Vietnamdefence.com

 

Quân đội Mỹ từ bỏ robot chiến đấu tự hoạt

VietnamDefence - Quân đội Mỹ “sẽ không bao giờ sử dụng thực sự các cỗ máy chiến đấu tự hoạt”, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter tuyên bố.

T-850 (Warner Bros)
Theo ông Carter, khả năng tự hoạt hoàn toàn chỉ có thể chấp nhận đối với các hệ thống an ninh mạng chịu trách nhiệm quét các mạng máy tính và tự động ngăn chặn các cuộc tấn công mạng. Trong tất cả các trường hợp còn lại, việc robot sử dụng vũ khí chỉ có thực hiện theo lệnh của con người.

Trước đó, Hội đồng khoa học Bộ Quốc phòng Mỹ đã tuyên bố rằng, việc phát triển các hệ thống tự hoạt là cần thiết vì chúng sẽ cho phép đưa ra các biện pháp đối phó trong tình huống khẩn cấp. Nhưng họ không nói rõ, liệu có cần duy trì quyền điều khiển vũ khí của các robot tự hoạt cho con người hay không, nhưng nói rằng, mỗi cỗ máy tự hoạt phải được kiểm tra dễ dàng. Điều đó có nghĩa là trong bộ nhớ của robot phải ghi tất cả những thông tin giải thích các hành động do robot thực hiện.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ phụ trách mua sắm vũ khí Frank Kendall khẳng định rằng, việc từ bỏ phát triển và sử dụng các hệ thống chiến đấu hoàn toàn tự hoạt là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia và khiến Mỹ dễ tổn thương trước “các kẻ thù kém lương tâm hơn”.

Tuyên bố của ông Carter là câu trả lời cho những kêu gọi bắt đầu phát triển các hệ thống chiến đấu hoàn toàn tự hoạt. Theo ông, giới quân sự cần ưu tiên cho việc phối hợp giữa binh lính và các robot chiến đấu, nhưng vai trò dẫn đầu vẫn thuộc về con người.

Tháng 10/2015, Noel Sharkey, giáo sư Đại học Tổng hợp Sheffield và đồng sáng lập của Ủy ban quốc tế về kiểm soát vũ khí robot hóa đã đề nghị lãnh đạo Liên Hiệp Quốc nhanh chóng thông qua những sửa đổi bổ sung vào các quy định tiến hành chiến tranh nhằm cấm sử dụng các robot vũ trang hoàn toàn tự hoạt trong tác chiến.

The ông Sharkey, việc chậm trễ thông qua lệnh cấm đối với các robot tự hoạt có thể dẫn đến những hậu quả không thể sửa chữa khi việc sử dụng các hệ thống chiến đấu đó trong chiến tranh sẽ là chuyện bình thường. Ví dụ, Anh và Mỹ ngay bây giờ đã yêu cầu lệnh cấm có thể đưa ra đó chỉ bao hàm các công nghệ tương lai, chứ không phải các hệ thống hiện có. Đó là chưa tính đến việc hệ thống pháo phòng không Phalanx và hệ thống phòng thủ tên lửa Iron Dome cũng có thể chịu tác động của lệnh cấm.

Cuối tháng 7/2015, tổ chức Future of Life Institute đã công bố thư ngỏ, trong đó gọi các hệ thống vũ khí hoàn toàn tự hoạt là nguy hiểm đối với nhân loại và đòi cấm phát triển chúng. Lá thư được nhiều người, trong đó có nhà sáng lập công ty vũ trụ tư nhân SpaceX - ông Elon Musk, nhà vật lý thiên văn Stephen Hawking, nhà đồng sáng lập hãng Apple - ông Steve Wozniak và triết gia Noam Chomsky ký. Những người ký thư cho rằng, vũ khí tự hoạt tất yếu sẽ dẫn đến cuộc chạy đua vũ trang mới.

Nhiều nhà hoạt động nhân quyền khẳng định rằng, việc phát triển các phương tiện không người lái tự hoạt vi phạm các điều cơ bản của các công ước Geneva về bảo vệ nạn nhân các cuộc xung đột vũ trang quốc tế. Cụ thể là vi phạm điều quy định rằng, ở mỗi giai đoạn phát triển, các vũ khí mới phải được kiểm tra và đánh giá sự nguy hiểm đối với dân thường. Ngoài ra, các robot tự hoạt vi phạm các yêu cầu của Tuyên bố Martens được đệ trình vào đầu những năm 1900 và là nền tảng của Công ước về các luật và thông lệ chiến tranh mặt đất.

Hiện nay, nhiều nươc đã phát triển một số hệ thống chiến đấu tự hoạt có thể độc lập sử dụng vũ khí mà không cần có lệnh của con người. Tuy nhiên, chúng chưa từng được sử dụng ở chế độ đó. Ví dụ, các hệ thống tên lửa phòng không S-400 của Nga có thể độc lập phát hiện mục tiêu bay, tiến hành bám và bắn chúng. Các robot tuần tra biên giới SGR-1 của Hàn Quốc có thể phát hiện và bắn súng máy vào các đối tượng vi phạm biên giới.

Nguồn: Breaking Defense, nplus1, 15.9.2016.

Print Print E-mail Print