Vietnamdefence.com

 

Tiết lộ chiến dịch Syria: 3 ngày là xong!

VietnamDefence - Xuất hiện những thông tin rò rỉ mới về kế hoạch chiến dịch quân sự chống Syria. Sẽ thực hiện một số đợt tấn công và sau mỗi cuộc tấn công sẽ có đánh giá tình hình.

USS Farragut phóng Tomahawk
Cuộc tấn công Syria của Mỹ sẽ kéo dài 3 ngày, báo chí Mỹ dẫn các nguồn tin ở Lầu năm góc cho hay.

Cuộc tấn công sẽ có quy mô lớn hơn, có sử dụng không quân chiến lược, danh sách mục tiêu sẽ được mở rộng. Một tuần trước, Anh đã cho tiêm kích xuất kích theo lệnh báo động để đánh chặn máy bay Syria, nhưng đụng độ đã không xảy ra.

Lầu Năm góc dự định không kích bằng tên lửa, bom lãnh thổ Syria trong vòng 3 ngày,  tờ báo Mỹ Los Angeles Times dẫn các nguồn trong Bộ Quốc phòng Mỹ đưa tin.

“Sẽ thực hiện một số đợt tấn công và sau mỗi cuộc tấn công sẽ có đánh giá tình hình. Chiến dịch sẽ kéo dài 72 giờ, có đủ tất cả các căn cứ để cho rằng, đó có lẽ là tất cả”, một sĩ quan Mỹ tiết lộ.

Tờ báo cũng cho biết, Lầu Năm góc đang chuẩn bị tăng cường độ chiến dịch: ngoài việc bắn phá lãnh thổ Syria bằng các tên lửa hành trình từ các tàu chiến, Mỹ có thể sử dụng các máy bay ném bom.

Ngoài ra, Nhà Trắng cũng đã yêu cầu danh sách mở rộng các mục tiêu cần tiêu diệt bổ sung cho 50 mục tiêu hiện có. Trước đó, các nguồn tin ngoại giao Mỹ tiết lộ, theo lệnh riêng của Obama, giới tướng lĩnh Mỹ đã xem xét lại phương án chiến dịch Syria theo hướng mở rộng và tăng cường độ tấn công. Trước đó nữa, được biết, tàu sân bay hạt nhân USS Nimitz và các tàu hộ tống đang tiến vào Biển Đỏ để từ đó có thể tham gia chiến dịch Syria nếu có lệnh. Đồng thời, cụm tàu sân bay do tàu sân bay Harry S. Truman dẫn đầu hiện có mặt tại tây Ấn Độ Dương.

Trước đó, trong tuần này, có tin Mỹ có kế hoạch mở rộng về mặt thời gian chiến dịch chống Syria. Trong văn kiện mà tuần tới Quốc hội Mỹ sẽ xem xét, thời hạn chiến dịch dự kiến chống Syria bị hạn chế trong vòng 3 tháng. Tuy nhiên, các nguồn tin trong giới ngoại giao châu Âu khẳng định, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã yêu cầu quân đội Mỹ kéo dài thời gian chiến dịch do sự chỉ trích mạnh của một nhóm nước Arab có thế lực đòi hỏi phải nhanh chóng xâm lăng Syria.

“Sự bối rối trong hàng ngũ các quốc gia phương tây hàng đầu bị gây ra bởi việc nghị viện Anh bất ngờ từ chối ủng hộ chiến dịch quân sự chống Syria nay Washington định bù đắp bằng sự rộng lớn và mạnh mẽ của đòn tấn công”, một quan chức EU cao cấp nói.

Như Itar-Tass đưa tin, theo thông tin ở châu Âu, Mỹ nay nghiêng về phương án một chiến dịch lớn, trong đó cùng với tên lửa hành trình triển khai ngoài biển sẽ sử dụng cả không quân chiến lược để tấn công các mục tiêu Syria. “Các máy bay ném bom В-2 và В-52 sẽ cất cánh cả từ lãnh thổ Mỹ lẫn căn cứ không quân Mỹ Al-Udeid ở Qatar. Các đòn tấn công sẽ được thực hiện từ cự ly xa, cũng như độ cao cực nhỏ để không lọt vào tầm hỏa lực phòng không Syria”, các nhà ngoại giao châu Âu cho biết.

Đồng thời, danh sách mục tiêu cũng được mở rộng đáng kể. Các mục tiêu chính là các căn cứ không quân Syria và đường băng. Dự kiến tấn công cả các trận địa tên lửa và kho tàng quân sự có thể chứa tên lửa tầm trung và tầm xa. Nhiệm vụ ưu tiên sẽ là tiêu diệt các lực lượng và phương tiện của sư đoàn 4 Syria và các đơn vị Vệ binh cộng hòa. Chỉ chưa rõ là liệu có tấn công các dinh thự của ông Assad ở Damascus và các nơi khác tại Syria không.

Thông tin về việc Mỹ tăng cường kịch bản vũ lực chống Syria dưới áp lực của Liên đoàn Arab và Hội đồng hợp tác Vùng Vịnh xuất hiện từ trước đó, nhưng lần nào cũng bị Washington chính thức bác bỏ.

Ngay trước đó, ngoại trưởng John Kerry tuyên bố rằng, chiến dịch quân sự đang được chuẩn bị sẽ mang tính chất cực kỳ hạn chế và về quy mô sẽ nhỏ hơn cả cuộc can thiệp vào Libya năm 2011. “Chúng ta không nói về một cuộc chiến tranh. Đây không nói về Iraq hay Afghanistan và thậm chí không phải về Libya hay Kosovo. Các tuyên bố của chúng ta luôn cực kỳ rõ: Mỹ cho rằng, cách duy nhất để chấm dứt cuộc xung đột Syria là con đường chính trị, chứ không phải quân sự”, ông Kerry nói.

Theo ông Kerry, “một cuộc can thiệp quân sự hạn chế sẽ trực tiếp nhằm vào hạn chế khả năng của ông Assad sử dụng vũ khí hóa học và ngăn ngừa việc sử dụng lại nó”. “Chúng tôi dự kiến thành lập một mặt trận chung và cùng hành động chống lại việc vi phạm trắng trợn “vạch đỏ” mà thế giới bảo vệ đã gần một thế kỷ. Chúng ta cần phải có sự đáp trả có mục đích và hạn chế, nhưng đồng thời cũng không kém phần rõ ràng và hiệu quả”, ông Kerry nói.

Ông Kerry cũng nêu rõ, Mỹ vẫn giữ khả năng tấn công Syria trước khi trình báo cáo của các thanh sát viên LHQ.

Trong khi đó, ngày 8/9/2013, được biết Anh đã cấm máy bay chiến đấu Mỹ sử dụng các căn cứ của họ đã tấn công Syria, cũng như việc ngày 2/9, 2 tiêm kích Anh Typhoon đóng ở Síp đã xuất kích khẩn cấp sau khi trên không phận quốc tế xuất hiện các máy bay đang bay từ hướng Syria. Bộ Quốc phòng Anh cho biết, các máy bay đó không vi phạm không phận Síp và bay hoàn toàn hợp pháp nên Không quân Anh đã không đánh chặn các máy bay này.

Theo tờ Sunday Times, đây là lần đầu tiên Anh có lệnh cấm sử dụng căn cứ như vậy kể từ khi kết thúc Thế chiến II. Nằm trong phạm vi lệnh cấm có căn cứ không quân Anh Akrotiri ở đảo Síp và căn cứ không quân chiến lược Diego Garcia ở Ấn Độ Dương.

Hôm 8/9/2013, Thổ Nhĩ Kỳ cũng cho cất cánh theo lệnh báo động 6 chiếc F-16 về hướng biên giới Syria thực hiện chuyến bay trinh sát. Theo báo chí Thổ Nhĩ Kỳ, khi cần, chúng có quyền khai hỏa tiêu diệt đối phương. Các máy bay được trang bị đủ cơ số vũ khí.

Theo RIA Novosti, trong bối cảnh cuộc xâm lược của Mỹ chống Syria sắp xảy ra, Thổ đã tăng cường cá biện pháp an ninh trên biên giới với Syria. Họ đã điều tới đông nam nước này 15.000 lính bộ binh, gần 450 xe tăng và xe bọc thép, hơn 150 súng trọng liên. Tất cả các cơ quan chuyên môn, trong đó có Tổng cục An ninh, Cục Tình huống khẩn cấp và thiên tai, và Hội Trăng lưỡi liềm đỏ Thổ Nhĩ Kỳ, đã nhận được chỉ thị nâng cao trạng thái sẵn sàng.

Trong khi đó, trên báo chí tiếp tục có những giả thiết mới về thủ phạm và lý do sử dụng vũ khí hóa học vào ngày 21/8. Tờ báo Đức Bild am Sonntag viết rằng, các sĩ quan cao cấp quân đội Syria trong 4 tháng đã xin Tổng thống Bashar al-Assad cho sử dụng vũ khí hóa học chống phiến quân, nhưng luôn bị từ chối, có lẽ cuộc tấn công hóa học đã không phải do ông Assad cho phép.

Tờ báo cho hay, Cơ quan tình báo liên bang Đức BND đã chặn thu được thông tin này. Tàu trinh sát điện tử Oker của Hải quân Đức trong một thời gian dài đã có mặt Địa Trung Hải, cách không xa bờ biển Syria.

Theo Bild am Sonntag, BND cho rằng, ông Assad sẽ nắm quyền còn lâu, kể cả khi Mỹ tấn công Syria, cuộc nội chiến đẫm máu có thể kéo dài không chỉ một năm.

Ngoài ra, tờ báo còn dẫn lời Tổng tham mưu trưởng quân đội Đức Volker Wieker cho hay, “Quân đội Syria tự do” mà phương Tây tích cực ủng hộ và trước đây từng là lực lượng quân sự đối lập chính đang suy yếu, số binh sĩ quân đội Assad đào ngũ gia nhập vào hầu như đã chấm dứt.

Nguồn: VZ, 8.9.2013.

Print Print E-mail Print