Vietnamdefence.com

 

Mua vũ khí hải quân Nga: Việt Nam và Ấn Độ ngang ngửa

VietnamDefence - Trong quá trình hiện đại hóa triệt để Hải quân, Việt Nam đã trở thành một trong những khách hàng lớn nhất của vũ khí trang bị hải quân Nga. Tổng giá trị các đơn đặt hàng vũ khí hải quân Nga của Việt Nam có thể sánh với các hợp đồng hiện đang thực hiện cho Hải quân Ấn Độ.

Tàu tên lửa Molnya Projekt 1241.8 của Hải quân Việt Nam

Hợp tác Nga-Việt đang phát triển ở tất cả các phân khúc của vũ khí trang bị hải quân (tàu chiến mặt nước chủ yếu, xuồng các loại và tàu ngầm diesel-điện).

Cuối năm 2009, Nga và Việt Nam đã ký hợp đồng cung cấp 6 tàu ngầm Projekt 636 Kilo trị giá gần 1,8 tỷ USD.

Ngày 26.8.10, tại hãng đóng tàu Admiralteiskye verfi, đã diễn ra lễ khởi công đóng tàu ngầm đầu tiên trong 6 chiếc lớp Kilo mà Hải quân Việt Nam đặt hàng. Theo thông tin hiện có, các tàu ngầm diesel-điện Projekt 636 của Hải quân Việt Nam sẽ được trang bị hệ thống tên lửa Club-S.

Ba tháng sau khi hợp đồng được ký kết, hai bên đã bắt đầu đàm phán về việc xây dựng cơ sở trú đóng và hạ tầng cho hạm đội tàu ngầm Việt Nam. Chi phí cho chương trình này ước tính tương đương, thậm chí lớn hơn chi phí mua bản thân các  tàu ngầm.

Trong tương lai, Việt Nam hy vọng nhận được tín dụng của Nga để xây dựng không chỉ căn cứ tàu ngầm mà cả để mua các loại tàu (trong đó có tàu cứu hộ, tàu bảo đảm) và máy bay cho không quân hải quân.

Cần lưu ý là lực lượng tàu ngầm và không quân hải quân sẽ là các binh chủng mới trong cơ cấu tổ chức của Quân đội Nhân dân Việt Nam.

Dự án vũ khí hải quân lớn thứ hai là chương trình cung cấp và đóng theo giấy phép các tàu tên lửa lớp Molnya, có tổng trị giá ước tính 1 tỷ USD.

Trong thập kỷ 1990, Việt Nam đã nhận 4 tàu Projekt 1241RE Molnya trang bị hệ thống tên lửa chống hạm Termit.

Năm 1993, Việt Nam đã mua giấy phép đóng các tàu tên lửa Projekt 1241.8 Molnya trang bị hệ thống tên lửa chống hạm Uran.

Tài liệu kỹ thuật, tiêu chuẩn và công nghệ để đóng các tàu này bắt đầu được chuyển giao vào năm 2005. Từ năm 2006, quá trình chuẩn bị đóng tàu bắt đầu.

Theo hợp đồng ký năm 2003, 2 tàu Projekt 1241.8 Molnya trang bị hệ thống tên lửa Uran được đóng ở Nga và 10 tàu đóng tại Việt Nam theo giấy phép của Nga.

Tàu tên lửa Molnya Projekt 1241.8 đầu tiên trang bị hệ thống tên lửa tiến công Uran-E đã được bàn giao cho Việt Nam vào năm 2007, chiếc thứ hai vào năm 2008.

Năm 2010, phần đóng 10 tàu theo giấy phép của hợp đồng thực hiện trong giai đoạn đến năm 2016  bắt đầu với việc khởi đóng chiếc tàu đầu tiên tại xưởng đóng tàu ở thành phố Hồ Chí Minh.

Ở phân khúc tàu chiến mặt nước chủ yếu, Nga đang thực hiện một dự án lớn cung cấp các tàu frigate cho Việt Nam.

Năm 2006, hãng Rosoboronoexport đã ký với Hải quân Việt Nam hợp đồng trị giá 350 triệu USD cung cấp 2 frigate Projekt 11661 Gepard-3.9 do Viện thiết kế ZPKB ở Zelenodolsk thiết kế và do công ty “Nhà máy đóng tàu Zelenodolsk thực hiện”.

ZPKB đã đề xuất với Hải quân Việt Nam biến thể hiện đại hóa Projekt 11661 Gepard-3.9 dựa trên thiết kế tàu tuần tiễu Tatarstan mà Hải quân Nga đã đưa vào trang bị cho Hải đội Caspie.

Tàu Gepard hiện đại hóa dành cho Việt Nam được đóng theo công nghệ tàng hình, trang bị hệ thống phòng không Palma-SU với hệ dẫn quang-điện tử mới và hệ thống tên lửa chống hạm Uran.

Công việc lắp đặt trang thiết bị cho các frigate này đã hoàn tất. Hiện nay, 2 frigate Projekt 11661 Gepard-3.9 đang thử nghiệm tại biển Baltic, sau đó sẽ tới thành phố Baltyisk để bàn giao cho Hải quân Việt nam.

Vũ khí trên tàu bao gồm: 2 bệ phóng x 4 tên lửa chống hạm Uran-E,  1 pháo 76 mm АК-176М, 2 pháo 30 mm AK-630M và các máy phóng lôi 533 mm. Tàu có lượng giãn nước 2.100 tấn, tốc độ 28 hải lý/h, thời gian hoạt động độc lập trên biển 20 ngày đêm. Trên tàu có thể bố trí các trực thăng Ка-28 hoặc Ка-31. 

Các frigate Projekt 11661 dùng để tìm kiếm, phát hiện và tiêu diệt tàu nổi, tàu ngầm và mục tiêu bay khi hoạt động độc lập hay trong đội hình biên đội tàu. Chúng có thể làm các nhiệm vụ hộ tống, tuần tra, bảo vệ hải phận và vùng đặc quyền kinh tế.

Việt Nam bày tỏ sẵn sàng đóng theo giấy phép thêm 2 tàu tương tự tại Thành phố Hồ Chí Minh (hợp đồng phụ này hiện chưa thực hiện).

Nga cũng đang tiếp tục thực hiện chương trình cung cấp tàu tuần tra cho Việt Nam.

Mùa hè năm 2002, 2 tàu tuần tra Projekt 1041.2 Svetlyak mà Hải quân Việt Nam đặt hàng đã được hạ thủy tại xưởng đóng tàu Almaz (St. Petersburg). Cả 2 tàu đã được bàn giao vào tháng 1.2003. Trị giá mỗi tàu là 10-15 triệu USD.

Các tàu này được đóng theo hợp đồng mà Rosoboronoexport ký với phía Việt Nam vào tháng 11.2001. Tàu Svetlyak dùng để bảo vệ hải phận, các tuyến giao thông ven bờ và chống đánh cá trộm. Vũ khí trên tàu có 2 ụ pháo АК-306, 1 bệ phóng tên lửa phòng không Igla-1М.

Khi đó, Việt Nam cũng đã bày tỏ ý định tiếp tục chương trình đóng Svetlyak (10-12 chiếc) cho Hải quân Việt Nam.

Chương trình này được tiếp tục vào năm 2009. Mùa hè năm 2009, 2 hãng đóng tàu Nga (Hãng đóng tàu Almaz và Nhà máy sửa chữa tàu Vostochnaya Verf ở Vladivostok) đã khởi đóng tổng cộng 4 tàu tuần tra Projekt 1041.2 Svetlyak (mỗi hãng đóng 2 tàu) theo đơn đặt hàng của Bộ Quốc phòng Việt Nam.

Tàu tuần tra Projekt 1041.2 do Công ty “Viện thiết kế hải quân trung ương (TsMKB) Almaz” ở St. Petersburg thiết kế. Tàu có khả năng đi biển tốt, tốc độ 30 hải lý/h. Trên tàu lắp 1 khẩu pháo và các súng máy phòng không, thủy thủ đoàn gồm 28 người.

Hãng Almaz dự định bàn giao 2 tàu Svetlyak cho Việt Nam trước cuối năm 2010. Thời hạn chuyển giao 2 tàu do Vostochnaya Verf đóng chưa được thông báo.

Đến cuối năm nay, Nga dự kiến chuyển giao cho Việt Nam các hệ thống tên lửa bờ biển К-300P Bastion-P. Việt Nam là nước đầu tiên đặt mua Bastion, sau khi ký hợp đồng mua 2 hệ thống này vào năm 2006.

Tháng 1.2002, hãng ZAO Kronshtadt đã cung cấp cho Hải quân Việt Nam bộ thiết bị huấn luyện Laguna-1241RE đầu tiên. Nhờ bộ thiết bị huấn luyện Laguna chuyển giao năm 2002, các thủy binh Việt Nam đã học được các kỹ năng điều khiển tàu tên lửa Projekt 1241RE trang bị hệ thống tên lửa Termit được cung cấp trong thập kỷ 1990.

Việc hợp tác với Việt Nam về thiết bị huấn luyện hải quân đã tiếp tục được phát triển. Việt Nam đã bày tỏ ý định mua hệ thống huấn luyện toàn bộ cho 3 loại tàu Projekt  1241RE, Projekt 1241.8 và frigate Gepard chuẩn bị chuyển giao.

Tháng 9.2006, Rosoboronoexport đã ký hợp đồng với Hải quân Việt Nam hiện đại hóa bộ thiết bị huấn luyện Laguna-1241RE và cung cấp các thiết bị huấn luyện mới cho các lớp tàu 1241RE và 1241.8 Molnya. Việc chuyển giao thiết bị đã được thực hiện vào tháng 12.2007.

Ngoài Nga, Việt Nam cũng hợp tác tích cực trong lĩnh vực vũ khí hải quân với Ấn Độ, một đồng minh chiến lược trong khu vực.

Tháng 3.2002, Việt Nam và Ấn Độ đã ký hiệp định hợp tác trong lĩnh vực phục hồi, hiện đại hóa và đóng tàu tuần tra cao tốc, cũng như đào tạo đội ngũ kỹ thuật, kể cả bộ đội tàu ngầm. Ấn Độ đã một số lần hỗ trợ cung cấp phụ tùng cho các tàu vốn đại đa số được đóng ở Liên Xô và Nga.

  • Nguồn: Armstrade, 27.10.2010.

Print Print E-mail Print