Vietnamdefence.com

 

Hải quân Mỹ ráo riết phát triển máy bay không người lái tiến công và trinh sát

VietnamDefence - Cuộc thầu chế tạo máy bay tiến công/trinh sát không người lái trên hạm của Hải quân Mỹ đang hồi náo nhiệt với sự tham gia của các công ty Northrop Grumman, General Atomics và Boeing.

X-47B UCAS (northropgrumman.com)

Hải quân Mỹ ngày 19.3.2010 đã mở thầu chế tạo máy bay không người lái (UAV) tiến công và trinh sát. Và tuy ngay từ đầu, ai cũng hiểu Northrop Grumman, công ty đang phát triển X-47B bằng tiền của Lầu Năm góc, đang được ưu ái, song một số công ty khác vẫn tuyên bố ý định tham gia cuộc thầu.

Rõ ràng là Bộ Quốc phòng Mỹ sẽ không hà tiện và công ty tham gia nào cũng có thể kiếm tiền.

Phát biểu ủng hộ Hải quân Mỹ tại một hội nghị diễn ra ở National Harbor, Maryland, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates đã kịch liệt chỉ trích các chương trình mua sắm của Hải quân Mỹ.

Ông tuyên bố là trong điều kiện đối kháng quân sự hiện nay, các hướng phát triển quan trọng là đóng tàu chiến nước nông, các tàu có lượng giãn nước nhỏ, UAV trinh sát và tiến công tầm xa, cũng như các tàu ngầm không người lái.

Tuyên bố này rất phù hợp với các quan niệm của Lầu Năm góc về chiến tranh tương lai, trong đó người ta gần như giao phó vai trò chính cho đủ loại UAV, từ các phương tiện bảo đảm cho đến các hệ thống tiến công hạng nặng được điều khiển qua vệ tinh.

Chính điều đó cũng khiến người ta phải phỏng đoán rằng, thời hoàng kim đã bắt đầu đối với các nhà sản xuất UAV Mỹ vì rõ ràng là Bộ Quốc phòng Mỹ không hề định tiết kiệm tiền chi cho phát triển UAV.

Một ví dụ chứng tỏ sự hào phóng của Lầu Năm góc trong lĩnh vực UAV là X-47B, loại máy bay đang tham gia cuộc thầu của Hải quân Mỹ và được phát triển bằng tiền của Bộ Quốc phòng Mỹ từ năm 2007.

Lầu Năm góc đã dự định chi cho Northrop Grumman gần 2 tỷ USD để chế tạo và thử nghiệm X-47B. Số tiền này sẽ được chi trong vòng 5 năm tới. Có thể phỏng đoán rằng, các đối thủ còn lại dự cuộc thầu của Hải quân Mỹ sẽ có thể nhận được các khoản tài trợ của Bộ Quốc phòng Mỹ.

Các đối thủ

Phantom Ray: sử dụng 1 động cơ phản lực, tốc độ tối đa đến 920 km/h, tầm bay 600 km, tải trọng chiến đấu gần 2 tấn. Thời gian bay tuần tra hiện chưa rõ, dự đoán khoảng 16-18 giờ.
X-47B: sử dụng 1 động cơ phản lực, tốc độ tối đa - siêu âm (theo xác định của Northrop Grumman), tầm bay 3.900 km, tải trọng chiến đấu gần 2 tấn. Thời gian bay tuần tra gần 2 ngày đêm.
Sea Avenger: sử dụng 1 động cơ phản lực, tốc độ tối đa trên 800 km в час, tầm bay không dưới 5.000 km, tải trọng chiến đấu gần 1,5 tấn. Thời gian bay tuần tra 22 giờ.

Các đối thủ tham gia cuộc thầu của Hải quân Mỹ hiện có Northrop Grumman với X-47B và General Atomics với Sea Avenger. Trong tương lai, có thể có thêm Boeing với Phantom Ray.

Theo điều kiện cuộc thầu, các công ty này sẽ phải đệ trình các khái niệm rõ ràng về UAV, còn các mẫu UAV hải quân hoàn thành sẽ được thử nghiệm từ năm 2018. Dự kiến, các biến thể UAV sản xuất loạt sẽ được nhận vào trang bị vào năm 2020.

Theo yêu cầu của giới quân sự, hệ thống UAV trên hạm phải gồm từ 4-6 UAV có khả năng bay trên không trong 11-14 giờ không cần tiếp dầu.

Các UAV phải mang được nhiều loại vũ khí, cũng như các loại sensor cho phép chúng thực hiện các nhiệm vụ trinh sát và quan sát. Việc phóng tên lửa và thả bom sẽ do người vận hành điều khiển.

Ngoài ra, các UAV phải có thể tự tiếp dầu trên không, cũng như tiến hành tiếp dầu cho các máy bay khác. Khả năng tiếp dầu cho các máy bay khác chỉ là một phương án tùy chọn chứ không nằm trong số các yêu cầu bắt buộc.

UAV phải được ứng dụng công nghệ tàng hình và có khả năng mở rộng, tức là trong tương lai có thể lắp cho chúng các hệ thống tiến công như vũ khí laser hay vi ba.

Theo thông tin ban đầu, các UAV X-47B, Phantom Ray và Sea Avenger xét về nhiều điểm đã thỏa mãn các yêu cầu của Hải quân Mỹ, có lẽ ngoại trừ vấn đề tiếp dầu trên không vì phương pháp thực hiện chưa được nghiên cứu, thử nghiệm nhiều.

Giữa tháng 4.2010, Northrop Grumman đã tiến hành thử nghiệm hệ thống tiếp dầu trên không của UAV và kết quả cho thấy nó chưa có độ chính xác cao. Tuy nhiên, việc hoàn thiện hệ thống chỉ còn là vấn đề thời gian.
 

Từ trên xuống dưới Phantom Ray của Boeing, X-47B của Northrop Grumman và Sea Avenger của General Atomics (boeing.com, northropgrumman.com và ga-asi.com)

Điều thú vị là tuy đã mở thầu UAV, song dường như Hải quân Mỹ vẫn chưa chắc chắn là họ thực sự cần các hệ thống như vậy.

Đầu tháng 2.2010, Chuẩn đô đốc Hải quân Mỹ Bill Burke tuyên bố rằng, các mẫu chế thử UAV được chế tạo phục vụ cuộc thầu sẽ chỉ là các mẫu trình diễn để giúp cho giới quân sự xác định sự phù hợp sử dụng UAV chiến đấu trong Hải quân Mỹ.

Bên cạnh đó, chắc là do áp lực của Lầu Năm góc vốn lựa chọn UAV làm điểm tựa nên thậm chí máy bay tiêm kích thế hệ 6 dự đoán cũng là không người lái.

Trong vài năm tới, Hải quân Mỹ sẽ phải lựa chọn hình dáng bên ngoài cho UAV trên hạm.

Hình dáng bên ngoài sẽ được xác định xuất phát từ các nhiệm vụ chiến đấu chính của UAV - máy bay trinh sát, máy bay ném bom hay máy bay tiêm kích. Về mặt này, Hải quân Mỹ vẫn chưa xác định rõ ràng.

Không loại trừ, các UAV tương lai sẽ có bề ngoài giống như máy bay A-12 - biến thể của máy bay do thám SR-71 Blackbird, được chế tạo cho CIA, hoặc máy bay ném bom chiến lược B-2 Spirit.

Các mẫu máy bay do Northrop Grumman, Boeing и General Atomics giới thiệu có bề ngoài rất khác nhau.

X-47B và Phantom Ray đều giống B-2 Spirit.

Sea Avenger kế thừa nhiều nét bên ngoài của MQ-1 Predator và MQ-9 Reaper (Predator-B). Điều này không có gì đáng ngạc nhiện vì Sea Avenger được chế tạo trên cơ sở UAV Predator-C Avenger phát triển cho Lục quân Mỹ. Predator-C là sự kế tiếp của họ UAV Predator với điểm khác biệt chính với các loại trước là có 1 động cơ phản lực.

Nhìn chung, việc phát triển UAV cho Hải quân Mỹ phù hợp với khái niệm phản ứng nhanh toàn cầu của Lầu Năm góc. Trong khuôn khổ khái niệm này, Mỹ đang phát triển các tên lửa đường đạn siêu vượt âm trang bị đầu đạn thông thường, các máy bay siêu vượt âm có tốc độ bay lên đến 20 M (gần 23.000 km/h), các loại vũ khí laser đặt trên máy bay và các hệ thống tiến công tầm xa.

Việc sở hữu tất cả các loại vũ khí, phương tiện này (trừ các tên lửa đường đạn có thể khiến Nga và Trung Quốc đưa các hệ thống an ninh của mình vào trạng thái sẵn sàng chiến đấu) có thể thực sự cho phép Mỹ thực hiện các đòn tiến công nhanh chóng và chính xác vào mọi địa điểm trên thế giới. Chỗ nào các tên lửa hoặc máy bay siêu vượt âm không với tới (điều này khó xảy ra vì Mỹ có nhiều căn cứ quân sự trên khắp thế giới) thì hoàn toàn có thể nằm trong tầm với của các UAV của Hải quân Mỹ.

Dù thế nào chăng nữa thì hạm đội Mỹ, theo lời ông Robert Gates, cũng thống trị “phần Đông Thái Bình Dương trong 60 năm gần đây”.

  • Nguồn: Đòn tấn công từ biển / Vasily Sychev // Lenta 7.5.2010.

Print Print E-mail Print