Vietnamdefence.com

 

Một số hệ thống máy bay chiến đấu không người lái của Mỹ

VietnamDefence - Trong vài năm trở lại đây, máy bay chiến đấu không người lái (UCAV) tham gia ngày càng nhiều vào các chiến dịch quân sự trên thế giới. Đặc biệt, quân đội Mỹ đã sử dụng UCAV để tiêu diệt phiến quân tại Iraq và Afghanistan.

Máy bay chiến đấu không người lái (Unmanned Combat Aerial Vehicle - UCAV) thực chất là biến thể được phát triển từ máy bay trinh sát không người lái. Ngoài khả năng mang được các loại tên lửa và bom, UCAV còn làm nhiệm vụ vai trò trinh sát, theo dõi mục tiêu.

Quân đội Mỹ hiện là quân đội duy nhất trên thế giới đưa UCAV vào sử dụng rộng rãi  trong vai trò tấn công chống lực lượng nổi dậy ở Iraq, đặc biệt là lực lượng Taliban tại khu vực biên giới Afghanistan-Pakistan. MQ-1 Predator (Dã thú) và MQ-9 Reaper (Thần chết) là 2 loại UCAV đang được quân đội Mỹ triển khai trong các chiến dịch chống Taliban.

MQ-1 PREDATOR

MQ-1 Predator là hệ thống máy bay không người lái (UAV) có thời gian hoạt đông dài, trần bay trung bình, nhiệm vụ chính là trinh sát-chiến đấu, cảnh báo sớm và xác định các mục tiêu cần tấn công hỗ trợ cho các lực lượng khác.
 

MQ-1 Predator mang 2 tên lửa chống tăng điều khiển bằng laser AGM-114 Hellfire


MQ-1 Predator là một hệ thống bao gồm: 4 UCAV, đài điều khiển mặt đất, hệ thống truyền dữ liệu vệ tinh và đội bảo dưỡng được triển khai hoạt động 24/24h.

Kíp điều khiển cơ bản của MQ-1 gồm 3 người: phi công điều khiển, sĩ quan phụ trách các sensor điện tử và điều phối viên tin tức tình báo tác chiến.

MQ-1 Predator được lắp camera hồng ngoại ở mũi (sử dụng cho phi công điều khiển mặt đất), camera TV độ phân giải cao, camera hồng ngoại và các sensor khác tùy theo nhiệm vụ cụ thể. Ngoài ra, MQ-1 còn được trang bị hệ thống ngắm bắn đa quang phổ.

Đặc biệt, khác với các UAV trinh sát khác, MQ-1 Predator được trang bị 2 tên lửa chống tăng có điều khiển bằng laser AGM-114 Hellfire, có tầm bắn 500 - 8.000m.

MQ-1 Predator


MQ-1 Predator sử dụng động cơ 4 xylanh Rotax 914F 115 mã lực, tốc độ hành trình 130 km/h, tầm hoạt động ~730 km, trần bay ~7.600 m. Khi cần triển khai đến một nơi nào đó trên thế giới, MQ-1 sẽ được tháo rời, đưa vào các contennơ để vận chuyển. Đài điều khiển sẽ được chuyên chở trên 1 chiếc máy bay vận tải C-130 Hercules.

Hệ thống MQ-1 Predator được đưa vào hoạt động tháng 3.2005. Một hệ thống MQ-1 có đơn giá 20 triệu USD (4 UCAV, đài điều khiển mặt đất, hệ thống truyền dữ liệu vệ tinh).

MQ-9 REAPER

MQ-9 Reaper (còn có tên MQ-1 Predator B) được phát triển từ MQ-1 Predator, bắt đầu đưa vào sử dụng năm 2007. MQ-9 có sải cánh 20 m, chiều dài thân 10,9 m, trọng lượng rỗng ~2.200 kg và trọng lượng cất cánh tối đa !4.700 kg, được trang bị radar  AN/APY-8 Lynx của General Atomics. AN/APY-8 là hệ thống radar chỉ thị mục tiêu động trên mặt đất (Ground Moving Target Indicator - GMTI), radar khẩu độ tổng hợp (Synthetic Aperture Radar - SAR) độ phân giải cao, hoạt động trong mọi thời tiết. Nó tạo ra những bức ảnh có độ phân giải ~10 cm với chế độ chiếu xạ SAR và bám các mục tiêu động trên mặt đất ở chế độ GMTI.

UCAV MQ-9 Reaper

Hệ thống radar Lynx hoạt động trên dải tần Ku, tầm hoạt động 87 km ở độ phân giải 3 m, 54 km ở độ phân giải 30 cm, khi sử dụng chế độ chiếu xạ thì có tầm hoạt động 29km ở độ phân giải 10cm. Ngoài ra, MQ-9 còn được lắp đặt hệ thống ngắm bắn đa quang phổ AN/ADS-1.

Với biệt danh “Thần chết”, MQ-9 được trang bị một số lượng vũ khí lớn: 14 tên lửa chống tăng AGM-114 Hellfire hoặc 4 tên lửa AGM-114 Hellfire + 2 bom có điều khiển bằng laser GBU-12 (230 kg). Ngoài ra, chúng có thể mang cả tên lửa không đối không AIM-92.
 

MQ-9 có thể mang 4 tên lửa AGM-114 Hellfire và 2 bom có điều khiển bằng laser GBU-12;
hoặc 14 tên lửa Hellfire


MQ-9 sử dụng 1 động cơ turbine cánh quạt TP331-10 (950 mã lực), cho phép đạt tốc độ >300 km/h, trần bay 15.000m (thường hoạt động ở độ cao >7.000m), tầm hoạt động ~6.000km, có thể bay liên tục 14h. Với các sensor mạnh, MQ-9 tự động sục sạo, bám và tiêu diệt mục tiêu bằng các loại vũ khí mang theo.

Tên lửa chống tăng có điều khiển bằng laser AGM-114 Hellfire


Quân đội Mỹ hiện có 28 chiếc MQ-9 Reaper, đơn giá 1 chiếc MQ-9 là 10,5 triệu USD. Từ lúc được đưa vào trang bị cho Không quân Mỹ, MQ-1 và MQ-9 tích cực tham gia các chiến dịch tiêu diệt các chỉ huy Al-Qaeda ở Iraq, Afghanistan. Trong năm 2010, MQ-9 và MQ-1 cũng đã liên tiếp tấn công các mục tiêu trên đất Pakistan.

CHƯƠNG TRÌNH MÁY BAY CHIẾN ĐẤU KHÔNG NGƯỜI LÁI JUCAS

Bên cạnh việc phát triển lực lượng máy bay MQ-1 Predator và MQ-9 Reaper, quân đội Mỹ còn thực hiện các dự án JUCAS (Hệ thống máy bay chiến đấu không người lái liên quân - Joint Unmanned Combat Air System) đầy tham vọng.

Chương trình JUCAS là dự án thuộc quyền quản lý của Cục Các dự án quốc phòng tiên tiến DARPA (Defences Advanced Research Project Agency) của Bộ Quốc Mỹ, kết hợp với Không quân và Hải quân Mỹ.

Các tổ chức đang cố gắng chứng minh hiệu quả của dự án JUCAS trong việc thực hiện các nhiệm vụ chiến đấu trong thế kỷ 21: chế áp phòng không (Suppression Enemy Air Defences - SEAD); tấn công điện tử (Electronic Attack - EA); tấn công chính xác, theo dõi/trinh sát.

JUCAS trước đây được tiến hành theo 2 chương trình riêng biệt là: UCAV (Unmanned Combat Air vehicle) kết hợp giữa DARPA và Không quân Mỹ; và UCAV-N (Unmanned Combat Air Vehicle Naval) kết hợp giữa DARPA và Hải quân Mỹ.

Bộ Quốc phòng Mỹ đã chính thức thừa nhận tiềm năng lớn mà các chương trình dự án này mang lại. Qua đó, năm 2003, các chương trình UCAV và UCAV-N đã được hợp nhất thành một dự án là JUCAS để đáp ứng yêu cầu cho cả Không quân và Hải quân Mỹ. JUCAS đã cho ra đời một số mẫu tiêu biểu như X-45A/C, X-47A/B…

Dự án thử nghiệm UCAV X-45A

Năm 1999, Boeing đã trở thành nhà thầu chính trong một hợp đồng ký với DARPA và Không quân Mỹ để nghiên cứu chế tạo UCAV. Trong khuôn khổ hợp đồng này, Boeing đã thiết kế thành công 2 mẫu thử nghiệm đầu tiên có tên X-45A sử dụng cho nhiệm vụ chế áp phòng không hoặc tấn công.

X-45A là thiết kế máy bay tàng hình với kiểu cánh cụp về phía sau, cấu trúc thân làm bằng vật liệu tổng hợp, không có cánh đuôi, có sải cánh 10,31 m và tổng chiều dài thân là 8,03 m.
 

X-45A

Các thiết bị điện tử trang bị cho X-45A gồm: radar anten mạng pha quét tia điện tử chủ động (Active Electronically Scanned Array - AESA); radar SAR và các hệ thống đối phó điện tử. Radar SAR do Raytheon thiết kế có khả năng “tạo ra” những bức ảnh có độ phân giải 80 cm ở tầm 80km.

X-45A có lắp các giá treo kết hợp có khả năng mang thêm các thùng dầu phụ để tăng tầm hoạt động hoặc thời gian tác chiến, hoặc mang vũ khí cần thiết để thực hiện các nhiệm vụ khác nhau. X-45A mang được các loại bom có điều khiển chính xác cao.

X-45A được lắp động cơ phản lực cánh quạt đẩy F124-GA-100 của Honeywell, cho phép đạt tốc độ hành trình 0,75M và trần bay ~10.000 m.

X-45A khi hoạt động được điều khiển thông qua đài điều khiển UCAV ở mặt đất (do NASA cung cấp), các tín hiệu được truyền qua kênh truyền dẫn dữ liệu vệ tinh. BAE System cũng đang có một hợp đồng với Mỹ cung cấp hệ thống điều khiển phương tiện bay.

Sau khi hoàn tất các quy trình thử nghiệm, đánh giá hoạt động, cả 2 mẫu X-45A đã được đưa vào trưng bày trong bảo tàng.

Dự án thử nghiệm UCAV-N X-47A Pegasus

X-47A là một mẫu thiết kế của tập đoàn Northop Grumman và là bộ phận trong chương trình JUCAS được quản lý bởi DARPA.

UCAV-N (UCAV dành cho hải quân) X-47A được thiết kế với cấu trúc thân đặc biệt làm bằng vật liệu tổng hợp giúp nó có khả năng tàng hình. Giống như X-45, X-47A không có đuôi. X-47A có sải cánh 8,47 m và chiều dài toàn thân 8,5 m.
 

X-47A

Pegasus được lắp các thiết bị điện tử do BAE System cung cấp. Các thiết bị điện tử hàng không và hệ thống máy tính kiểm soát quá trình điều khiển bay, quản lý chế độ điều khiển tự động, điều khiển động cơ, điều khiển và chỉ huy các nhiệm vụ và các chức năng khác. Ngoài ra, hệ thống định vị của máy bay bao gồm: hệ thống định vị toàn cầu sử dụng trên tàu chiến (Shipboard Relative Global Positioning system - SRGPS), hệ thống tự động hạ cánh.

X-47A được lắp động cơ phản lực cánh quạt đẩy JT15D-5C của Pratt&Whitney. Lượng nhiên liệu mang theo trung bình 472 kg hoặc tối đa là 717 kg giúp tăng tầm hoạt động. Trần bay của X-47A khoảng >10.000 m, tốc độ cận âm.

X-47A được xuất xưởng ngày 30.1.2002 và cất cánh lần đầu vào ngày 23.2.2003. Trong chương trình không bao gồm hạng mục trang bị vũ khí, nhưng X-47A có thể mang bom và trong một số cuộc thử nghiệm Pegasus đã mang loại bom giả 225 kg.

Dự án thử nghiệm UCAV X-45C

Dựa trên dự án ban đầu của DARPA phối hợp với Không quân Mỹ, các nhà nghiên cứu của Boeing tiếp tục phát triển một biến thể khác của X-45 là X-45C.

Về cơ bản, X-45C phần nào giống với mẫu X-46 của Boeing được thiết kế thử nghiệm cho Hải quân Mỹ. X-45C cũng được thiết kế với hình dáng đặc biệt, có sải cánh 15,24 m và không có đuôi, tổng trọng lượng rỗng khoảng 16.000 kg.
 

X-45C

Các thiết bị điện tử có thể gồm radar SAR, hệ thống đối phó điện tử. Đặc biệt, X-45C có khả năng tự động tiếp dầu trên không. X-45C có trần bay ~12000 m, tốc độ hành trình 0,85M. Vũ khí của X-45C là 2 bom thông minh 905 kg.
 

X-45C

Boeing bắt đầu lắp ráp 3 chiếc X-45C từ tháng 6/2004 và thực hiện chuyến bay đầu tiên năm 2007.

Dự án thử nghiệm UCAV X-47B

X-47B là UCAV do Northop Grumman và Lockheet Martin hợp tác phát triển cho Hải quân Mỹ. Về hình dáng thiết kế, X-47B không có gì khác biệt so với X-47A, ngoại trừ hai cánh nhỏ được bổ sung để tăng khả năng cơ động ở tốc độ thấp.

X-47B trên boong tàu sân bay

Hệ thống điện tử cũng tương tự như các kiểu trên, cũng gồm: radar SAR, radar GMTI, hệ thống đối phó điện tử và các thiết bị chuyên dụng khác

X-47B có tầm bay gần 4000 km, trần bay 12.000 m và tốc độ cận âm, trang bị 2 bom thông minh 905 kg.

X-47B hạ cánh trên tàu sân bay

Có thể nói, 2 dự án thử nghiệm X-45C và X -47B được xem như là bước phát triển kế tiếp của chương trình JUCAS. Hai mẫu thử nghiệm này có một số đặc điểm mới như: ứng dụng công nghệ tàng hình ở mức độ cao hơn, có kích thước tương tự với máy bay chiến đấu chiến thuật tầm xa để trong tương lai gần đáp ứng các mong đợi của Không quân và Hải quân Mỹ.

Như vậy, 4 mẫu UCAV trên đây tuy chỉ mang tính chất thử nghiệm, đánh giá, nhưng ít nhiều cũng góp phần cho ta một cái nhìn khái quát về công nghệ UCAV tương lai. Đó là những máy bay chiến đấu tàng hình, đáp ứng nhiều nhiệm vụ khác nhau, tầm hoạt động lớn…
(Biên tập lại)

  • Nguồn: Hiện tại và tương lai của máy bay không người lái / Lê Nam (tổng hợp) // Đất Việt, 25, 27.2.2010.

Print Print E-mail Print

Các tin khác