МК2 đã được chuyển giao cho Không quân Indonesia vào năm 2008-2009, 3 Su-27SKM vào tháng 9.2010.
Hiện tại, Không quân Indonesia có 10 máy bay tiêm kích Sukhoi (5 Su-27SKM và 5 Su-30МК) nằm trong biên chế phi đội 11 đóng tại căn cứ không quân Sultan Hasanuddin, trên đảo Sulawesi.
Theo Tư lệnh Không quân Indonesia, nguyên soái không quân Imam Sufaat, “Không quân Indonesia dự định mua thêm từ Nga Su-30МК2 để bổ sung cho 10 Su-27/Su-30 hiện có”. Tổng thống Indonesia đã phê chuẩn kế hoạch này.
Hãng RIA Novosti dẫn các nguồn tin của mình cũng cho hay, phía Nga đã nhận được yêu cầu hiện đại hóa và tăng hạn cho 4 máy bay tiêm kích Su-27SK/Su-30МК chuyển giao cho Indonesia năm 2003, và sắp tới dự kiến sẽ ký hợp đồng cung cấp vũ khí cho các máy bay tiêm kích Su-27/Su-30.
Ngoài 6 chiếc Su-30МК2 bổ sung, Không quân Indonesia đồng thời dự định mua 6 máy bay tiêm kích F-16 của Mỹ để đưa số lượng F-16 trong trang bị của Không quân Indonesia lên tới 16 chiếc.
Bên cạnh việc mua sắm Su-30МК2 và F-16, trong khuôn khổ biên bản ký tháng 7.2010, Indonesia dự định mua gần 50 máy bay tiêm kích KFX trong vòng 10 năm tới. Chương trình này sẽ do Hàn Quốc và Indonesia hợp tác thực hiện.
Trước đó, Bộ tư lệnh Không quân Indonesia đã thông báo các kế hoạch trung hạn thành lập 2 phi đội đủ trang bị máy bay Nga (24 chiếc). Trong các kế hoạch dài hạn đã dự kiến mua đến 48 máy bay Nga.
Indonesia tiếp tục mua máy bay tiêm kích mới là do cần phải thay thế số máy bay lạc hậu F-5 Tiger và А-4E Skyhawk, cũng như tăng số lượng các phi đội máy bay tiêm kích.
Nga cũng có triển vọng nhất định ở phân khúc không quân vận tải với máy bay Il-76MF vì Không quân Indonesia có kế hoạch hiện đại hóa triệt để đội máy bay vận tải.
Máy bay huấn luyện chiến đấu Yak-130UBS của Nga có cơ hội tốt giành thắng lợi trong cuộc thầu cung cấp cho Không quân Indonesia 16 máy bay huấn luyện để thay thế các máy bay huấn luyện chiến đấu Hawk Mk.53. Theo thông tin hiện có, các ứng viên gút lại tham gia cuộc thầu có L-159B của Aero Vodochody (Czech), Yak-130UBS (Nga), T-50 Golden Eagle của Korea Aerospace Industry (Hàn Quốc) và FTC-2000 của hãng Thành Đô (Trung Quốc).
Đồng thời, Bộ Quốc phòng Indonesia cũng đang thực hiện dự án thay thế các máy bay cường kích OV-10 Bronco. Họ đã chọn EMB-314 Super Tucano của công ty Embraer (Brazil).
Tăng-thiết giáp
Tháng 12.2002, Thủy quân lục chiến Indonesia đã nhận vào trang bị 12 xe bọc thép chở quân BTR-80А. Trị giá hợp đồng mua số xe này là 6,5 triệu USD(?).
Theo thông tin hiện có, năm 2005, hai bên đã ký thêm hợp đồng cung cấp một lộ 36 xe BTR-80А với thời hạn thực hiện là năm 2006.
Năm 2008, Nga đã ký hợp đồng cung cấp cho Thủy quân lục chiến Indonesia 18 xe chiến đấu bộ binh BMP-3F. Dự đoán, số xe này được chuyển giao năm 2010-2011.
Vũ khí lục quân
Tháng 12.2000 và tháng 5.2001, Indonesia đã mua của Nga 2 lô vũ khí bộ binh gồm 9.000 khẩu súng trường tiến công АК-101 và АК-102 bắn đạn NATO 5,56 mm. Indonesia đang xem xét khả năng mua thêm súng AK serie 100.
Hiện nay, hai bên đang đàm phán mua bán các loại trang bị tăng-thiết giáp cho Lục quân Indonesia.
|
Gian hàng của Rosoboronoexport tại INDO DEFENCE 2010 (m-tsyganov.livejournal.com)
|
Vũ khí hải quân
Tháng 6.2007, Rosoboronoexport và Hải quân Indonesia đã ký hợp đồng khung về việc đóng 2 tàu corvette. Hợp đồng này mang tính sơ bộ. Hiện chưa có thông tin chính thức về việc tiếp tục thực hiện chương trình này.
Chắc chắn, trong lĩnh vực đóng tàu corvette, Indonesia muốn tiếp tục hợp tác với công ty Hà Lan Schelde Naval Shipbuilding (phân hãng Damen Schelde) về đóng tàu lớp SIGMA. Họ đã bàn giao 4 tàu corvette lớp này cho Hải quân Indonesia. Tháng 8.2010, Bộ Quốc phòng Indonesia đã ký với các công ty PT PAL Indonesiaа và Damen Schelde hợp đồng cung cấp cho Hải quân Indonesia thêm một corvtte lớp Sigma 10514 (chiếc thứ năm). Hợp đồng đóng tàu theo giấy phép ước tính trị giá 220 triệu USD.
Tháng 10.2010, Nga và Hàn Quốc đã được chọn là các ứng viên chính cung cấp 2 tàu ngầm diesel-điện cho Hải quân Indonesia. Các ứng viên lọt vào danh sách ngắn ứng viên gồm Daewoo Shipbuilding and Marine Engineering (DSME, Hàn Quốc) với tàu ngầm Type-209 và Admiralteiskye verfi với tàu ngầm Projekt 636 Kilo.
Theo thông tin hiện có, Howaldtswerke-Deutsche Werft (Đức) với tàu ngầm Type-209 và DCNS (Pháp) với tàu ngầm Scorpene đã bật khỏi cuộc đua.
Quyết định cuối cùng về việc mua tàu ngầm có thể được đưa ra vào năm 2011. Dự kiến, tàu ngầm đầu tiên sẽ do công ty thắng thầu đóng, còn tàu ngầm thứ hai sẽ do PT PAL Indonesia đóng theo giấy phép.
Chương trình mua tàu ngầm đang thực hiện là chương trình thứ hai trong những năm gần đây. Cuộc thầu thứ nhất mà các ứng viên lọt vào vòng cuối cùng là các công ty đóng tàu Hàn Quốc và Nga đã bị hủy bỏ năm 2009 do không có tiền.
Trước đó, Indonesia dự định chi gần 700 triệu USD để mua tàu ngầm. Phần lớn chi phí này dự kiến lấy từ nguồn tín dụng xuất khẩu.
Indonesia cũng đang được xem là khách hàng tiềm năng mua hệ thống tên lửa bờ biển cơ động Club-М và tên lửa hành trình BrahMos. Họ đặc biệt quan tâm tới tàu đổ bộ đệm khí Zubr. Indonesia cũng tỏ ra quan tâm tới các tàu ngầm mini của hãng Malakhit.
Cần lưu ý là lệnh cấm vận vũ khí do EU và Mỹ áp đặt vào cuối thập kỷ 1990 đối với Indonesia đã ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng quốc phòng của nước này. Lệnh cấm vận chỉ được dỡ bỏ năm 2005. Điều này buộc lãnh đạo Indonesia tính đến khả năng phát sinh những sự cố tương tự trong tương lai. Vì thế, Jakarta đang thực thi chính sách đa dạng hóa nhà cung cấp vũ khí và trong tương lai đặt ra nhiệm vụ cho ngành công nghiệp quốc phòng phải có khả năng tự cung tự cấp cho nhu cầu của quân đội.