Đầu năm 2013, ở Mali, quân Pháp đã phải đụng đầu với các đơn vị vũ trang đầy quyết tâm, được trang bị vũ khí hiện đại bị lấy cắp từ Libya. Tại khu vực Sahara, các đơn vị này được gọi là AQM (Al-Qaeda ở khu vực Maghreb).
Một trong những khía cạnh đáng chú ý của chiến dịch quân sự này ở Mali là việc cuộc chiến đã có thể chấm dứt sớm hơn từ hai năm trước. Tháng 2/2012, một nhóm nhỏ lính đánh thuê Nam Phi đã thảo luận với Tổng thống Mali khi đó Amadou Toumani Touré hợp đồng trị giá 80 triệu USD, theo đó họ sẽ chiến đấu chống cuộc nổi dậy của người Tuareg đang đe dọa chính phủ Mali.
|
Các trực thăng chiến đấu Aerospatiale SA.342M Gazelle Viviane của không
quân lục quân Pháp ở Mali, đầu năm 2013 (Bộ Quốc phòng Pháp)
|
Ngoài một đơn vị bộ binh quân số không đông để tác chiến với quân nổi loạn trên lãnh thổ Mali, còn có một lực lượng không quân gồm 2 trực thăng chiến đấu Mi-24 và 4 trực thăng vận tải-chiến đấu Mi-17. Công ty quân sự tư nhân tham gia các cuộc đàm phán này đã đề xuất mua của một nước không nêu tên 6 trực thăng АН-1 Huey Cobra sản xuất trong những năm 1970 với giá 1 triệu USD/chiếc, nhưng thay vào đó, người ta đã quyết định sử dụng các trực thăng của Ukraine.
Hợp đồng mua các trực thăng này đã được ký và tiền lẽ ra đã phải được chuyển cho nhà cung cấp khi viên đại úy vô danh Amadou Sanogo vốn giữ một chức vụ nhỏ, nhưng cầm đầu phong trào đối lập trong quân đội Mali tổ chức binh biến, lật đổ chính phủ. Gần như đồng thời, AQM đã tổ chức cuộc tấn công vào quân đội Mali và chiếm giữ miền bắc nước này.
Đáng lưu ý là mặc dù một số nước có đề nghị trợ giúp quân sự, chế độ mới của Sanogo đã bác bỏ. Ông ta cũng phản đối ngay từ đầu sự can thiệp của Pháp để chống AQM, nhưng ngay khi các nước phương Tây đề nghị viện trợ 1 tỷ USD để “hiện đại hóa” quân đội Mali, viên đại úy vốn thích ví mình với “nhà giải phóng” và Tổng thống Pháp Charles de Gaulle, đã thay đổi quan điểm. Khoảng 1/5 khoản tiền trên sẽ được chuyển đến dưới sự kiểm soát trực tiếp của đại úy Sanogo.
Nhiều trong những điều đang xảy ra ở đất nước tiếp giáp với sa mạc Sahara này vẫn chưa được công chúng biết đến, kể cả sự tham gia tích cực của các trực thăng vũ trang của Pháp để đẩy đuổi các phần tử Hồi giáo ở vùng núi xa xôi Ifoghas ở miền bắc Mali. Điều đó không có nghĩa là toàn bộ các lực lượng của AQM đã phải rút khỏi khu vực nào đó. Ví dụ, vào tháng 9/2012, khi chở lương thực đến cho binh sĩ quân đội Mali, một máy bay vận tải quân sự Mỹ С-130 hạ cánh xuống một sân bay tiền tiêu đã bị bắn bằng súng máy của phiến quân. Không ai bị thương vong và máy bay vẫn yên ổn quay lại thủ đô Bamako.