Vietnamdefence.com

 

Chiến tranh Falklands: Vai trò của tư lệnh chiến dịch và những bài học (2)

VietnamDefence - Kinh nghiệm quý báu của cuộc chiến này được các cường quốc hải quân, đặc biệt là Mỹ, vận dụng để hoàn thiện hạm đội của mình.

>> Bài học chiến tranh biển đảo: Cuộc chiến Falklands 1982 (1)

Vai trò của người chỉ huy và công tác chỉ huy trong chiến dịch

Đô đốc John Woodward

Vai trò của người chỉ huy trong bất kỳ chiến dịch hay cuộc hành quân nào cũng đều có ý nghĩa quyết định hay gần như thế. Nhất là trong một chiến dịch phức tạp và đặc thù như thế này. Tuy nhiên, người ta cũng thấy sự xung đột giữa tiền phương chiến trường đại dương với Bộ Hải quân Anh.

Trường hợp với Đô đốc Woodward còn đặc biệt trầm trọng hơn về tâm lý bởi bối cảnh, hầu như đến cuối chiến dịch, vị trí của ông vẫn ở “trạng thái treo”, một thứ tư lệnh chiến dịch tạm quyền. Các chỉ huy cấp trên tinh quái đã để ông ở tình trạng “kiễng chân” và bất kỳ lúc nào cũng sẵn sàng thay thế ông bằng một đô đốc “hai sao” dày dạn hơn và “xứng đáng” hơn. Nhưng điều đó cũng không cản trở Bộ Hải quân Anh vắt kiệt năng lực của Woodward.

Còn nếu ông Woodward thành công, như thực tế đã diễn ra thì Bộ Hải quân Anh có cớ để khiêm tốn nói rằng, trường hợp Woodward một lần nữa khẳng định rằng, mỗi đô đốc của họ dù là trẻ nhất, khi bị bất ngờ rút từ bất kỳ vị trí nào cũng sẵn sàng cầm đầu lực lượng viễn chinh và giành thắng lợi trong cuộc chiến tranh ở bất cứ đâu, dù ở tận đầu bên kia của thế giới.

Thật may là Đô đốc Woodward đã vượt qua một cách xứng đáng cả thử thách tâm lý không đơn giản này khi cho thấy những nét và phẩm chất của một đô đốc chân chính.

Vậy gánh nặng trọng trách của vị tư lệnh là thế nào? Ngay ở giai đoạn chiến khai, bão tố đã gạt phăng người ra ngoài mạn tàu, các trực thăng thì rơi xuống biển, một máy bay chở khách chút xíu nữa thì bị bắn hạ vì bị nhầm là máy bay trinh sát Argentina hàng ngày quấy nhiễu. Vị đô đốc chắc chắn vẫn run sợ nhớ lại cho đến hôm nay.

Về ông Woodward thì nay người ta thường nói rằng, ông đã dẫn dắt cuộc chiến tranh máy tính đầu tiên trong lịch sử. Điều đó có thể hiểu theo những cách khác nhau. Tác giả bài viết đương thời từng “lang thang” trên tàu ngầm nguyên tử lớp Projekt 671RTM giữa vịnh Persique và vịnh Aden, giữa Seychelles và các vùng biển lân cận, nên dễ hiểu hơn đặc điểm của vũ khí trang bị có máy tính là như thế nào, độ tin cậy ra sao.

Phức tạp một cách vô lý và còn chưa đủ tin cậy, các hệ thống này thường tùy ý làm sững sờ các chuyên gia và các cấp chỉ huy. Ở đó lại thường xuyên thiếu làm mát, đi cùng với nó là độ ẩm 100%, muối biển lập tức sùi lên trên các tiếp điểm và giắc cắm. Trong khi đó, hỏa lực bắn loạt bằng vũ khí chủ yếu và hỏa lực phòng vệ phải tiếp nối đúng lúc và không thể tránh né, chứ không phải khi các chuyên gia sẵn sàng sau khi khởi động lại hệ thống 2 lần, 4 lần. Bởi vậy, tôi sẽ không bao giờ quên các chuyên gia máy tính và thủy âm của mình, họ là những chuyên gia do Chúa ban cho. Đằng sau họ không bao giờ có sự chậm trễ hay thậm chí trở ngại nào. Ở Falklands, những vấn đề đó bị trả giá bằng sự tồn vong của các con tàu và binh sĩ. Hoàn cảnh tàu khu trục HMS Coventry (D118) bị tiêu diệt cho thấy rõ điều đó.

Vậy vị tư lệnh có thể tác động tới vấn đề này tới mức nào? Trong mọi trường hợp, người chỉ huy không thể thờ ơ mà phải liên tục kiện toàn các thành phần của thế trận chiến đấu, các thủ đoạn và phương pháp giải quyết các nhiệm vụ phòng không và phòng thủ tên lửa. Cần bắt đầu từ việc lên quyết tâm chiến dịch của vị tư lệnh trong khi hoàn toàn thiếu thông tin, mà người ta gọi là “quyết định trên yên ngựa”. Việc hầu như không nội dung nào trong quyết tâm chiến dịch bị Bộ Hải quân Anh bác bỏ nói lên chất lượng quyết tâm của tư lệnh, cũng như sau đó là công tác soạn thảo kế hoạch chiến đấu.

Việc thực hiện kế hoạch này mà không cho phép sai thời hạn quá một ngày đêm cũng bộc lộ một nét khác trong tính cách của vị tư lệnh: sự cương quyết trong thực hiện kế hoạch chiến tranh. Đằng sau sự cương quyết đó này là sự thận trọng, chính xác rất cao trong hoàn thành toàn bộ các biện pháp cho phép kịp thời chuyển sang giai đoạn hành động tiếp theo.

Người hùng Woodward 30 năm sau chiến tranh Falklands

Nói lên nhiều điều về tính cách và phong cách chỉ huy của vị đô đốc là thái độ của vị tư lệnh đối với những người có trách nhiệm trực tiếp hay gián tiếp về những tổn thất nặng nề của hạm đội như hạm trưởng khu trục hạm Sheffield - một ví dụ về thái độ cẩu thả vô lối - và hạm trưởng khu trục hạm HMS Coventry - bằng việc cơ động tàu không thống nhất tại thời điểm máy bay Argentina tấn công đã che khuất hướng bắn bắn của hệ thống tên lửa phòng không Sea Wolf từ tàu HMS Brilliant (F90), tạo điều kiện cho máy bay Argentina đột phá và tấn công tiêu diệt tàu HMS Coventry.

Woodward đã cho họ có quyền mệt mỏi vì chiến đấu liên miên và những hậu quả của nó. Hơn nữa, các hành động của tàu Coventry, của vị hạm trưởng và thủy thủ đoàn tàu này trước đó là không thể chê trách và dũng cảm.

Điểm nổi bật ở Woodward là việc sẵn sàng chiến đấu bằng những lực lượng sẵn có trong tay ông và cương quyết bảo vệ quan điểm của mình với cấp trên.

Sự kiên định và ý chí sắt đã của người chỉ huy nhằm đạt mục tiêu đã thể hiện đặc biệt rõ trong việc tiến hành trinh sát chống thủy lôi các tuyến đường hành quân tới điểm đổ bộ bằng các tàu chiến. Ông hiểu rằng, các sự kiện chính của cuộc chiến sẽ khai diễn sau khi đổ bộ. Cũng không thể không nhắc đến sự kiềm chế, thận trọng của vị tư lệnh Anh khi ông không hăng máu ham đánh để giữ các tàu sân bay ở ngoài tầm với của các máy bay Super Étendard của Argentina.

Để kết thúc bản phân tích về vai trò và vị trí của người chỉ huy, cần một lần nữa nhắc đến gánh nặng lịch sử của sứ mệnh cực kỳ phức tạp và trọng trách của vị tư lệnh chiến dịch Falklands. Lần đầu tiên trong 37 năm hòa bình sau chiến tranh, chính Đô đốc Woodward đã phải bảo vệ uy tín của hạm đội Anh, người thủy binh Anh và vị đô đốc Anh.

Một kết luận quan trọng nữa là hệ thống đào tạo hạm trưởng của Hải quân Anh với việc thử thách toàn diện ở nhiều vị trí phục vụ đã hoàn toàn chứng minh được giá trị của mình.

Quân Anh trên quần đảo Falklands

Những bài học, kết luận và tiết lộ

Những tư liệu thực tế phong phú mà kinh nghiệm cuộc chiến này mang lại đã được các cường quốc hải quân vận dụng một cách khác nhau để hoàn thiện các chương trình xây dựng hạm đội, vũ khí hải quân, các thủ đoạn và phương thức sử dụng các lực lượng của hạm đội. Điều thật kỳ lạ là vận dụng chúng ở mức độ cao nhất là Hải quân Mỹ, ở mức độ ít hơn nhiều là Hải quân Liên Xô và Hải quân Anh.

Trận chiến Falkland đã xác nhận một giả thiết rằng, một cuộc xung đột cường độ cao, trong đó dù cho một bên tham chiến là cường quốc hạt nhân, thì chắc chắn vẫn diễn ra ở phương án phi hạt nhân. Điều đó đặt ra vấn đề mức độ đủ và trình độ vũ khí trang bị có tính chiến thuật. Việc ngành đóng tàu sau Thế chiến II giải quyết vấn đề trọng lượng lâu nay bằng cách sử dụng các hợp kim nhẹ cho phần thượng tầng và các kết cấu khác của tàu sao cho với lượng giãn nước hạn chế lại có thể dành được nhiều không gian hơn cho vũ khí đã khiến lính thủy Anh phải trả giá đắt.

Trong tất cả các trường hợp tàu Anh bị tiêu diệt trong chiến đấu đều xảy ra hỏa hoạn lớn. Kim loại nhẹ của phần thượng tầng bốc cháy và tan chảy làm cho việc cứu hỏa trở nên cực kỳ khó khăn. Các vật liệu ngăn cách bằng polymer cũng không chịu được lửa.

Tỏ ra mờ nhạt đến mức đáng kinh ngạc khi so với các lực lượng khác là các tàu ngầm nguyên tử Anh, nhất là khả năng tìm kiếm mục tiêu và tấn công của chúng. Các kết luận lập tức được rút ra: nay các tên lửa chống hạm đã được triển khai ngay cả trên các tàu ngầm diesel và phi hạt nhân và được phóng từ ống phóng lôi.

Cuộc xung đột đã chứng minh một cách hùng hồn rằng, mối nguy hiểm lớn nhất là các phương tiện tiến công đường không có khả năng hoạt động ở độ cao nhỏ và cực nhỏ. Toàn bộ kho tên lửa phòng không của hạm đội Anh (không dưới 4 loại) đã không thể bảo vệ chắc chắn chống các phương tiện tiến công đường không bay thấp. Không có hệ thống radar phát hiện tầm xa, hạm đội ngày nay chẳng thể làm gì trên biển.

Người Mỹ đã rút ra được kết luận nên đã chế tạo hệ thống Aegis và kiên trì cải tiến nó thành một vũ khí phòng thủ tên lửa. Nền tảng của bản thân khái niệm tác chiến của Hải quân Mỹ chính là các máy bay báo động sớm AWACS và Hawkeye liên tục bay trên đất liền và biển cả.

Những bài học của cuộc khủng hoảng đặt ra một cách thẳng thừng vấn đề về tính cấp thiết và ưu thế của các hệ thống vũ khí trước các mẫu vũ khí đơn nhất hoàn thiện nhất như một cách tiếp cận để giải quyết các nhiệm vụ chiến đấu. Khí tài bảo đảm bay đêm, radar hoàn thiện hơn và các tên lửa Mỹ Sidewinder đã bảo đảm ưu thế của máy bay Sea Harrier trên không trước các máy bay hiện đại nhất của Argentina mới mua từ Pháp, Thụy Điển và Israel.

Không lâu sau cuộc xung đột Falklands, các hệ thống trinh sát-tiến công hiệu quả cao đã xuất hiện hàng loạt ở Mỹ.

Người ta chỉ có thể nhận ra cuộc khủng hoảng về ngư lôi đã bắt đầu trong quá trình chiến sự ở Falklands. Do không tự tin vào độ tin cậy của các ngư lôi mới Tigerfish, Hải quân Anh đã phải dùng ngư lôi МК-8 thời Thế chiến II tấn công mục tiêu duy nhất bị đánh chìm bằng vũ khí tàu ngầm. Ở phía bên kia, chiếc tàu ngầm của Argentina trang bị ngư lôi МК-37 của Mỹ cũng liên tục thất bại với vũ khí ngư lôi.

Thực tế cho thấy hiệu quả chống ngầm của lực lượng đặc nhiệm Anh thấp một cách bất ngờ. Một tàu ngầm Argentina đã chạy lang thang khá lâu giữa các hạm tàu Anh và thậm chí còn định tấn công chúng mà không ai phát hiện được!

Kinh nghiệm đó có ý nghĩa gì đối với Hải quân Liên Xô hồi đó và Hải quân Nga hiện nay? Không được quên là Hải quân Liên Xô/Nga và hạm đội Anh có một điểm chung là cả hai đều giải quyết vấn đề cực kỳ trọng yếu là “không quân hóa” theo cùng một cách. Chỉ có Anh và Liên Xô là thành công trong việc chế tạo máy bay chiến đấu cất/hạ cánh thẳng đứng và đường băng ngắn. Ngay cả Mỹ với tiềm lực hàng không-vũ trụ vô hạn cũng đành chịu thất bại trong lĩnh vực này. Điều đó đã mang lại những lợi ích chưa từng có trong lĩnh vực vũ khí hải quân.

Việc lao vào cuộc chạy đua mệt mỏi, tốn kém và nói chung là vô vọng nhằm đóng và trang bị cho các tàu sân bay khổng lồ trở nên không còn cần thiết nữa. Vấn đề xây dựng một hạm đội cân đối trong một quãng thời gian đáng kể đã có được cơ hội hiện thực hóa gần như ở phương án động viên.

Một máy bay cất cánh đường băng ngắn và hạ cánh thẳng đứng vốn được cho là không phải là máy bay chiến đấu đúng nghĩa khi hoạt động trong một hệ thống đã dễ dàng giành ưu thế trước các máy bay chiến đấu “thật sự” của đối phương. Dĩ nhiên, Harrier của Anh đã tỏ ra thành công hơn nhiều Yak-38 của Liên Xô trước hết nhờ động cơ duy nhất mạnh mẽ. Nhưng Liên Xô cũng từng tiến gần đến việc có được không chỉ những máy bay loại này tốt nhất, mà còn là máy bay siêu âm có triển vọng to lớn.

Tính không nhất quán đáng sợ trong xây dựng hạm đội Nga xuất phát từ một cơ cấu sai lệch cuối cùng đã không cho phép Hải quân Nga có được lực lượng không quân trên hạm như một binh chủng thường trực và cuối cùng là đạt được sự cân đối hằng mong muốn. Cuộc sống cho thấy, thế giới đang trở lại với ý tưởng này.

Hạm đội Hoàng gia Anh sẽ cực kỳ hùng mạnh với việc đưa vào biên chế tàu sân bay mới Queen Elizabeth, các khu trục hạm Type 45 (Daring) và các tàu ngầm nguyên tử đa năng mới với trang bị vũ khí mới. Bởi lẽ, Hải quân Anh vẫn được trang bị một tư duy hải quân tiên tiến nhất, điều được khẳng định một cách thuyết phục bởi kết quả của cuộc xung đột Falklands.

Nguồn: Chiến tranh Falklands / Chuẩn đô đốc về hưu Yuri Kirillov // NVO, 15.6.2012.

Print Print E-mail Print