VietnamDefence -
Chính quyền Barack Obama mới đây đã thông báo cho Quốc hội Mỹ về việc dự định nới lỏng việc kiểm soát xuất khẩu một số loại vũ khí trang bị, cụ thể là trực thăng UH-60 Black Hawk, máy bay vận tải C-130 và thậm chỉ cả tiêm kích F-16.
|
S-70 của quân đội Trung Quốc
|
Những thay đối sắp tới trong xuất khẩu sản phẩm quân dụng khiến Đồi Capitol (Quốc hội Mỹ) lo ngại rằng, vũ khí Mỹ có thể lọt vào tay các quốc gia “cứng đầu” từ một số nước đồng minh đã mua chúng trước đó. Việc kiểm soát kém ngặt nghèo hơn có thể dẫn đến những hậu quả tiêu cực.
Chính quyền Obama đã bắt đầu cải cách trong lĩnh vực nới lỏng xuất khẩu một số loại sản phẩm quân sự vào tháng 8.2011.
Trong khuôn khổ cải cách, đạn dược và sản phẩm lưỡng dùng đã được hợp nhát vào danh sách chung với cơ chế kiểm soát 3 cấp.
Sắp tới, đại diện chính quyền Obama sẽ trình bày báo cáo tại Quốc hội Mỹ về việc thay đổi những quy định xuất khẩu xe tăng và xe chiến đấu bọc thép, cũng như sẽ công bố danh sách các máy bay quân sự sẽ được gỡ bỏ chế độ kiểm soát ngặt nghèo. Tuy nhiên, đa số các loại sản phẩm lọt vào danh sách “nới lỏng” không có ý nghĩa quân sự. “Các hệ thống vũ khí tích cực như trực thăng chiến đấu và máy bay tiêm kích vẫn sẽ nằm trong các danh sách trang bị quân sự bị kiểm soát ngặt nghèo”, thông báo cho biết.
Tuy nhiên, một số chuyên gia thêm lo ngại là quân đội Trung Quốc có thể hưởng lợi từ việc nới lỏng kiểm soát xuất khẩu vũ khí Mỹ. Trong nhiều năm, Trung Quốc đã yêu cầu Mỹ bán phụ tùng cho các trực thăng S-70 mà họ mua từ trước sự kiện đàn áp sinh viên biểu tình trên quảng trường Thiên An Môn năm 1989. Trực thăng này được chế tạo trong thập niên 1970, là biến thể thương mại của UH-60 Black Hawk.
“Quân đội Trung Quốc thường than phiền là họ cần các trực thăng này để hoạt động cứu trợ nhân đạo cho dân chúng”, cựu tùy viên quân sự Mỹ ở Bắc Kinh Larry Wortzel nói. Song ông này cũng nói rằng, quân đội Trung Quốc đã sử dụng các trực thăng này để đàn áp các cuộc biểu tình, phản đối của dân chúng ở Tây Tạng và chống người Uighur ở Tân Cương, điều khơi lên những câu hỏi nghiêm túc về tôn trọng nhân quyền ở Trung Quốc.
Wortzel còn nói rằng, trong khi tập trận ở đảo Dushan vào cuối năm 1990, quân đội Trung Quốc đã sử dụng trực thăng Black Hawk để không vận các khẩu pháo 130 mm để mô phỏng một cuộc tập kích hỏa lực pháo binh vào Đài Loan.
|
Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo (bìa phải) cùng với các đại diện của Eurocopter, trên tay cầm một mô hình trực thăng ES175 (Trung Quốc đặt tên là Z-15) |
Chuyên gia quân sự về Trung Quốc Rick Fisher nói rằng, chính quyền Obama sai lầm khi thực hiện việc nới lỏng bán trực thăng Black Hawk.
“Thay vì cân nhắc cung cấp hay không cho Trung Quốc phụ tùng cho trực thăng S-70, và máy bay vận tải С-130, Mỹ cần phải có nhiều nỗ lực hơn để gây áp lực đối với Eurocopter của châu Âu, công ty đang bán các công nghệ trực thăng tối tân nhất cho quân đội Trung Quốc (trên ảnh là ).
Ông Fisher cũng nói rằng, các bản sao S-70 và ô tô quân sự Humvee sẽ cho phép Trung Quốc nâng cao khả năng của các lực lượng đặc biệt, và về mặt này, Trung Quốc đang làm cân bằng trình độ trang bị của lực lượng đặc biệt của họ với các đơn vị của Đài Loan, vốn cũng có trong trang bị trực thăng S-70 và ô tô Hammer.
Hiện nay, quân đội Trung Quốc có gần 20 trực thăng vận tải S-70 (ảnh trên) do công ty Mỹ Sikorsky sản xuất mà trong quân đội Mỹ được biết đến với tên gọi UH-60 Black Hawk. Vào giữa thập niên 1980, Trung Quốc đã mua tổng cộng 24 trực thăng này và một hợp đồng bổ sung hơn 100 chiếc. Nhưng hợp đồng bán lô trực thăng bổ sung đã bị hủy bỏ sau sự kiện Thiên An Môn năm 1989.
Chiếc S-70 đầu tiên được Mỹ bàn giao năm 1985 và được đưa vào trang bị của Không quân Trung Quốc, năm 1987, các trực thăng này được chuyển sang biên chế lực lượng không quân lục quân Trung Quốc.
Ít nhất đã có 3 trực thăng loại này bị mất trong các vụ tai nạn. Hiện nay, dự trữ làm việc của các trực thăng này cũng sắp hết và chúng có thể sẽ được thay thế bằng trực thăng Nga Mi-17V5.
- Nguồn: washingtontimes.com, sinodefence.com, MP, 16.10.11.