Vietnamdefence.com

 

Nghi hoặc xung quanh tên lửa đường đạn Trung Quốc JL-2

VietnamDefence - Trung Quốc thử tên lửa đường đạn hải quân mới.

Theo các nguồn tin khác nhau, trong thời kỳ nghỉ lễ năm mới, Trung Quốc đã phóng thử thành công tên lửa đường đạn trang bị cho tàu ngầm (SLBM) JL-2.

Không ai biết chính xác kết quả thử nghiệm và số lượng tên lửa được phóng. Đây là điều khá lạ bởi lẽ SLBM chẳng phải là cái kim và các vụ phóng tên lửa như vậy bị theo dõi sát sao.

Báo chí chính thức của Trung Quốc cũng im lặng. Giới quân sự Mỹ và Nga cũng chẳng nói gì. Moskva vẫn thường không bình luận các vụ thử tên lửa của nước khác, trừ của Mỹ. Còn giới quân sự Mỹ thường thích đăng tải những thông tin đó. Từ các nguồn tin chính thức chỉ có thể nói đến các đại diện Bộ Quốc phòng Đài Loan vì họ đã thông báo về “một số vụ phóng tên lửa”.

Tuy nhiên một tờ báo nhà nước tiếng Anh của Trung Quốc có đăng tin nói rằng, một ngư dân Trung Quốc đã câu được một mảnh nào đó giống như một chi tiết của tên lửa. Có lẽ đó chính là JL-2. Tính năng của tên lửa này được đăng tải ở các nguồn khác nhau cũng rất khác nhau.

Lý do là ở chỗ những bài ca tụng về khả năng JL-2 đã lên tới tận mây xanh. Chuyện tâng bốc đó lên đến mức như tiếu lâm: tên lửa 23 tấn, có khả năng mang 10 đầu đạn cỡ 250 kT đi xa 14.000 km.

Các tên lửa cùng loại của cả Nga và Mỹ nặng khoảng gấp đôi, mang được ít đầu đạn hơn với tầm bắn gần hơn. Còn SLBM mới của Pháp М51 bay xa 6.000-8.000 km, mang 6 đầu đạn cỡ 150 kT, khi trọng lượng tên lửa là 51 tấn.

Trung Quốc tụt hậu rất xa về nhiên liệu rắn so với Nga, Mỹ và thậm chí cả Pháp. Vì thế, đánh giá phù hợp nhất là: JL-2 là tên lửa 2 tầng nặng hơn 40 tấn, tầm bắn khoảng 6.000 km, mang 1 đầu đạn 250 kT hoặc 3 đầu đạn cỡ 40-60 kT.

JL-2 cũng là một tên lửa khó sinh. So với các khó khăn của chương trình JL-2 thì những sự cố của SLBM Bulava của Nga chỉ là trò trẻ. Các vụ phóng thử JL-2 đầu tiên diễn ra từ năm 1999. Sau đó, cứ cách 1-2 năm lại diễn ra các lần phóng một quả và phóng loạt, nhưng rõ ràng là không thật thành công vì có không ít thông tin về các sự cố. Đôi khi, tên lửa này không được thử nghiệm trong mấy năm liền vì thiết kế tên lửa phải sửa đổi lớn.

Trong thời gian đó, Trung Quốc đã đóng 2 tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đường đạn lớp Hạ, mỗi tàu mang được 12 JL-2, và tiếp tục đóng lô tàu này gồm 5-6 chiếc. Các tàu ngầm này đã kịp phục vụ mấy năm mà chẳng có tên lửa.

Nếu như lần này, các vụ phóng thử là thành công thì có thể JL-2 cuối cùng cũng sẽ được hoàn thiện để đưa vào trang bị. Trong trường hợp đó, Trung Quốc sẽ có được một hệ thống tàu ngầm-tên lửa hạt nhân có khả năng thực hiện tuần tra chiến đấu và đánh đòn trả đũa hạt nhân. Hiện thời, Trung Quốc hầu như không có cơ hội đó.
  • Nguồn: AN, N2(294).

Print Print E-mail Print