Vietnamdefence.com

 

7 dũng sĩ không người lái

VietnamDefence - Quân đội Mỹ đang huy động ngày càng nhiều máy bay không người lái (UAV) để giành ưu thế trên chiến trường ở Iraq, Afghanistan và các điểm nóng khác trên toàn cầu.

Dù là làm nhiệm vụ thu thập tình báo hay trực tiếp tấn công mục tiêu thù địch, các chiến binh UAV này đã chứng tỏ được giá trị của mình. Dưới đây là 7 loại UAV Mỹ đang được sử dụng hoặc đang phát triển.
 
Fire-X của Northrop Grumman

Trực thăng không người lái Fire-X (Northrop Grumman)

Tuy các UAV cố định đang chiếm vị thế áp đảo, nhưng chúng không giữ độc quyền tuyệt đối trong lĩnh vực này. Hệ thống UAV tầm trung cất cánh thẳng đứng Fire-X đang được phát triển với chuyến bay đầu tiên dự kiến vào cuối năm 2010.

Fire-X kết hợp khả năng trinh sát, quan sát và sục sạo mục tiêu của MQ-8B Fire Scout cất/hạ cánh thẳng đứng của Hải quân Mỹ, tầm xa, tải trọng của trực thăng thương mại Bell 407. Kết quả là một trực thăng UAV hoàn toàn tự hoạt, sử dụng 1 động cơ, 4 lá cánh quạt dùng để đáp ứng yêu cầu mở rộng nắm bắt tình hình chiến trường.
 
Wasp của AeroVironment

Máy bay không người lái Wasp (AeroVironment)

Bé nhất trong các UAV đang sử dụng, Wasp được Không quân Mỹ (USAF) dùng để cung cấp thông tin tình hình và mục tiêu thời gian thực cho Đặc nhiệm không quân. Nó cho phép các nhân viên điều phối không quân chặn đánh lực lượng thù địch và tự bảo vệ mình.

Với động cơ điện dùng các pin nạp lithium ion, Wasp có tốc độ tối đa 40 dặm/h (65 km/h) và độ cao bay 50-1.000 ft (15-305 m), sải cánh 2 ft (0,6 m).

Wasp có thể tự hoạt từ cất cánh cho đến thu hồi theo kiểu thả rơi, hoặc có thể điều khiển bởi nhân viên vận hành bằng thiết bị điều khiển cầm tay. Nó có tầm bay 3 dặm và có thể bay liên tục 45 phút.
 
Puma-AE của AeroVironment

Máy bay không người lái Puma-AE (AeroVironment)

Puma-AE (All Environment) là UAV phóng bằng tay, thiết kế cho hoạt động mặt đất và trên biển. Có khả năng hạ cánh trên mặt nước mặn hoặc trên mặt đất, nó đáp ứng nhiều yêu cầu nhiệm vụ, trong đó có do thám, quan sát, đánh giác mục tiêu và trinh sát.

Puma có sải cánh 9 ft (2,75 m), tốc độ 20-45 hải lý/h và độ cao bay 500 ft (152 m). Nó có trọng lượng 13 bảng (5,8 kg) và có thể bay liên tục 2 giờ. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, Puma hạ cánh bằng thả rơi, sử dụng cơ chế autopilot để đạt trạng thái gần như bay treo rồi rơi xuống mặt đất hay mặt nước. 

Bộ chỉ huy Tác chiến đặc biệt Mỹ USSOCOM (U.S. Special Operations Command) đã chọn UAV này làm giải pháp cho mọi môi trường AECV (All Environment Capable Variant) cho nhu cầu về hệ thống máy bay không người lái cỡ nhỏ UAS (Small Unmanned Aircraft System) của mình.
 
RQ-7 Shadow của AAI Corporation

Máy bay không người lái RQ-7 Shadow (AAI Corporation)

Khác với đa số UAV vốn cất/hạ cánh bằng đường băng giống như một máy bay thông thường, Shadow được bắn lên không bằng bệ phóng thủy lực xe kéo và hãm đà hạ cánh khi hạ cánh bằng móc kéo giống như máy bay hạ cánh trên tàu sân bay. Nó dùng để truyền hình ảnh video động từ cự ly tới 75 dặm (120 km).

Shadow có thể bay liên tục tới 9 giờ, có tốc độ hành trình 90 hải lý/h (166 km/h) và trần bay 15.000 ft (4.572 m). Động cơ đẩy của nó chạy xăng; máy bay có sải cánh 20 ft (6,1 m) và trọng lượng có tải tối đa 460 bảng. Được biết đến như “đôi mắt của chỉ huy”, Shadow đang được Lục quân và Thủy quân lục chiến Mỹ sử dụng. 

RQ-4 Global Hawk của Northrop Grumman

Máy bay không người lái RQ-4 Global Hawk (Northrop Grumman)

Với sải cánh of 116 ft (35,41 m) và trọng lượng cất cánh tối đa 26.750 bảng (12.000 kg), RQ-4 là một trong những UAV lớn nhất đang được sử dụng. Chữ Q trong tên gọi máy bay này theo quy định của Bộ Quốc phòng Mỹ là chỉ hệ thống UAV.

Là một UAV bay cao và bay lâu, Global Hawk cung cấp khả năng do thám, quan sát và trinh sát trên toàn cầu để hỗ trợ các hoạt động thời chiến, hoạt động bất thường và trong thời bình.

Nó có khả năng giám sát gần như liên tục, trong mọi thời tiết, cả ngày và đêm trên khu vực rộng lớn và sẽ thay thế hẳn máy bay do thám U-2. Nó có trần bay 60.000 ft (18.288 m) và được điều khiển từ mặt đất bởi kíp vận hành 3 người gồm một phi công điều khiển phóng và thu hồi, một phi công điều khiển thực hiện nhiệm vụ và một nhân viên điều khiển sensor.
 
RQ-170 Sentinel của Lockheed Martin

Máy bay không người lái RQ-170 Sentinel (Lockheed Martin)

Được thiết kế bởi bộ phận Skunk Works (biệt danh của bộ phận Các chương trình phát triển tiên tiến ADP) của Lockheed Martin phát triển vốn đã cho ra đời các máy bay lừng danh như U-2, SR-71 và tiêm kích tàng hình F-117, RQ-170 Sentinel là một UAV phản lực hình thuần túy kiểu cánh bay. Nó còn có biệt danh “Ác thú của vùng Kandahar” sau khi nó bị phát hiện hoạt động gần sân bay Kandahar ở Afghanistan.

Hiện người ta biết rất ít thông tin cụ thể và khả năng của Sentinel, song tạp chí Aviation Week phỏng đoán nó có sải cánh 66 ft (20,1 m) và trọng lượng cất cánh 8.500 bảng (3.825 kg).

Khi những bức ảnh chụp trộm UAV này đang bay và trên mặt đất tràn ngập các blog và các phương tiện truyền thông của giới yêu thích hàng không nghiệp dư năm ngoái, USAF đã miễn cưỡng thừa nhận sự tồn tại của Sentinel và cho biết, “RQ-170 sẽ trực tiếp đáp ứng các nhu cấu về do thám, quan sát và trinh sát để định vị mục tiêu của người chỉ huy chiến đấu”.
 
MQ-9 Reaper của General Atomics

Máy bay không người lái MQ-9 Reaper (General Atomics)

MQ-9 sử dụng động cơ turbine cánh quạt là UAV tìm diệt đầu tiên, thiết kế cho nhiệm vụ quan sát thời gian dài, độ cao lớn. Ở chế độ tấn công, MQ-9 có thể mang tới 14 tên lửa không-đối-đất Hellfire hoặc kết hợp các tên lửa Hellfire và bom dẫn bằng laser.

Việc sử dụng vũ khí do một phi công mặt đất điều khiển. Nó có tốc độ tối đa 300 dặm/h (482 km/h), trần bay 50.000 ft (15 km) và có thể bay liên tục 14 giờ ở chế độ đủ tải. UAV có trọng lượng cất cánh 10.500 bảng (4.760 kg) và có sải cánh 66 ft (20,1 m). Trong khi, trọng lượng cất cánh tối đa của tiêm kích có người lái F-16 là 42.000 bảng (18.900 kg).

Reaper có thể bay tự hoạt theo các đường bay đã lập trình sẵn, nhưng luôn luôn được tổ lái dưới đất giám sát và điều khiển. Loại UAV đi trước của nó là MQ-1 Predator của General Atomic từng là nỗi kinh hoàng chết chóc đối với Taliban ở Afghanistan.

  • Nguồn: 7 Unmanned Airborne Warriors / Ned Smith // TechNewsDaily, 23.6.2010.

Print Print E-mail Print