Vietnamdefence.com

 

Nga cần giúp Ấn Độ chế tạo bộ 3 vũ khí hạt nhân chiến lược

VietnamDefence - Để kiềm chế Trung Quốc, Nga cần phải giúp Ấn Độ chế tạo bộ 3 vũ khí hạt nhân chiến lược, Giám đốc Trung tâm Phân tích Chiến lược và công nghệ TsAST (Nga) Ruslan Pukhov khuyến cáo.

Ông Ruslan Pukhov, Giám đốc Trung tâm Phân tích Chiến lược và công nghệ TsAST (Nga)

Ngày 5.10.2010, ngay trước chuyến thăm Ấn Độ của Bộ trưởng Quốc phòng Nga Anatoly Serdyukov, chuyên gia quân sự nổi tiếng, Tổng giám đốc Trung tâm Phân tích Chiến lược và công nghệ TsAST (Nga) Ruslan Pukhov tuyên bố rằng, Nga cần phải giúp Ấn Độ chế tạo bộ 3 vũ khí hạt nhân chiến lược ở tất cả các thành phần của nó (trên biển, trên mặt đất và trên không) nhằm tiếp tục phát triển quan hệ cùng có lợi trong lĩnh vực quốc phòng.

Ông Pukhov còn là ủy viên Hội đồng Tư vấn Xã hội thuộc Bộ Quốc phòng Nga và sẽ tháp tùng ông Serdyukov trong chuyến thăm Ấn Độ.

Trong cuộc phỏng vấn của hãng PTI, ông Pukhov hỏi: “Tại sao chúng tôi (Nga) phải hỗ trợ phát triển các tàu ngầm nguyên tử mang tên lửa đường đạn của Ấn Độ ư?”, và trả lời rằng, Nga và Ấn Độ sẽ có thể hợp tác trong lĩnh vực kiềm chế hạt nhân như Mỹ và Anh đang làm.

Tàu ngầm nguyên tử tiến công Arihant (ATV-1) của Ấn Độ 

“Trong trường hợp Trung Quốc xây dựng hạm đội tàu sân bay của mình, Nga sẽ có thể chào bán cho Ấn Độ các tàu ngầm nguyên tử tiến công Projekt 949 (NATO gọi là Oscar-II), máy bay tầm xa hải quân mang tên lửa Тu-22M3 và thậm chí, mặc dù điều này có thể có vẻ khó tin, chào bán các tàu tuần dương nguyên tử Projekt 1144”, ông nói.

Đáp lại những lo ngại của Ấn Độ là Nga đang cung cấp cho Trung Quốc các loại vũ khí công nghệ cao, ông Pukhov tuyên bố rằng, đó là sự bịa đặt trái ngược với “những chuẩn mực địa-chính trị sơ đẳng”. 

Trong cuộc tập trận Vostok-2010, quân đội Nga đã mô phỏng sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật chống Trung Quốc?

“Quý vị sẽ không bao giờ nghe thấy từ các quan chức Nga sự quan ngại về sức mạnh quân sự đang gia tăng của Trung Quốc, nhưng tất cả họ điều thừa biết những hậu quả của nó và hiểu rất rõ rằng, Trung Quốc đang tạo ra mối đe dọa tiềm tàng đói với vùng Viễn Đông và Siberia của Nga”, ông Pukhov nói.

Cuộc tập trận quy mô lớn Vostok-2010 (Phương Đông 2010) ở Nga có sự tham gia của lực lượng nhiều ngàn quân và hạm đội diễn ra trên địa bàn Viễn Đông và Siberia, và ở đó các lực lượng vũ trang Nga đã mô phỏng sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật, là sự phản ánh sự lo ngại đó đối với Trung Quốc, ông Pukhov nói.
 
Theo ông, các máy bay tiêm kích Su-30MKI mà Nga cung cấp cho Ấn Độ về trình độ kỹ thuật vượt trên cả một thế hệ so với các máy bay Su-30MKK/MK2 mà Nga xuất sang Trung Quốc, cũng có thể nói thế về trình độ của các tàu frigate tàng hình lớp Talwar mà Nga đang đóng cho Hải quân Ấn Độ so với các tàu khu trục Sovremenny mà Nga từng bán cho Trung Quốc.

Nga cùng với Ấn Độ đang phát triển tên lửa hành trình siêu âm BrahMos, máy bay tiêm kích thế hệ 5 và máy bay vận tải đa dụng, trong khi không thực hiện một dự án nào tương tự với Trung Quốc, ông Pukhov nói.

 Nga có thể mời chào Ấn Độ các công nghệ chiến lược (The Hindu)
Сегодня, 08:21 | Распечатать

Đồng quan điểm với ông Pukhov, ông Konstantin Makienko, Phó Tổng giám đốc Trung tâm TsAST cũng nói rằng, Nga có thể mời chào Ấn Độ các công nghệ quốc phòng chiến lược để duy trì vị thể dẫn dầu trên thị trường vũ khí quá bão hòa của Ấn Độ.

”Sự gia tăng cạnh tranh giành thị trường quốc phòng Ấn Độ sẽ thúc đẩy Nga mở rộng hợp tác với Ấn Độ ở những lĩnh vực mới mà Nga sẽ không có đối thủ cạnh tranh nào. Trong số đó có các loại vũ khí và công nghệ chiến lược”, - ông Konstantin Makienko phát biểu trước khi bắt đầu phiên họp thứ 10 của Ủy ban liên chính phủ Nga-Ấn về hợp tác kỹ thuật quân sự. Ủy ban sẽ họp ngày 7.10 tại New Delhi dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ A. K. Antony và người đồng cấp Nga Anatoly Serdyukov.

“Chương trình FGFA sẽ tạo cho Ấn Độ tiềm năng tiêu diệt nhiều lần Trung Quốc, chứ đừng nói đến Pakistan”?

Ông Makienko đưa ra ý kiến rằng, tuy có những hạn chế quốc tế áp đặt đối với Ấn Độ, 2 nước vẫn có thể đa dạng hóa quan hệ trong lĩnh vực quốc phòng bằng các công nghệ tàu ngầm nguyên tử. “Sự gia nhập thực tế của Ấn Độ vào câu lạc bộ hạt nhân làm cho những hạn chế đó khá vô nghĩa”.

Thực chất, Nga đã thực hiện những bước đi nhằm giúp Ấn Độ sở hữu tàu ngầm nguyên tử. Tháng 3.2011, Nga sẽ bàn giao cho Ấn Độ thuê 10 năm tàu ngầm nguyên tử mang ngư lôi lớp Akula có tên Nerpa.

Mô hình Nerpa đã được sử dụng rộng rãi để chế tạo tàu ngầm nguyên tử đầu tiên Arihant hạ thủy năm ngoái của Ấn Độ.

Hợp tác trong lĩnh vực vũ khí chiến lược sẽ tiến hành theo chính sách của Nga ưu tiên cung cấp công nghệ quốc phòng tiên tiến cho Ấn Độ.

“Nga muốn củng cố tiềm lực quốc phòng của Ấn Độ mà không hề có hạn chế nào”, - ông Makienko nói, và cho biết thêm chẳng hạn, Nga không sẵn sàng cung cấp cho Trung Quốc những hệ thống vũ khí cao cấp mà Ấn Độ đã nhận được. Máy bay tiêm kích thế hệ 5 FGFA mà Ấn Độ sẽ hợp tác với Nga chế tạo là một ví dụ của chính sách đó.

“Chương trình FGFA sẽ cho phép Ấn Độ gia nhập câu lạc bộ đẳng cấp của những nước sở hữu những hệ thống vũ khí như vậy. Nó sẽ tạo cho Ấn Độ tiềm năng tiêu diệt nhiều lần Trung Quốc, chứ đừng nói đến Pakistan”.

Dự án FGFA đánh dấu sự tiếp tục chuyển từ quan hệ mua-bán sang hợp tác phát triển và chế tạo những hệ thống vũ khí mới trong hợp tác quốc phòng Nga-Ấn.

VietnamDefence:

Trò chơi địa-chính trị của các nước lớn tiếp tục khai diễn.

Mỹ, Trung từng bắt tay hạ gục Liên Xô. Mỹ dung túng Israel sở hữu vũ khí hạt nhân để khống chế Trung Đông.
 
Trung Quốc giúp công nghệ hạt nhân, tên lửa, máy bay cho Pakistan để kiềm chế Ấn Độ.

Mỹ bán vũ khí, ký hiệp định hạt nhân dân sự với Ấn Độ để dùng Ấn Độ bao vây Trung Quốc, kiềm chế Pakistan bất ổn có vũ khí hạt nhân.

Nay Nga cũng đang vũ trang cho Ấn Độ vũ khí tiên tiến, có thể cả vũ khí hạt nhân chiến lược dĩ nhiên là nhằm vào Trung Quốc để giảm áp lực của Trung Quốc đối với Viễn Đông và Siberia của Nga. Bên cạnh đó là động lực của Nga giữ miếng bánh của mình trên thị trường vũ khí Ấn Độ béo bở trước sự cạnh tranh ngày càng tăng của các đối tác Mỹ, Israel, Pháp...

Một mặt điều đó cũng cho thấy, chính sách đa dạng hóa nguồn cung cấp vũ khí của Ấn Độ đã đem lại hiệu quả chiến lược lớn buộc các nước bán vũ khí phải nhượng bộ, phải bán cho họ những vũ khí tiên tiến nhất, thậm chí vũ khí chiến lược, kèm theo điều kiện phải chuyển giao công nghệ và đầu tư trở lại nền kinh tế Ấn Độ.

Việt Nam có thể là quân cờ trên bàn cờ địa-chiến lược của Mỹ, Nga, Ấn Độ hay không? Việt Nam có thể tận dụng được gì tình thế này để phát triển kinh tế và củng cố quốc phòng?

  • Nguồn: The Hindu, Inosmi, 6.10.10; bharat-rakshak.com, 7.10.10.  

Print Print E-mail Print