VietnamDefence -
Ấn Độ đã mời các tàu ngầm lớp Soryu của Nhật Bản tham dự cuộc đấu thầu Project 75I cung cấp 6 tàu ngầm điện-diesel, lời mời này đã được Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi chuyển cho đồng cấp Nhật Shinzo Abe, các nguồn tin chính thức tiết lộ.
|
Tàu ngầm lớp Soryu (Hải quân Mỹ)
|
Theo Times of India, trong chuyến thăm Ấn Độ mới đây, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã kêu gọi ông Modi mở rộng hợp tác quốc phòng của Ấn Độ với Nhật và Australia để đối phó với sức mạnh quân sự gia tăng của Trung Quốc tại châu Á-Thái Bình Dương.
Như vậy, đây là những kết quả đầu tiên của chính sách mới dù mới chr phản ánh ở các tuyên bố chính trị. Tuy nhiên, các chuyên gia được Times of India hỏi ý kiến đều tỏ ra nghi ngờ về các ưu thế của tàu ngầm Nhật, chứ chưa nói đến chiến thắng của nó trong cuộc đấu thầu một khi công nghiệp quốc phòng Nhật đồng ý tham gia dự án.
Các đối thủ khác của người Nhật trong cuộc đấu thầu này là DCNS (Pháp), HDW (Đức), Navantia (Tây Ban Nha) và Rosoboronoexport (Nga). Theo điều kiện của cuộc đấu thầu trị giá 500 tỷ rupi (8,1 tỷ USD), hãng thắng thầu sẽ cung cấp cho Hải quân Ấn Độ 2 tàu ngầm hoàn chỉnh, 4 chiếc còn lại sẽ hợp tác sản xuất tại liên doanh với Ấn Độ theo chiến lược "Mua và làm". Do các tàu ngầm sẽ được đóng ở Ấn Độ nên các công ty nước ngoài cạnh tranh giành hợp đồng này dự kiến sẽ thành lập liên doanh với một hãng đóng tàu Ấn Độ.
Các tàu ngầm phải được trang bị hệ thống động cơ không cần không khí (AIP) và có khả năng tấn công mục tiêu mặt đất. Dự kiến, việc thử nghiệm các tàu ngầm dự thầu sẽ bắt đầu vào năm 2016, hãng thắng thầu có thể được nêu danh vào năm 2018. Tàu ngầm đầu tiên sẽ được đưa vào biên chế vào năm 2025-2027.
Đề nghị của Ấn Độ đưa ra vào thời điểm New Delhi và Tokyo đang dần tăng cường quan hệ dưới sự lãnh đạo của hai vị thủ tướng dân tộc chủ nghĩa Narendra Modi và Shinzo Abe vốn đều đang mở rộng ảnh hưởng khu vực của nước mình và có quan hệ cá nhân thân thiết, điều đó có thể tạo ra cho Tokyo cơ hội nào đó trong cuộc thầu này. Trước đây, Pháp, Đức và Nga đều từng đóng tàu ngầm cho Ấn Độ.
Đề xuất này cũng đưa ra vào thời điểm Nhật Bản đang tìm cách xâm nhập thị trường vũ khí toàn cầu sau khi bãi bỏ lệnh cấm xuất khẩu vũ khí tự áp đặt tồn tại mấy thập niên. Kể từ khi lệnh cấm được bãi bỏ, Nhật Bản đã thảo luận việc bán cho Ấn Độ các thủy phi cơ tìm cứu ShinMaywa US-2i.
Tokyo đặc biệt nỗ lực thâm nhập thị trường tàu ngầm toàn cầu hiện nay đang bị Nga, Pháp và Đức chi phối. Các nhà phân tích quốc phòng cho rằng, tàu ngầm lớp Soryu của Nhật sẽ là một đối thủ cạnh tranh đáng gờm đối với các đối thủ Nga, Pháp và Đức.
Ông Robert Farley trên tờ The Diplomat ngày 3/9/2014 đã đánh giá: “Với lượng giãn nước 4.200 tấn khi lặn, các tàu ngầm lớp Soryu lớn hơn khá nhiều so với cả ba loại tàu ngầm Type 214 (Đức), Scorpène (Pháp), hoặc cải thiện Kilo cải tiến (Nga), và có thể mang tải trọng vũ khí lớn hơn nhiều. Kích thước này cũng làm cho chúng chạy êm hơn và xa hơn so với các tàu ngầm khác trên thị trường. Với giá hiện tại ước 500 triệu USD, nhưng Soryus không quá kỳ so với các tàu ngầm khác”.
Tuy nhiên, chắc còn mất thời gian dài nữa Hải quân của Ấn Độ mới có thể đưa tàu ngầm Nhật Bản vào sử dụng. Ấn Độ không thể công bố hãng thắng thầu trong 2 năm, và sẽ mất ít nhất 7-8 năm nữa để các tàu ngầm đầu tiên bắt đầu rời dây chuyền lắp ráp. Nổi tiếng về cơ chế mua sắm quốc phòng quan liêu, trì trệ của Ấn Độ thì những lịch trình nên được xem như là kịch bản tốt nhất.
Ấn Độ mở thầu Project 75I vào năm 2010, nhưng chỉ nhận được sự phê chuẩn cuối cùng của Bộ Quốc phòng vào tháng 10/2014. Mục tiêu chính của cuộc đấu thầu là gia tăng hạm đội tàu ngầm Ấn Độ. Hiện Hải quân Ấn Độ có 11 tàu ngầm, trong khi chiến lược quốc gia xác định quân đội Ấn Độ phải có 24 tàu ngầm.
Các tàu ngầm lớp Soryu có lượng giãn nước 4.200 tấn, tốc độ đến 20 hải lý/h và cự ly hành trình 6.100 hải lý (11.300 km). Các tàu được trang bị động cơ điện-diesel Kawasaki 12V 25/25 SB và động cơ Stirling Kawasaki Kockums V4-275R, nhờ đó Soryu có thể di chuyển gần như không tiếng ồn. Tháng 10/2014, được biết Nhật Bản có kế hoạch từ bỏ động cơ Stirling và chuyển thế hệ mới của tàu ngầm Soryu sang dùng acquy Lithium-Ion.
Ngoài Ấn Độ, còn có Australia cũng quan tâm đến tàu ngầm Nhật để thay thế 6 tàu ngầm lớp Collins của họ. Nhật Bản đang trong quá trình thương thảo tích cực với Australia về chương trình của Australia mua 12 tàu ngầm diesel-điện.
Nguồn: The National Interest, Jane’s, TsAMTO, 29.1, Lenta, Vpk, 30.1.2015.