Vietnamdefence.com

 

Cam Ranh: Từ tin đồn đến sự thật

VietnamDefence - Như vậy là đã rõ: Hải quân Nga muốn trở lại Cam Ranh dưới hình thức nhẹ nhàng hơn (quy mô nhỏ, không trú đóng thường xuyên), giống như với cảng Tartus của Syria. Và Việt Nam sẵn sàng thỏa mãn nguyện vọng của họ.

Vấn đề Hải quân Nga trở lại Cam Ranh phải nói là vẫn âm ỉ từ trước và sau khi Hải quân Nga chính thức rút khỏi quân cảng này và rộ lên trên báo chí Nga trong tháng 10, trước chuyến thăm Hà Nội của TT Nga Dmitri Medvedev.

Trong các bài “Các đô đốc Nga muốn trở lại Cam Ranh” đăng trên tờ Quan điểm (Nga) ngày 6.10.2010, và “Moskva chuẩn bị tái hiện diện quân sự tại Đông Nam Á” đăng trên tờ Độc lập (Nga) ngày 7.10.2010. mà VietnamDefence đã giới thiệu, Hải quân Nga, một số tướng lĩnh, đô đốc tại ngũ và nghỉ hưu, chuyên gia quân sự Nga cũng đã nói đến khả năng Hải quân Nga trở lại Cam Ranh.

Cảng Cam Ranh (landtoday.net)

Sau khi có những tin này, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Nguyễn Phương Nga ngày 11/10 cho biết: “Việt Nam đã nhiều lần khẳng định chủ trương không hợp tác với nước ngoài để sử dụng Cam Ranh vào mục đích quân sự và sẽ khai thác tiềm năng của khu vực Cam Ranh phục vụ cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.

Hãng RIA Novosti ngày 29.10 dẫn lời Trợ lý Tổng thống Nga Sergei Prikhodko nói với báo giới ngay trước chuyến thăm Việt Nam của TT Nga Dmitry Medvedev rằng, Kremlin không thấy cần phải tái lập căn cứ quân sự ở Cam Ranh, nhưng quan tâm đến hoạt động của một căn cứ bảo đảm vật chất-kỹ thuật cho hải quân.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hội kiến Thủ tướng V. Putin tại Nga tháng 12.2009 (vrbank..com.vn)

Ông nói: “Tôi không nghĩ rằng, chúng tôi phải tái lập (ở hình thức trước đây) căn cứ ở Cam Ranh” và cho biết trong số các văn kiện chuẩn bị cho chuyến thăm không có văn kiện liên quan đến vấn đề này.

Căn cứ bảo đảm vật chất-kỹ thuật của Hải quân Nga tại cảng Tartus, Syria:

Căn cứ quân sự duy nhất của Nga hiện nay ở hải ngoại xa, điểm trú đóng duy nhất ở Địa Trung Hải của chiến hạm Nga.

Liên Xô ký với Syria hiệp định triển khai căn cứ của Hải quân Liên Xô tại Tartus năm 1971.

Căn cứ này dùng để bảo đảm hoạt động của hạm đội Xô-viết tại Địa Trung Hải, trước hết là sửa chữa tàu của Hải đội số 5 (Địa Trung Hải), cấp nhiên liệu và vật chất các loại...

Năm 1991, Hải đội Địa Trung Hải chấm dứt sự tồn tại, và từ đó thỉnh thoảng Hải quân Nga mới thực hiện các cuộc hành quân đơn lẻ ở Địa Trung Hải.

Hiện nay, căn cứ bảo đảm vật chất-kỹ thuật ở Tartus của Hải quân Nga gồm có các bến cảng nổi PM 61М, xưởng sửa chữa nổi (thay thế 6 tháng một lần), các kho tàng, doanh trại và các cơ sở khác. Đóng tại căn cứ này có 50 binh sĩ Nga.

Bộ Tư lệnh Hải quân Nga đã nhiều lần đề nghị hiện đại hóa và mở rộng căn cứ ở Tartus. (RIA Novosti)

Theo báo chí Nga, dường như Nga từng có kế hoạch mở rộng Tartus để di chuyển một bộ phận Hạm đội Biển Đen từ Crimea một khi Ukraine không gia hạn hợp đồng thuê căn cứ Sevastopol sau năm 2017, thậm chí sẽ triển khai tên lửa phòng không S-300 tại đây.

Song ông Prikhodko cũng khẳng định, Nga muốn có các căn cứ bảo đảm vật chất-kỹ thuật ở nhiều nước, điều hoán toàn logic, nhất là khi Nga tăng cường hợp tác với EU và NATO về vấn đề chống cướp biển.

“Chúng tôi muốn tận dụng những thành quả tốt đã có và kinh nghiệm từng có của hai  nước trong bảo đảm an ninh hàng hải và bảo đảm cho tàu thuyền”, - ông nói.

“Chủ đề này (hợp tác kỹ thuật quân sự) không phải là chủ đề trung tâm (trong hội đàm). Ở khu vực này, chúng tôi không có những kẻ thù như trước đây. Ở đây chỉ nói đến việc bảo đảm tốt cho tàu thuyền, trong đó có các tàu hải quân Nga làm nhiệm vụ trong khuôn khổ sự hợp tác của chúng tôi với các tổ chức quốc tế”, - ông Prikhodko nói.

Một nguồn tin cấp cao ở Moskva thì cho biết, Nga không định triển khai tại Cam Ranh vũ khí trang bị và binh sĩ như thời Liên Xô. Căn cứ này sẽ phần nhiều giống với căn cứ ở cảng Tartus, Syria, nơi mà các tàu Hải quân Nga vẫn ghé vào trong các cuộc hành quân trên Địa Trung Hải.

Nguồn tin này cũng nói, việc thành lập một căn cứ như thế ở Cam Ranh không nên gây lo ngại cho các nước láng giềng của Việt Nam như đôi khi vẫn diễn ra ở Cận Đông.

Đối với Đông Nam Á, vấn đề cướp biển cũng rất bức thiết, và nêu ý kiến rằng, sự hiện diện của các tàu Hải quân Nga sẽ đáp ứng các vấn đề bảo đảm an ninh, tức là lợi ích của các quốc gia trong khu vực này.

Như vậy là đã rõ: Hải quân Nga muốn trở lại Cam Ranh dưới hình thức nhẹ nhàng hơn (quy mô nhỏ, không trú đóng thường xuyên), giống như với cảng Tartus của Syria.

Vậy phản ứng của Việt Nam là gì?

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì họp báo quốc tế (Chinhphu.vn)

Tờ VnExpess tối 30.10 đưa tin, phát biểu trong buổi họp báo kết thúc Hội nghị cấp cao ASEAN và cấp cao liên quan chiều 30.10, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định, Việt Nam sẽ xây dịch vụ cảng tổng hợp tại Cam Ranh và “Việt Nam sẽ cung cấp dịch vụ cho tàu của hải quân tất cả các nước, kể cả tàu ngầm, theo cơ chế thị trường” như nhiều nước trên thế giới đã làm.

Thực tế, một số nước trong khu vực như Philippines, Singapore...  cũng có các thỏa thuận cung cấp dịch vụ hậu cần-kỹ thuật cho các tàu Hải quân Mỹ từ nhiều năm nay.

Vậy là, những tin đồn trên báo Nga là có căn cứ và đã biến thành sự thật sau tuyên bố của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.

Điều đó cũng cho thấy, sự trở lại Cam Ranh của Hải quân Nga là vấn đề được cả Việt Nam và Nga suy tính kỹ, trong một thời gian dài và là quyết định sáng suốt, đáp ứng lợi ích của cả hai bên, đồng thời có tầm ảnh hưởng lâu dài đến hòa bình và ổn định của khu vực Đông Nam Á.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng V. Putin tại Nga tháng 12.2009 (vrbank..com.vn)

Một lần nữa, sau lần thông báo hợp đồng lịch sử mua 6 tàu ngầm Kilo trong chuyến thăm Nga tháng 12.2010, Thủ tướng Việt Nam lại cung cấp thêm một đề tài nóng hổi nữa cho giới phân tích chính trị-quốc phòng khu vực và thế giới trong thời gian tới.

Print Print E-mail Print