VietnamDefence -
Lầu Năm góc đang đầu tư cả đống tiền để mở rộng các căn cứ nhằm kềm chế Trung Quốc. Đồng thời, Washington đang nỗ lực lôi kéo không chỉ các đồng minh mà cả Việt Nam và các nước Đông Nam Á để chống lại Trung Quốc. Sự đối đầu giữa 2 cường quốc này sẽ quyết định thời tiết chính trị trong khu vực.
|
Mỹ đang biến căn cứ quân sự ở đảo Guam thành tiền đồn chủ yếu ở Tây Thái Bình Dương. Họ đang xây dựng ở đây một đốc tàu có khả năng tiếp nhận các tàu sân bay, hệ thống phòng thủ tên lửa, mở rộng sân bay. Chi phí cho việc tăng cường căn cứ Guam là 8 tỷ USD.
Kể từ thời Thế chiến II, Washington chưa từng chi nhiều tiền thế để xây dựng các cơ sở quân sự trong khu vực. Đồng thời, Lầu Năm góc đã đầu tư 126 triệu USD để đổi mới hạ tầng quân sự ở đảo Diego Garcia trên Ấn Độ Dương, thuộc nước Anh. Tại đảo này, Mỹ sẽ sửa chữa các tàu ngầm trang bị 154 tên lửa hành trình mỗi tàu. Hỏa lực của một tàu ngầm này bằng uy lực của cả một cụm tàu sân bay đa năng, tờ Daily Telegraph ở London khẳng định.
Tất cả là nhằm cầm cương Trung Quốc vốn đang nhanh chóng tăng cường hải quân của họ. Theo đánh giá của Lầu Năm góc, Bắc Kinh đã tăng cường hải quân của mình trong thập kỷ gần đây, trong đó có mua các tàu ngầm và tàu khu trục của Nga. Mục tiêu của họ trước hết là ngăn chặn Mỹ can thiệp vào cuộc xung đột có thể nổ ra với Đài Loan. Một nhiệm vụ khác của hải quân Trung Quốc là bảo đảm an toàn cho việc vận chuyển dầu mỏ từ Cận Đông. Giống như kẻ thù tiềm tàng Mỹ, Trung Quốc cũng đang thiết lập một chuỗi các căn cứ, bao gồm các cảng Hambantota ở Sri Lanka và Gwadar ở Pakistan.
Trước bối cảnh đối đầu gia tăng với Trung Quốc, chính quyền Obama sẽ có chính sách cứng rắn hơn, New York Times cho hay. Nếu như trước đó, Mỹ sốt sắng nịnh nọt Trung Quốc thì nay đã chuyển sang nỗ lực tập hợp liên minh gồm các nước láng giềng và bạn hàng thương mại của Trung Quốc. Đó là việc lập mặt trận thống nhất chống Trung Quốc trên các vấn đề nóng như tỷ giá đồng nhân dân tệ và tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông.
Mỹ đang muốn đem lại sức sống mới cho các liên minh thời chiến tranh lạnh với Nhật Bản và Hàn Quốc, và nâng cao ảnh hưởng của mình ở các nước châu Á khác. Tuần này, ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton sẽ thăm Việt Nam, còn tháng 11, Obama đi thăm Nhật Bản, Indonesia, Ấn Độ và Hàn Quốc.
Tuy vậy, những động tác ngoại giao của Mỹ không phải lúc nào cũng đạt kết quả mong muốn. Chẳng hạn, trong cuộc gặp các bộ trưởng tài chính G20 diễn ra cuối tuần trước ở Hàn Quốc, Washington đã không giành được quyết định sẽ dẫn tới nâng cao tỷ giá đồng nhân dân tệ. Nhưng Đức, Italia và Nga đã không ủng hộ đề xuất của Mỹ. Bộ trưởng Tài chính Mỹ Timothy Geitner đã cố thỏa thuận trực tiếp với các nhà tài chính Trung Quốc. Nhưng chuyến đi khẩn cấp của ông ta đến Trung Quốc, theo tin tức báo chí, đã không mang lại thành quả đáng kể.
Nghiên cứu viên chính Viện Viễn Đông, Viện Hàn lâm Khoa học Nga Yakov Berger nhận định, Mỹ là người khởi xướng cho đối đầu Mỹ-Trung. “Vị thế địa-chính trị của Trung Quốc đang được củng cố, họ mưu toan trở thành cường quốc số 1. Mỹ không muốn mất vị thế chủ đạo của mình nên đang mở rộng sự hiện diện ở Đông Nam Á.
Hiện thời thì sự đối đầu chưa có tính chất một cuộc chiến tranh thương mại hay tiền tệ, cũng như các hành động vũ lực. Những mâu thuẫn lúc thì căng lên như lúc này, ngay trước bầu cử Quốc hội giữa nhiệm kỳ ở Mỹ, lúc thì lại lắng dịu. Tháng 1.2011 dự kiến có chuyến thăm Washington của chủ tịch Hồ Cẩm Đào. Có thể hai bên sẽ làm dịu được các bất đồng”.