Vietnamdefence.com

 

Nga sẽ đóng chiến hạm khủng nhất thời hậu Liên Xô.

VietnamDefence - Bộ Tư lệnh Hải quân Nga đã thông qua thiết kế tiền phác thảo của siêu khu trục hạm viễn dương tương lai và sẽ là chiến hạm lớn nhất được thiết kế ở Nga trong 24 năm qua, kể từ năm 1989.

Tàu tuần dương tên lửa Varyag (defenseimagery.mil)
Thiết kế khu trục hạm mới do Viện thiết kế Severnoie ở St. Petersburg đệ trình.

Các công trình sư sẽ phải bảo vệ thiết kế con tàu, sau đó trong 2-3 năm phải xây dựng bộ hồ sơ kỹ thuật, nghiên cứu ngoại hình và vũ khí trang bị của khu trục hạm.


Tàu chiến lớn cuối cùng mà Liên Xô đóng là vào năm 1989 khi hạ thủy tàu tuần dương hạt nhân hạng nặng Piotr Đại đế. Năm 1998, tàu này trở thành kỳ hạm của Hải quân Nga và chiến hạm lớn nhất thế giới (trừ tàu sân bay). Chắc chắn, siêu khu trục hạm sẽ được đóng tại hãng Severnaya verf ở St. Petersburg, nhưng quyết định cuối cùng chưa được Bộ Tư lệnh Hải quân Nga đưa ra.

Theo thông tin sơ bộ, khu trục hạm tương lai sẽ có lượng giãn nước gần 12.000 tấn, tương đương với các tàu tuần dương tên lửa Projekt 1164 Atlant (gồm các tàu Varyag, Moskva và Nguyên soái Ustinov thuộc biên chế các hạm đội Thái Bình Dương, Biển Đen và Biển Bắc).

Một đại diện của công nghiệp quốc phòng Nga nói rằng, tàu khu trục mới sẽ là chiến hạm lớn nhất được thiết kế và đóng từ thời Liên Xô. Chiến hạm mới sẽ là tàu vạn năng: nó sẽ được trang bị các loại vũ khí tên lửa, chống ngầm, phòng không và chống tên lửa và sẽ có thể chi viện lục quân tại các vùng duyên hải.

“Tàu khu trục dự đoán có lượng giãn nước bằng hay nhỏ hơn một chút các tàu tuần dương lớp Projekt 1164 Moskva. Tức đâu đó trong khoảng 12.000 tấn. Đây là tàu vạn năng với các chức năng tấn công, chống ngầm, phòng không và thậm chí phòng thủ tên lửa. Nó cũng sẽ có thể chi viện hỏa lực cho bộ đội mặt đất tại các vùng duyên hải”, nguồn tin này cho biết.

Ví dụ, khu trục hạm mới sẽ được lắp các tên lửa chống hạm, tên lửa hành trình tấn công mặt đất và biến thể trên hạm của hệ thống phòng không/phòng thủ tên lửa tương lai S-500 Prometei. Ngoài ra, tàu sẽ được trang bị một trạm thủy âm mạnh và các ống phóng lôi. Nhiệm vụ chính của khu trục hạm mới ở giai đoạn đầu sẽ là hộ tống các tàu sân bay trực thăng Mistral, còn ở giai đoạn hai là hộ tổng các tàu sân bay tương lai của Nga.

Hiện còn khá khó tưởng tượng một khu trục hạm lớn với kích thước bằng tàu tuần dương Moskva - kỳ hạm của Hạm đội Biển Đen và vượt trội các tàu tuần dương tên lửa lớp Ticonderoga của Mỹ. Toàn bộ tàu tuần dương của Hải quân Mỹ thuộc lớp này.

Hạm đội Liên Xô/Nga từng có tàu khu trục duy nhất lớp Projekt 956 Sovremenny. Với lượng giãn nước 8.000 tấn, nó chỉ được trang bị các tên lửa chống hạm Moskit và các hệ thống phòng không, nhưng không có các phương tiện chống ngầm. Tàu này đòi hỏi rất cao về bảo dưỡng hệ thống động lực, nhất là chất lượng nước nồi hơi. Bởi vậy, từ năm 1990, trong loạt 17 tàu, chỉ còn 9 tàu trong biên chế, số còn lại bị giải nhiệm và cắt bỏ.

“Hải quân chúng ta quá cần tàu khu trục, còn lượng giãn nước không có hề gì. Tàu khu trục cơ bản của Mỹ lớp Arleigh Burke cũng đâu có nhỏ - 9.648 tấn, mang các tên lửa hành trình Tomahawk và tên lửa chống hạm Harpoon. Tất cả 62 tàu khu trục này đều có hệ thống phòng không cực mạnh với hệ thống Aegis”, nguồn tin trong công nghiệp quốc phòng Nga bình luận.

Theo nguồn tin này, sở dĩ tàu có kích thước lớn là vì nhiệm vụ bảo đảm độ vững chắc chiến đấu cho các cụm tàu ở các khu vực đại dương xa xôi và hoạt động của thủy quân lục chiến trong các chiến dịch viễn chinh. Khác với Mỹ, Nga không có các căn cứ trên toàn thế giới, khả năng bổ sung vật tư hậu cần bị hạn chế nên cần “mang tất cả theo mình”.

Tháng 6/2012, ông Roman Trotsenko, Tổng giám đốc khi đó của Tổng công ty Đóng tàu thống nhất OSK, đã nói rằng, vào năm 2016, sẽ khởi đóng khu trục hạm đầu tiên có trang bị các hệ thống phòng thủ chống tên lửa và vũ trụ. Theo ông Trotsenko, tại các hãng đóng tàu Severnaya verf và Nhà máy Baltiyisk hiện dự định đóng loạt 6 tàu mà việc thiết kế đang được tiến hành. Dự đoán, các siêu khu trục hạm mới sẽ sử dụng động cơ hạt nhân.

Nguồn: Lenta, VZ, 13.2.2013.

Print Print E-mail Print