Vietnamdefence.com

 

Nhật phát triển tiêm kích tàng hình mới

VietnamDefence - Bộ Quốc phòng Nhật Bản dự định trong 5 năm tới khởi động dự án tiêm kích mới F-3.

Lắp ráp mẫu chế thử ATD-X Shinshin (Bradley Perrett, Aviation Week)

F-3 dự kiến được sản xuất loạt từ năm 2027 và sẽ có tính năng mạnh hơn các tiêm kích thế hệ 5 F-22 Raptor và F-35 Lightning II của Mỹ.

Điểm tựa chính của dự án là phát triển công nghệ tàng hình và động cơ mạnh.

Hiện nay, công ty Mitsubishi Heavy Industries (Nhật) đang nghiên cứu chế tạo mẫu trình diễn công nghệ của tiêm kích thế hệ 5 ATD-X Shinshin mà chuyến bay đầu tiên dự kiến thực hiện vào năm 2014. Không loại trừ khả năng nhiều kết quả của dự án ATD-X sẽ được ứng dụng để chế tạo F-3.

Theo kế hoạch của Bộ Quốc phòng Nhật Bản, F-3 sẽ đần thay thế các tiêm kích lạc hậu F-2 (chế tạo dựa trên F-16 Fighting Falcon của Mỹ) và F-15J/DJ Eagle. Chúng sẽ được sử dụng cùng với F-35 mà Nhật mua sắm.

Công tác thiết kế-thử nghiệm F-3 Nhật dự định bắt đầu vào năm 2016-2017, mẫu chế thử đầu tiên dự kiến cất cánh vào năm 2024-2025.

Dự đoán, Nhật Bản sẽ không chế tạo biến thể không người lái của F-3 mà chỉ có loại có người lái. Theo thông tin ban đầu, Bộ Quốc phòng Nhật Bản dự định mua sắm không dưới 200 F-3; sau năm 2030, các máy bay này sẽ được tăng cường bằng 45 chiếc F-35 mua của Mỹ.

Không loại trừ, việc xây dựng các yêu cầu cho máy bay mới sẽ được thực hiện cùng với Không quân Mỹ vốn cũng đang dự định chế tạo loại máy bay thay thế F-35 trong dự án F-X, và Hải quân Mỹ vốn đang thực hiện dự án F/A-XX.

Viện Nghiên cứu và phát triển kỹ thuật TRDI thuộc Bộ Quốc phòng Nhật Bản bắt đầu công tác nghiên cứu sơ bộ trong khuôn khổ dự án F-3 vào năm 2010. Nhật Bản sẽ đề xuất mời chào với Mỹ hàng loạt công nghệ. 

Việc phát triển động cơ cho F-3 do hãng IHI (Nhật Bản) phụ trách. Hãng này dự định chế tạo động cơ có lực đẩy 15.000 kgf. Động cơ F135 của F-35 có lực đẩy 12.700 kgf và 19.500 kgf ở chế độ tăng lực.

Động cơ của Nhật sẽ sử dụng các bộ hút khí dạng răng cưa nhằm giảm độ bộc lộ của máy bay, sơ đồ thiết kế sẽ giống với động cơ F119 của F-22. 

Ngoài ra, nhiều khả năng Nhật Bản sẽ phát triển tiêm kích hạng nặng hai động cơ. Trọng lượng cất cánh tối đa của tiêm kích hai động cơ F-15J mà F-3 sẽ thay thế là 30,8 tấn. Mỗi động cơ của F-15J có lực đẩy 7.900 kgf và 11.300 kgf ở chế độ tăng lực.

Theo Aviation Week, con số 15.000 kgf của động cơ F-3 chính là chỉ số lực đẩy ở chế độ tăng lực. 

Đồng thời, TRDI cũng đang nghiên cứu chế tạo một loại lớp phủ hấp thụ radar cho F-3 dùng để che lưới các anten; chúng sẽ theo dõi cường độ bức xạ của các radar máy bay chiến đấu đối phương. Các anten này sẽ là bộ phận của hệ thống đối kháng điện tử tiên tiến. Bộ Quốc phòng Nhật Bản đã xin chính phủ 1,6 tỷ yên (gần 20 triệu USD) trong giai đoạn 2013-2016 cho nghiên cứu trong lĩnh vực này.

Bộ Quốc phòng Nhật không nói rõ F-3 sẽ là máy bay tiêm kích thế hệ nào. Mùa thu năm 2011, Jane's cho hay, Nhật Bản đã bắt đầu phát triển tiêm kích thế hệ 6.

Bộ Quốc phòng và Không quân Mỹ đã tiến hành xây dựng các yêu cầu đối với tiêm kích thế hệ 6 từ đầu năm 2011. Dự đoán máy bay tương lai của Mỹ (Nhật có thể tham gia dự án này) sẽ là máy bay 2 chế độ có và không có người lái và có khả năng bay siêu vượt âm. 

Nhật bắt đầu lắp ráp mẫu chế thử tiêm kích thế hệ 5 Shinshin đầu tiên của họ vào tháng 3/2011. Shinshin sẽ ứng dụng một số công nghệ tàng hình, trong đó có hình dáng tán xạ, vật liệu hấp thụ và radar và composite. Máy bay sẽ được trang bị radar đa chế độ anten mạng phả chủ động, hệ thống điều khiển từ xa sợi quang đa trùng, hệ thống tác chiến điện tử và đối kháng điện tử và hệ thống trao đổi dữ liệu tiêu chuẩn. Shinshin sẽ được lắp các động cơ vector điều khiển mọi góc độ.

TRDI cũng dự định sử dụng cho Shinshin công nghệ tự phục hồi điều khiển bay SRFCC (Self Repairing Flight Control Capability). Bản chất của công nghệ này là máy tính trên khoang sẽ có thể xác định các hư hỏng gặp phải của các chi tiết khí động thuộc cấu trúc máy bay và điều chỉnh hoạt động của các chi tiết còn nguyên vẹn sao cho phục hồi toàn bộ khả năng điều khiển máy bay.

Nguồn: Aviation Week, 22.10, Lenta, 23.10.2012.

Print Print E-mail Print