Vietnamdefence.com

 

Trung Quốc hết cửa đòi Senkaku

VietnamDefence - Cuối cùng, Mỹ đã có quan điểm chính thức chống Trung Quốc trong tranh chấp lãnh thổ Trung-Nhật xung quanh Senkaku

Bà Hillary Clinton: Mỹ phản đối bất kỳ hành động
đơn phương nào có mục đích phá hoại sự quản lý
của Nhật Bản đối với Senkaku.
Mỹ đã lựa chọn lập trường về vấn đề quần đảo Senkaku (Trung Quốc gọi là Điếu Ngư) ở biển Hoa Đông mà Nhật Bản và Trung Quốc tuyên bố có chủ quyền.

“Chúng tôi phản đối bất kỳ hành động đơn phương nào có mục đích phá hoại sự quản lý của Nhật Bản (đối với các hòn đảo)”, ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton tuyên bố trong cuộc họp báo chung với ngoại trưởng Nhật Fumio Kishida ở Washington.

Trước đó, Mỹ tránh ủng hộ bất cứ bên nào trong cuộc tranh chấp lãnh thổ mà chỉ đưa ra các tuyên bố về việc ưu tiên giải quyết một cách hòa bình.

Bà Clinton nói: “Chúng tôi rất muốn Trung Quốc và Nhật Bản giải quyết vấn đề này một cách hòa bình thông qua đối thoại … Chúng tôi rất không muốn nhìn thấy những hành động nào đó của một bên nào đó sẽ dẫn tới sự gia tăng căng thẳng hay trở thành kết quả của những đánh giá sai lầm phá hoại hòa bình, an ninh và phát triển kinh tế trong khu vực”.

Ông Kishida thì khẳng định tầm quan trọng của mối quan hệ ổn định với Trung Quốc đối với Nhật, nhưng nhấn mạnh rằng, quần đảo Senkaku là lãnh thổ Nhật, Nhật “dự định phản ứng bình tĩnh (với những yêu sách của Trung Quốc) để không khiêu khích Trung Quốc”.

Phát ngôn viên bộ ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi trước đó lại tuyên bố mong muốn của Trung Quốc giải quyết vấn đề quần đảo tranh chấp với Nhật Bản thông qua đàm phán.

Tuy nhiên, Nhật thậm chí không thèm chuẩn bị cho đàm phán. Tuần trước, tại cuộc họp báo ở Tokyo, Thủ tướng Shinzo Abe tuyến bố: “Liên quan đến quần đảo Senkaku, tôi không thay đổi lập trường của mình về việc sẵn sàng cương quyết bảo vệ quần đảo và không gian biển lân cận quần đảo. Không thể có chuyện đàm phán về vấn đề này”.

Việc Nhật Bản từ chối đàm phán với Trung Quốc về Senkaku có nghĩa là Trung Quốc phải chuẩn bị cho chiến tranh, chuyên gia quân sự diều hâu Trung Quốc, tướng Lou Yuan tuyên bố. “Nếu như vấn đề đi đến chỗ đánh nhau, chúng ta không sợ, chúng ta chỉ cảnh cáo Nhật: đừng biến quan hệ Trung-Nhật có lợi cho hai nước thành quan hệ của những trận đánh đẫm máu trên chiến địa”.  

Ngày 24/10/2012, chính phủ Nhật đã xác nhận việc có đàm phán bí mật với Trung Quốc về quần đảo tranh chấp Senkaku. Gần đây, quan hệ Trung-Nhật căng thẳng vì tranh chấp này.

Trước đó, có tin, Nhật và Trung Quốc đã không thể đi đến ý kiến chung trong đàm phán về lãnh thổ tranh chấp ở biển Hoa Đông.

Trung Quốc tuyên bố dự định thiết lập sự kiểm soát thường xuyên đối với quần đảo tranh chấp bằng máy bay không người lái. Họ cũng nói rằng, việc Nhật mua lại các hòn đảo của Senkaku từ các chủ sở hữu tư nhân là trò hề đặt ra nghi vấn về tính hợp pháp của Tuyên bố Postdam.

Sau tuyên bố của bà Hillary Clinton về Senkaku, Trung Quốc đã cực kỳ tức tối và lên tiếng phản đối dữ dội.

VietnamDefence: Việc Shinzo Abe chọn giải pháp mạnh, cứng chọi cứng với Trung Quốc ở Senkaku và Mỹ chính thức tuyên bố đứng về phía Nhật Bản trong cuộc tranh chấp này đang đặt Trung Quốc vào tình thế cực kỳ khó xử, tiến thoái lưỡng nan. Một mặt, trước những hành động này của Nhật và Mỹ, họ rất khó hạ đài mà không mất thể diện với dân chúng và thế giới, mặt khác, nếu chọn giải pháp cứng rắn thì cụ thể là gì, mức độ nào, chiến tranh ư? Chiến tranh thì không thể thắng vì phải bước qua "xác Mỹ", nhiệm vụ đánh chiếm Senkaku trở thành bất khả thi. Phải chăng Trung Quốc đã quá lố và sai lầm với cách hành xử quá ngạo mạn và cứng rắn với Nhật Bản? Phải chăng giải pháp cứng rắn của Nhật Bản là đúng đắn?

Cần lưu ý là Nhật Bản đang bắn tiếng về giải pháp mềm dẻo win-win với Nga trong vấn đề các đảo Nam Kurils, theo đó Nhật yêu cầu Nga trả lại một số đảo cho Nhật và được quyền giữ lại đảo lớn nhất. 

Hãy xem Trung Quốc sẽ làm gì với khúc xương khó gặm Senkaku. Không chừng giận cá chém thớt, Trung Quốc lại sinh sự ở Biển Đông.

Nguồn: Interfax, Newsru, 19, 20.1.2013.

Print Print E-mail Print