Vietnamdefence.com

 

Biển Đông: Khu trục Trung Quốc đối đầu tàu chiến tàng hình Mỹ

VietnamDefence - Hết cảnh cáo máy bay quân sự Philippines, hôm 11.5.2015, tàu chiến Trung Quốc lại bám đuổi tàu chiến Mỹ trên Biển Đông.

USS Fort Worth bị khu trục tên lửa Diêm Thành bám đuổi

Theo nhiều bài báo và dường như có sự xác nhận của Hải quân Mỹ, tàu khu trục tên lửa Diêm Thành lớp 054A của hải quân Trung Quốc đã đeo sát tàu chiến ven bờ tàng hình USS Fort Worth lớp Freedom của Hải quân Mỹ khi nó đang tuần tra ở gần quần đảo Trường Sa đang tranh chấp trên Biển Đông.

Một bức ảnh do Hải quân Mỹ công bố cho thấy, USS Fort Worth đang tuần tra khu vực khi tàu Diêm Thành bám theo cách nó một quãng. Phó Đô đốc Robert Thomas, Tư lệnh Hạm đội 7 Mỹ mà địa bàn hoạt động bao gồm cả Biển Đông đã tìm cách hạ thấp tầm quan trọng của sự kiện này. “Đó là chuyện thường đối với các tàu của Hạm đội 7 khi hoạt động tại Biển Đông và cũng là chuyện thường đối với các tàu của hải quân Trung Quốc khi hoạt động trong tầm nhìn của chúng tôi”, ông Thomas nói, tờ Sao và Vạch (Stars and Stripes) đưa tin. “Không có ngày nào mà Hạm đội 7 Mỹ và hải quân Trung Quốc không nói chuyện với nhau”.

Tuy nhiên, sự cố xảy ra đúng vào lúc quân đội Mỹ đang xem xét việc gửi thêm tàu và máy bay đến tuần tra các khu vực ở Biển Đông mà Trung Quốc coi lãnh thổ của mình. Tờ The Wall Street Journal đưa tin hôm 12.5 rằng, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter đã chỉ đạo thuộc cấp “xem xét các lựa chọn, bao gồm phái máy bay tuần thám của Hải quân Mỹ giám sát đối với quần đảo Trường Sa và cử các tàu hải quân Mỹ tiến vào phạm vi 12 hải lý quanh các rạn san hô mà Trung Quốc đã bồi đắp và và tuyên bố chủ quyền tại khu vực được gọi là quần đảo Trường Sa”.

Động thái này xảy ra khi các dự án cải tạo của Trung Quốc tại quần đảo Trường Sa đã mở rộng các rạn san hô từ 500 ha vào năm ngoái lên đến 2.000 ha hiện nay. Các bức ảnh vệ tinh cũng đã tiết lộ Trung Quốc đang xây dựng các  đường băng có khả năng tiếp nhận các tiêm kích phản lực trên một số trong các hòn đảo nhân tạo này.

Mỹ đã từ chối công nhận tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc trong phạm vi 12 hải lý của các đảo nhân tạo. Công ước về Luật Biển của Liên Hiệp Quốc (UNCLOS) trao cho các nước chủ quyền đối với vùng biển trong phạm vi 12 hải lý tính từ đường bờ biển của họ. Tuy nhiên, nó không dành quyền đó cho các hòn đảo nhân tạo.

Tuy nhiên, các quan chức quân sự Mỹ đã nói với tờ Wall Street Journal và Reuters rằng, Mỹ đến nay vẫn dừng ở sát bên ngoài chu vi 12 hải lý xung quanh các hòn đảo nhân tạo mà Trung Quốc kiểm soát ở quần đảo Trường Sa.

 “Các máy bay Mỹ đã bay sát các đảo nơi diễn ra việc thi công, khiến các sĩ quan quân đội Trung Quốc dùng vô tuyến điện thông báo với phi công các máy bay Mỹ đang bay tiếp cận rằng, họ đang tiếp cận lãnh thổ có chủ quyền của Trung Quốc. Đáp lại, các phi công Mỹ đã nói với Trung Quốc rằng, họ đang bay qua không phận quốc tế”, Wall Street Journal cho biết.

Hiện chưa rõ là USS Fort Worth có tuần tra trong phạm vi 12 hải lý của bất kỳ hòn đảo nào trong các hòn đảo nhân tạo Trung Quốc kiểm soát trong khu vực hay không. Tuy nhiên, một số tin báo cáo cho rằng, trong sự cố này, tàu USS Fort Worth đã thông qua vô tuyến điện cho tàu hải quân Trung Quốc nhắc nhở rằng, đây là vùng biển quốc tế. Chiếc tàu khu trục tên lửa của hải quân Trung Quốc được cho là đã không trả lời tàu hải quân Mỹ.

Trước đó, một quan chức Mỹ cho hay, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter đã hạ lệnh xem xét khả năng cử các tàu và máy  bay đến khu vực các đảo nhân tạo do Trung Quốc cơi nới ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Mỹ dự định cử các tàu và máy bay đến đây để bảo đảm tự do hàng hải trong khu vực nằm trong phạm vi 12 hải lý xung quanh các đảo nhân tạo do Trung Quốc xây dựng trên các rạn san hô. Bước đi này của Washington sẽ là thách thức trực tiếp đối với Trung Quốc, quốc gia đang tìm cách mở rộng ảnh hưởng trong khu vực.

“Chúng tôi đang xem xét các phương án thể hiện quyền tự do hàng hải trong khu vực này vốn cực kỳ quan trọng đối với thương mai thế giới”, vị quan chức nói và cho biết thêm là bất kỳ các bước đi nào cũng sẽ cần có sự chấp thuận của Nhà Trắng.

“Mỹ và các đồng minh của họ có quan điểm rất khác nhau về các quy tắc thông thương ở Biển Đông”, vị quan chức nhấn mạnh.
Lầu Năm góc chưa bình luận thông tin này.

Đề xuất mới của quân đội Mỹ (phái tàu, máy bay tuần rta Biển Đông) đã bị các quan chức Trung Quốc chỉ trích mạnh mẽ. “Chúng tôi rất quan ngại về những nhận xét có liên quan do phía Mỹ đưa ra. Chúng tôi tin rằng, phía Mỹ cần phải làm rõ về điều đó”, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc được trích lời tuyên bố chỉ vài giờ sau khi tờ Wall Street Journal đăng tin trước tiên.

Vị phát ngôn viên nói thêm: “Chúng tôi luôn đề cao tự do hàng hải ở Biển Đông. Nhưng tự do hàng hải chắc chắn không có nghĩa là các tàu quân sự hay máy bay của một quốc gia nước ngoài có thể cố ý tiến vào các vùng biển chhủ quyền hoặc không phận của nước khác. Phía Trung Quốc kiên quyết bảo vệ chủ quyền và an ninh quốc gia”.

Nguồn: TNI, vz, 13.5.2015.

Print Print E-mail Print