Vietnamdefence.com

 

Nhật chuẩn bị thử tiêm kích tàng hình ATD-X

VietnamDefence - Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Itsunori Onodera đã xác nhận kế hoạch tiến hành chuyến bay đầu tiên của mẫu trình diễn công nghệ tiêm kích thế hệ 5 ATD-X (Advanced Technology Demonstrator-X) trước cuối năm 2014.

forums.eagle.ru
Tiêm kích ATD-X dùng để thay thế F-2 do hãng Mitsubishi phát triển.

Ông Onodera mới đây đã thăm nhà máy của hãng Mitsubishi Heavy Industries (MHI) ở Komaki Minami, nơi lắp ráp mẫu chế thử ATD-X.

Ngày 10/4, khi phát biểu tại Ủy ban Đối ngoại và quốc phòng Thượng viện Nhật, ông Onodera đã cho biết, việc bay thử ATD-X dự kiến bắt đầu trong năm 2014.

Vào năm 2015, máy bay sẽ được chuyển giao cho Không quân Phòng vệ Nhật và Viện Nghiên cứu kỹ thuật TRDI (Technical Research and Development Institute) của Bộ Quốc phòng để thử nghiệm. Dự kiến, dự án sẽ hoàn tất vào cuối tháng 3/2017.

Dự án ATD-X Shinshin do TRDI xây dựng, còn MHI là nhà thầu chính của dự án. Mẫu chế thử ATD-X do MHI chế tạo theo hợp đồng với Bộ Quốc phòng Nhật Bản và sẽ được dùng để trình diễn trong quá trình bay thử các công nghệ tiên tiến, trong đó có các công nghệ tàng hình, cơ động cao, nắm bắt tình huống dự kiến sử dụng để chế tạo các tiêm kích thế hệ mới tương lai của Nhật.

MHI bắt đầu thực hiện dự án chế tạo mẫu chế thử ATD-X vào năm 2009 để đáp lại việc các nước láng giềng tiến hành phát triển tiêm kích thế hệ mới. Mẫu chế thử dùng để trình diễn trong quá trình bay thử công nghệ tàng hình và các giải pháp kỹ thuật khác cho phép máy bay đạt tốc độ và sức cơ động cao. Nó cũng cho phép phòng không Nhật nghiên cứu các phương pháp đối phó các loại tiêm kích tàng hình có thể được triển khai trong khu vực trong tương lai.

Thân, cánh và buồng lái máy bay do MHI, Fuji Heavy Industries, Kawasaki Heavy Industries thiết kế và cung cấp. Hai động cơ XF5-1 sẽ do  công ty Ishikawajima-Harima Heavy Industries cung cấp.

Ban đầu, MHI đã định xuất xưởng ATD-X trong tháng 5/2014, nhưng hiện nay tiến độ bị lùi lại vài tháng.

Theo ông Onodera, sau khi đánh giá trình độ các công nghệ hiện có và chi phí, Bộ Quốc phòng Nhật vào tài khóa 2018 sẽ quyết định tự lực sản xuất tiêm kích tàng hình tương lai hoặc hợp tác phát triển trong khuôn khổ một chương trình quốc tế.

Kế hoạch của Nhật phát triển tiêm kích F-3 trên cơ sở ADT-X có thể vấp phải sự cản trở của Mỹ vốn trước đó đã phong tỏa các nỗ lực phát triển tiêm kích nội địa của Tokyo. Trong thập kỷ 1980, chương trình tiêm kích FSX đã bị Washington phong tỏa bằng cách gây áp lực với Tokyo với cớ sự phát triển của công nghiệp hàng không Nhật có thể gây tổn hại cho công nghiệp hàng không Mỹ. Áp lực này cuối cùng đã dẫn đến việc hợp tác phát triển F-2 trên cơ sở F-16C của Mỹ.

Theo các quan chức Nhật, việc Trung Quốc và Nga phát triển các tiêm kích thế hệ 5 J-20 và T-50 làm cho chương trình chế tạo tiêm kích tàng hình trở nên quan trọng sống còn đối với hệ thống bảo đảm phòng không quốc gia Nhật.

Theo tuyên bố vào tháng 11/2011 của lãnh đạo bộ phận phát triển các hệ thống hàng không trong TRDI, Trung tướng Hideyuki Yoshioka, 28 radar hiện có của Nhật có khả năng phát hiện hiệu quả tiêm kích thế hệ 3 và 4 ở cự ly xa, nhưng khả năng của chúng phát hiện tiêm kích thế hệ 5 dự báo là khó.

Bộ Quốc phòng Nhật trong tài khóa 2014 đã chi 2,7 tỷ yên (26,5 triệu USD) cho việc nghiên cứu trong lĩnh vực radar và các hệ thống điều khiển hỏa lực, cho phép phát hiện, bám và tiêu diệt máy bay tàng hình.

Nguồn: JDW, Armstrade, 16.4.2014.

Print Print E-mail Print