Vietnamdefence.com

 

Robot chiến đấu: Cạnh tranh vì tương lai

VietnamDefence - Các cuộc xung đột vũ trang trong tương lai sẽ không thể diễn ra mà không sử dụng các robot chiến đấu - đó là thực tế không thể tranh cãi.


Kẻ thắng cuộc sẽ là bên có ưu thế kỹ thuật trước đối phương, bên ngay hiện giờ đã chú ý đến cuộc chạy đua công nghệ trong lĩnh vực kỹ thuật robot này. Trên đấu trường này, Nga có thể đưa ra cái gì? Liệu Nga có ưu thế công nghệ đối với các đối thủ hay đang ở vị thế kẻ đuổi theo?

Robot chiến đấu là gì?

Robot chiến đấu là một thiết bị tự động, dùng để thực hiện các nhiệm vụ thời chiến, theo đó dẫn sự tham gia chiến đấu của con người đến mức tối thiểu, qua đó loại trừ tổn thất về sinh lực binh sĩ.

Đa số các robot chiến đấu là loại điều khiển từ xa, nhưng người ta đang ráo riết nghiên cứu nhằm tự động hóa chúng hoàn toàn bằng cách áp dụng đầy đủ hay hạn chế một phần trí tuệ nhân tạo.

Lịch sử phát triển

“Robot chiến đấu” đầu tiên là phương tiện bay với cơ cấu đồng hồ có tên Kettering Bug trở thành thủy tổ của tên lửa hành trình hiện đại. Nó được chế tạo vào năm 1917 bởi hãng Dayton-Wright theo đặt hàng của quân đội Mỹ. Thời Thế chiến II, nước Đức phát xít đã sử dụng các loại mìn tự hành Goliath. Còn robot đầu tiên của Liên Xô là xe tăng điều khiển từ xa bằng vô tuyến điện Т-26 được chế tạo trong thập niên 1930.

Thời chiến tranh lạnh, giai đoạn mới phát triển kỹ thuật robot đã bắt đầu, các máy bay không người lái (UAV) trinh sát bắt đầu được sử dụng quy mô lớn. Ở Mỹ, đó là UAV AQM-34 do công ty Ryan Aeronautical chế tạo, còn ở Liên Xô, Viện thiết kế của S. Lavochkin đã phát triển UAV trinh sát Lа-17R.

Vào thuở bình minh của chiến tranh lạnh, người ta đã xác lập hàng loạt hướng nghiên cứu phát triển kỹ thuật robot: trên không, mặt đất, trên biển, chuyên dụng (trinh sát).

Robot chiến đấu trên không

Đó chính là các UAV tiến công (UCAV), là các máy bay có khả mang tải trọng chiến đấu và tiêu diệt các mục tiêu mặt đất, trên không và mặt nước.

Các UCAV phổ biến nhất trong lớp này là MQ-1 Predator và MQ-9 Reaper của Mỹ mà Không quân Mỹ (USAF) đang sử dụng tích cực ở Iraq và Afghanistan.

Tính năng của MQ-9 Reaper và MQ-1 Predator
Tính năng
MQ-1 Predator 
Trọng lượng: rỗng / tối đa, kg 2.223 / 4.760512 / 1.020
Tốc độ: tối đa / hành trình, km/h482 / gần 300217 / 110-130 
Tầm bay tối đa, km5.800740
Thời gian bay liên tục với tải trọng đầy đủ, giờgần 14gần 20
Khả năng bay liên tục trên không, giờđến 28-30đến 40
Trần bay thực tế, kmđến 15đến 8
Vũ khí
- 4 tên lửa không đối đất AGM-114 Hellfire
- 2 bom Mark 82 lắp hệ dẫn laser hoặc GPS
- có thể lắp các tên lửa không đối không AIM-92 Stinger
- 2 tên lửa không đối đất AGM-114 Hellfire
- 4 tên lửa không đối không AIM-92 Stinger
- 6 tên lửa không đối đất Griffin

Từ năm 2021, chúng sẽ được thay thế bằng UAV trinh sát-tiến công MQ-25 Stingray, nhưng chỉ mới đây, Bộ chỉ huy Hải quân Mỹ đã quyết định chuyển loại nó từ trinh sát-tiến công sang trinh sát, sau khi bỏ đi khả năng mang vũ khí.

Tính năng của MQ-25 Stingray:
  • Trọng lượng rỗng: 1.740 kg
  • Tốc độ tối đa: 1.035 km/h
  • Tầm bay: >2.778 km
  • Trần bay: >12 km
  • Vũ khí: Hiện không có
Mới đây, công ty Bell Helicopter đã giới thiệu dự án máy bay cánh quạt lật không người lái V-247 Vigilant phát triển cho Thủy quân lục chiến Mỹ (USMC). Dự kiến, Vigilant sẽ được nhận vào trang bị vào năm 2026. USMC chuẩn bị thay thế trong tương lai tất cả các UCAV hiện có MQ-1 Predator và MQ-9 Reaper của mình bằng V-247 Vigilant tiến công. Nó sẽ thực hiện cả các nhiệm vụ trinh sát lẫn chiến đấu, và để làm việc đó, Vigilant sẽ có 3 khoang ở dưới thân và dưới các công-xon cánh. Dự kiến, V-247 Vigilant sẽ được trang bị các tên lửa AGM-114 Hellfire.

UAV ở Nga

Nga hiện chưa có UCAV, nhưng đang phát triển mấy loại như UAV trinh sát-tiến công Dozor-600, UCAV dựa trên thiết kế UCAV hạng nặng đã bị đình chỉ là Skat do các viện thiết kế MiG và Klimov phát triển từ năm 2015.

Do hai UAV này là mẫu chế thử nên tính năng của chúng chưa được xác định hoàn toàn.

Robot chiến đấu mặt đất

Các robot mặt đất chia thành các loại robot: công binh, chiến đấu, hậu cần và trinh sát. Chúng có thể là các robot trinh sát tiểu hình giống hơn với đồ chơi cho đến những xe chiến đấu hạng nặng có sức mạnh hỏa lực sánh với xe thiết giáp hạng nhẹ. Đa số các robot mặt đất hiện đại là các xe chuẩn hóa , trên đó tùy theo nhiệm vụ đặt ra có thể lắp đặt các module khác nhau.
Tất cả các robot mặt đất được điều khiển từ xa, ở một số mẫu đơn lẻ có thể ứng dụng các thành tố trí tuệ nhân tạo, nhưng do giá cả đặc biệt cao, phức tạo và ít tính thực tiễn nên không được sử dụng số lượng lớn trong bất cứ quân đội nước nào.

Các robot sử dụng nguồn nuôi là acquy nên thời gian hoạt động của chúng thường không quá 20 giờ. Vì vậy, chúng được sử dụng chủ yếu để bảo vệ các mục tiêu quan trọng, các chiến dịch đặc biệt, hoạt động trinh sát và công binh.

Dẫn đầu thế giới trong lĩnh vực này là công ty Foster-Miller (Mỹ) với robot phổ dụng nhất thế giới TALON với hơn 3.000 chiếc. Robot TALON đã có bảng thành tích hàng ngàn vật nổ được rà gỡ ở Afghanistan.

Một trong những công ty công nghệ cao nhất chuyên hoạt động trong lĩnh vực kỹ thuật robot chiến đấu là Boston Dynamics với robot 4 chân nổi tiếng BigDog, nhưng sản phẩm của họ không được sử dụng phổ biến trong quân đội, còn quân đội Mỹ cuối cùng cũng đã từ chối robot vận tải BigDog.
Nga có thể tự hào với xe robot MRK (Tổ hợp kỹ thuật robot cơ động), biến thể nặng hơn là Platforma-M và tổ hợp robot hóa Argo. Platforma-M là khung gầm xích dạng module, có nghĩa là có thể lắp module công binh, module trinh sát hay module chiến đấu. Tổ hợp robot hóa Argo thực chất là loại tương tự Platforma-M, nhưng dùng khung gầm bánh lốp. Nhiệm vụ chính của nó là tiến hành trinh sát và tuần tra địa hình, cũng như tiêu diệt phương tiện không bọc thép và bọc thép nhẹ của đối phương.

Đặc điểm khác biệt của cả 2 xe robot này so với các loại tương tự của phương Tây là số lượng vũ khí kỷ lục: các robot có thể mang đồng thời 1 súng máy và 4 tên lửa chống tăng có điều khiển, cũng như đủ loại thiết bị trinh sát, trở thành một xe trinh sát-chiến đấu chi viện thực sự.

Robot quân sự hiện đại nhất của Nga là tổ hợp kỹ thuật robot chiến đấu Uran-9, được trang bị 1 pháo tự động 30 mm 2A72, 1 súng máy đồng trục 7,62 mm, các tên lửa chống tăng có điều khiển М120 của hệ thống Ataka. Với hệ thống vũ khí đó, Uran-9 có thể thực hiện trận đánh thật sự và tiêu diệt hiệu quả xe tăng và xe chiến đấu thiết giáp của đối phương ở cự ly đến 8 km. Ngoài module chiến đấu, Uran-9 được trang bị hệ thống điều khiển laser. Theo kế hoạch, đến cuối năm 2016, quân đội Nga nhận được 20 robot này.

Robot trinh sát đặc nhiệm

Thông thường, đó là các thiết bị trinh sát tiểu hình, sử dụng để thu thập tin tức tình báo, chỉ thị mục tiêu, quan sát tình hình. Chúng có thể là loại triển khai trên không lẫn mặt đất.
Robot phổ biến nhất loại này là Recon Scout của Mỹ. Với trọng lượng 1,3 kg, nó được trang bị 1 camera hồng ngoại và được các đơn vị đặc nhiệm sử dụng trong các chiến dịch chống khủng bố và các chiến dịch khác, nơi cần phải bí mật xâm nhập vào mục tiêu địch để trinh sát địa hình. Robot với các nhiệm vụ tương tự First Look 110, nhưng khác với Recon Scout, nó có kích thước lớn hơn một chút và khả năng việt dã tốt hơn.

Robot trinh sát đặc thù hơn là RQ-16 T-Hawk do công ty Honeywell chế tạo. Đây là một trực thăng rotor đồng trục không người lái. Robot này đã được các đơn vị đặc nhiệm của quân đội Mỹ sử dụng để trinh sát địa hình ở Afghanistan, cũng như để chụp không ảnh những tổn hại tại nhà máy điện Fukushima vào tháng 4/2011.

Hiện tại, RQ-16 T-Hawk là UAV phổ dụng nhất trong các UAV loại này với số lượng sản xuất ra hơn 400 chiếc.

Thông tin về việc sử dụng các robot tương tự ở Nga phần lớn được giữ bí mật. Hiện tại, chỉ biết rằng, các robot như vậy chưa được bổ biến ở Nga mà chỉ được sử dụng ở những mẫu đơn lẻ chủ yếu phục vụ FSB.

Thực trạng kỹ thuật robot chiến đấu ở Nga và triển vọng phát triển

Nhìn chung, có thể kết luận rằng, một số ngành của kỹ thuật robot chiến đấu ở Nga đang ở trình độ khá cao, ở các ngành khác có sự tụt hậu nhất định.

Chẳng hạn, có thể tin tưởng nói rằng, Nga đang nằm trong số các nước dẫn đầu về các robot chiến đấu mặt đất hạng nặng. Hiện tại, Uran-9 vượt trội đa số các mẫu của phương Tây về tính năng chiến đấu, còn về số lượng vũ khí mang theo thì đứng ở vị trí tiên phong. Nga cũng đang tích cực phát triển các mẫu binh khí kỹ thuật không người lái trên cơ sở khung gầm Armata như các biến thể robot hóa của xe tăng Т-14 và xe chiến đấu bộ binh Т-15.

Liên quan đến UAV, Nga có sự tụt hậu nhất định. Cho đến nay, Nga vẫn chưa có UCAV, trong khi ở Mỹ, UCAV MQ-1 Predator đã thực hiện chuyến bay đầu tiên từ năm 2002. Tuy nhiên các UCAV đang được phát triển Dozor-600 và còn thú vị hơn nữa là Skat chế tạo theo sơ đồ cánh bay và có sử dụng công nghệ tàng hình radar Stealth có thể triệt tiêu khoảng cách này.

Trong lĩnh vực robot trinh sát tiểu hình, Nga không có các mẫu có sức cạnh tranh nên trong lĩnh vực này cần hoàn thành khối lượng công việc lớn, nếu không sự tụt hậu sẽ trở nên nghiêm trọng.

Cần lưu ý rằng, Bộ Quốc phòng Nga trong những năm gần đây đã bắt đầu rất chú ý đến kỹ thuật robot, điều chưa từng có từ khi Liên Xô tan vỡ.

Nga đã thông qua khái niệm phát triển và sử dụng chiến đấu các tổ hợp kỹ thuật robot cho đến năm 2025. Theo khái niệm này, tỷ trọng robot trong cơ cấu tổng thể vũ khí trang bị của quân đội Nga sẽ đạt 30%.

Nguồn: Artur Kovalivsky // dfnc, №5 (42)/2016.

Print Print E-mail Print