Vietnamdefence.com

 

6 cuộc xung đột hiện đại có tỷ lệ tổn thất cao nhất

VietnamDefence - Ngày 1/5/1982, máy bay và tàu chiến Anh đã oanh kích các trận địa Argentina ở khu vực Port Stanley trên quần đảo Falklands (Malvinas).

Tàu sân bay HMS Hermes đang tiến đến khu vực xung đột, 1982 trong cuộc xung đột Falklands/Malvinas giữa Anh và Argentina

Cuộc chiến tranh Falklands năm 1982 giữa Anh và Argentina nhằm giành quyền kiểm soát quần đào Falklands thực tế đã bắt đầu.

Sau này, tổn thất của cuộc xung đột này trở thành vấn đề chính trị đặc biệt gay gắt. Người Anh chính thức tuyên bố, trong các trận đánh đã có 258 lính Anh chết, còn người Argentina thông báo có 655 người chết, tức là tỷ lệ 1:2,5.

Ngoài ra, còn có 5 cuộc chiến tranh hiện đại khác có tỷ lệ tổn thất chiến đấu cao nhất.


Chiến dịch Shock and Awe, 2003

Trong cuốn sách “Những người chết biến mất ra sao” viết về chiến dịch quân sự Shock and Awe, nhà nghiên cứu Carl Conetta của Viện Cộng đồng (Commonwealth Institute), Massachussetts đã dẫn những số liệu về cuộc chiến tranh này. Theo đó, trong thời gian từ 19/3 đến 1/5/2003, đã có 7.600-10.800 lính Iraq bị giết, trong khi liên quân chỉ có 150 người chết vì hỏa lực đối phương.

Lính thủy đánh bộ Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 7 Thủy quân lục chiến Mỹ (USMC) đang yểm trợ nhau tại một cung điện của Saddam Hussein ở Baghdad.

Điều đó cũng cho thấy sự cải thiện về chất lượng của quân đội Iraq so với khả năng chiến đấu của họ trong chiến dịch Bão táp Sa mạc năm 1991, trong đó cứ 1 lính Mỹ chết thì có 120 lính của Saddam Hussein mất mạng. Dẫu sao thì xét về con số tuyệt đối, số lượng lính Mỹ chết và bị thương trong giai đoạn tác chiến chính thấp hơn đáng kể 0,1% lực lượng được triển khai. Và điều đó làm hài lòng xã hội Mỹ.

Như vậy, tỷ lệ tổn thất trung bình trong cuộc chiến tranh này là 1:60.

Các tiêm kích thế hệ 4 F-16, F-15C và F-15E của Không quân Mỹ


Chiến tranh Yom Kippur, 1973

Ngày 6/10/1973, trong thời gian lễ Yom Kippur (Ngày Sám hối) của người Do Thái, cuộc chiến tranh Arab-Israel lần thứ tư bùng nổ. Quân Ai Cập trong khuôn khổ chiến dịch Badr đã vượt thành công kênh đào Suez. Đồng thời, các đơn vị Syria với 1.400 xe tăng bắt đầu tấn công cao nguyên Golan, nơi có 177 xe tăng và 50 khẩu pháo của quân đội Israel đối đầu với họ.

“Ngày Sám hối” trở nên cực kỳ khó khăn đối với nhà nước Do Thái. Sau nỗ lực đẩy lùi quân Ai Cập, Sư đoàn thiết giáp chủ lực 252 của Avraham Mendler đã tổn thất 165 xe tăng.

Tình hình ở Golan cũng không khá hơn, nhưng khi quân dự bị đến nơi, quân Syria đã mất quyền chủ động. Họ đã thoát khỏi cảnh bị đánh tan nhờ các đơn vị quân đội Iraq đến tiếp ứng.

Ngày 14/10, sau trận đánh tăng mặt đối mặt, các đơn vị quân đội Israel đã thiêu cháy khoảng 250 xe tăng-thiết giáp của Ai Cập. Kết quả là dù có ưu thế lớn về binh khí kỹ thuật, liên quân Arab đã thua Israel trong cuộc chiến tranh này.

Theo nghiên cứu (dành riêng cho Quốc hội Mỹ) của Jacob Bercovitch và Richard Jackson đăng trong Bách khoa thư các cuộc xung đột quốc tế 1945-1995, tổn thất của hai bên là: quân đội Israel - 2412 lính, liên quân Arab - 13.989 lính, tương ứng với tỷ lệ là 1:5,8.

Lính Ai Cập vui mừng sau khi vượt qua kênh đào Suez


Chiến tranh Uganda-Tanzania, 1979

Chiến tranh Uganda-Tanzania kéo dài từ ngày 30/10/1978-11/4/1979. Căn nguyên xuất phát từ cuộc đảo chính quân sự vào năm 1971, kết quả là tướng Idi Amin Dada đã lật đổ tổng thống Uganda Milton Obote. Để tỏ tình đoàn kết, nhà lãnh đạo Tanzania Nyerere đã cho ông Obote tị nạn và cưu mang 20.000 người tị nạn nữa.

Cùng với việc giới quân sự lên nắm quyền, cuộc khủng bố nhà nước bắt đầu ở Uganda, giết chết 500 ngàn người trong dân số 19 triệu người. Idi Amin Dada tự tuyên bố mình là “tổng thống suốt đời, nguyên soái Al-Haji, chúa tể của tất cả các loài thú trên mặt đất và cá ở biển, cũng như nhà chinh phục Đế quốc Anh ở châu Phi”. Ông ta tự tay bắn giết 2.000 người và đi vào lịch sử như một trong những nhà độc tài tàn bạo nhất.

Sau cuộc nổi loạn của một số đơn vị quân đội Uganda, quân nổi loạn đã chạy sang Tanzania và hợp nhất với lực lượng dân quân của Milton Obote. Amin nổi giận tuyên chiến với Tanzania nhằm thông tính một phần nước này là tỉnh Kagera và đánh tan Mặt trận Dân tộc giải phóng Uganda. Tuy nhiên, binh lính của Amin đã bị mất tinh thần bất kể có sự viện trợ quân sự của Muammar Gaddafi, khi ông này phái 2.500 lính Libya đế trợ giúp cho Amin.

Phía Amin đã có 1.600 lính thiệt mạng, trong đó có 600 lính Libya. Trong khi, quân đội Tanzania mất 523 lính, trong đó có 150 dân quân của Mặt trận Dân tộc giải phóng Uganda. Trong cuộc chiến tranh Uganda-Tanzania, tỷ lệ tổn thất song phương là 1:3.

Tướng Idi Amin Dada vác tên lửa, vây quanh là binh lính thuộc quyền tại mặt trận chống Tanzania năm 1979


Chiến tranh Nga-Gruzia, 2008

Cuộc xung đột Nga-Gruzia mà phương Tây đặt tên là “Cuộc chiến tranh 5 ngày” bùng nổ đêm mồng 7, rạng sáng mồng 8/8/2008.

Theo tuyên truyền của phía Gruzia, từ ngày 1/8, người Osetya đã tấn công các làng mạc của người Gruzia mà lân cận có đóng các lữ đoàn bộ binh 2, 3, 4, 1 lữ đoàn pháo, các đơn vị của lữ bộ binh 1, 1 tiểu đoàn tăng độc lập, cộng với lực lượng đặc nhiệm và quân Bộ Nội vụ Gruzia. Điều đó đã dẫn tới phản ứng đáp trả từ phía quân đội Gruzia. Lúc 23 giờ 35 phút, ngày 7/8, quân đội Gruzia pháo kích bằng đạn khói vào Tskhinvali để dân thường rời thành phố trước khi bắt đầu chiến dịch quân sự.

Trong khi đó tổ chức phi chính phủ quốc tế Human Rights Watch (HRW) lại ghi nhận phía Gruzia dùng pháo phản lực Grad bắn vào thành phố đang ngủ và điều đó sau này đã được khẳng định.

Theo tạp chí Moscow Defence Brief, đến sáng 10/8, quân Gruzia đã chiếm được gần như toàn bộ Tskhinvali, buộc quân Osetya và Nga rút lui về các quận phía bắc thành phố. Tuy nhiên, đến buổi chiều, tình thể thay đổi hoàn toàn và các đơn vị Gruzia bắt đầu tháo chạy hỗn loạn. Sau đó, quân đội Nga tạm thời giành quyền kiểm soát các thành phố Poti, Gori, Senaki và Zugdidi của Gruzia.

Thông qua trung gian của Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy đại diện cho EU, hai bên đối địch đã đạt thỏa thuận sơ bộ ngừng bắn từ ngày 12/8/2008. Cũng buổi chiều đó, tổng thống Gruzia Mikhail Saakashvili tại cuộc mít tinh nhiều ngàn người ở Tbilisi đã tuyên bố Gruzia chiến thắng Nga và thông báo tổn thất của quân đội Nga là 400 người.

Tuy nhiên, thông tin chính thức xác nhận có 67 lính và sĩ quan Nga, và 170 lính Gruzia chết. Như vậy, tỷ lệ tổn thất là 1:2,5.

Đoàn xe quân gìn giữ hòa bình Nga tại khu dân cư Khurcha.


Chiến tranh Ấn Độ-Pakistan lần thứ 3, 1971

Ngày 3/12/1971, Không quân Pakistan trong khuôn khổ chiến dịch Chengiz Khan đã bất ngờ thực hiện 26 cuộc oanh kích vào các căn cứ không quân Amritsar, Pathankot, Srinagar của Ấn Độ. Đồng thời, Tổng thống Pakistan Yahya Khan tuyên bố: “Đã đến lúc đánh trả mạnh mẽ Ấn Độ bởi vì chúng ta đang chiến đấu vì sự toàn vẹn của đất nước chúng ta”. Đó là nói đến vùng lãnh thổ Đông Bengal hay Đông Pakistan. Ở đó, các cuộc biểu tình, phản đối đòi quyền tự trị của người Bengal bị đàn áp dã man.

Cuộc chiến tranh du kích bắt đầu và được sự ủng hộ của Ấn Độ. Điều đó tất nhiên là trái ngược với lợi ích của Islamabad và họ quyết định trừng phạt lực lượng ly khai Bengal và người Ấn Độ tiếp tay.

Mặc dù cuộc tấn công đầu tiên của Không quân Pakistan có sự bất ngờ, ưu thế lại ở phía Ấn Độ khi họ sử dụng hiệu quả các tiêm kích-bom Su-7 và tiêm kích MiG-21. Tại khu vực chiến sự, đa số các máy bay F-104A Starfighter, Mirage III, Saber và B-57 nhanh chóng bị tiêu diệt, cho phép Ấn Độ gainhf ưu thế quân sự cả trong các chiến dịch mặt đất.

Cuộc chiến kéo dài chỉ 14 ngày và kết thúc với thất bại hoàn toàn của Pakistan. Ấn Độ đã giành quyền kiểm soát một số vùng lãnh thổ Pakistan ở Punjab và Sindh. Còn Đông Bengal cuối cùng đã giành được độc lập, dẫn đến sự ra đời của nước Bangladesh. Theo số liệu chính thức, quân đội Ấn Độ đã tổn thất 3.402 quân, còn quân đội Pakistan mất 7.982 người, tức là tỷ lệ tổn thất là 1: 2,34.

Binh lính Ấn Độ bắn vào các trận địa Pakistan

Nguồn: SP, 1.5.2014.

Print Print E-mail Print