Vietnamdefence.com

 

Hệ thống tên lửa bờ biển Bastion có thêm tuyệt chiêu tấn công mặt đất

VietnamDefence - Hải quân Nga yêu cầu thay đổi chức năng của hệ thống tên lửa bờ biển tối tân Bastion.

Hệ thống tên lửa bờ biển siêu âm tối tân K-300P Bastion-P trong trang bị của Quân đội Việt Nam
Bộ Tư lệnh Hải quân Nga đã soạn thảo một báo cáo gửi Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu với yêu cầu triển khai đại đội tên lửa chiến dịch-chiến thuật tối tân Bastion thứ tư ở hướng nam, tại khu vực Anapa.

Phương án đưa các hệ thống Bastion đi bảo vệ quần đảo Kuril được đề xuất trước đó hiện không được xem xét nữa, nguồn tin tại Bộ Tư lệnh Hải quân Nga cho hay.

- Khác với 3 đại đội đã có trong trang bị của Hạm đội Biển Đen, các hệ thống Bastion mới sẽ có thêm các block trong hệ thống điều khiển để tên lửa có thể tiêu diệt các mục tiêu cỡ nhỏ trên đất liền.

Do đó, độ chính xác dẫn tên lửa sẽ không được tính bằng hàng trăm mét như hiện nay mà là vài mét.

Đây đã không còn là hệ thống tên lửa chống hạm, mà là hệ thống tên lửa mặt đất chính xác cao, nguồn tin nói.

Sở dĩ Hải quân Nga đưa ra đề xuất trên là do theo các kế hoạch của Bộ Quốc phòng Nga, Liên hiệp NPO Mashinostroenia sẽ bắt đầu công việc vào mùa xuân và vào cuối năm 2013, đại đội gồm 4 bệ phóng sẽ hoàn toàn sẵn sàng và sẽ được đưa vào trang bị vào đầu năm sau.

Bastion có các tính năng chiến-kỹ thuật đặc biệt nên nó là một yếu tố chính trị.

- Tên lửa tiêu chuẩn Oniks (Yakhont) của hệ thống này - đó cũng chính là tên lửa chống hạm Nga-Ấn BrahMos, chỉ có điều nó có thể bắn mục tiêu mặt đất. Bastion có khả năng bao trùm miền đông Thổ Nhĩ Kỳ và toàn bộ Gruzia, nguồn tin tại Bộ Quốc phòng Nga chia xẻ.

Tên lửa bay với tốc độ trung bình 2-2,5M, tức là 2.000-3.000 km/h. Tầm hoạt động của biến thể tên lửa chống hạm khi bay ở độ cao thay đổi (còn gọi là biên dạng bay hỗn hợp) là đến 300 km, còn biến thể tấn công mặt đất thì lớn hơn gấp mấy lần. Tên lửa có khả năng hạ xuống độ cao 5-10 m để đột phá phòng không địch, được trang bị đầu tự dẫn radar có khả năng nhận dạng các mục tiêu rất nhỏ cỡ vài mét.

Ở giai đoạn tăng tốc, tên lửa bay theo quỹ đạo đường đạn, sau đó nhận dạng mục tiêu bằng radar, hạ đột ngột độ cao xuống sát mặt đất và tự dẫn bằng hệ thống quán tính để không lọt vào tầm hỏa lực địch.

Trong biên chế của Lữ đoàn pháo-tên lửa bờ biển độc lập số 11, toàn bộ 12 bệ phóng Bastion hiện có được trang bị cho Tiểu đoàn tên lửa độc lập số 25 đóng tại làng Utash, gần Anapa. Các bệ phóng này được trang bị các tên lửa chống hạm.

Theo thông tin không chính thức từ Bộ Quốc phòng Nga, đề xuất tăng cường Tiểu đoàn tên lửa 25 bằng một đại đội Bastion mới và có thể được trang bị các tên lửa tấn công mặt đất được đưa ra một phần là do mùa thu và mùa đông vừa qua, Thổ Nhĩ Kỳ đã nhận được các hệ thống tên lửa phòng không Patriot của Mỹ vì cuộc nội chiến ở Syria.

Rõ ràng là giới quân sự Thổ Nhĩ Kỳ và Nga đã nhìn nhận các hệ thống tên lửa này (Bastion và Patriot) trong bối cảnh các mối đe dọa tiềm tàng đối với nhau. Giới quân sự Nga nói rằng, mặc dù Patriot là vũ khí phòng thủ và không đe dọa trực tiếp an ninh Nga ở biên giới phía nam, “Nga với tư cách một đại cường phải phản ứng với những thay đổi cán cân trong khu vực” và trong bất kỳ trường hợp nào, hướng chiến lược phía nam cũng đòi hỏi các lực lượng bảo vệ lớn.

Để tạo tăng cường cho khu vực Biển Đen, quân đội Nga đã để lại kế hoạch trang bị các hệ thống tên lửa bờ biển Bastion cho quần đảo Kuril vốn dự kiến từ năm 2010 cho tương lai. Hồi đó, do chuyến thăm lần đầu tiên trong lịch sử tới quần đảo ở Viễn Đông này của Tổng thống Nga, đã nổ ra một cuộc khủng hoảng ngoại giao Nga-Nhật, hơn nữa, các nguồn tin quân sự thậm chí nhắc đến khả năng nổ ra xung đột vũ trang.

- Tại Bộ Tư lệnh Quân khu miền Đông, tất cả đều đã tin rằng, cuộc xâm lăng là không tránh khỏi, mà lực lượng và phương tiện đánh trả lại không có. Ván bài của giới quân sự Nhật đã bị xáo trộn bởi đại địa chấn và sóng thần ở miền đông Nhật Bản vào tháng 3/2011, một nguồn tin ở Bộ Tư lệnh Quân khu miền Đông đoan chắc.

Chủ tịch Viện Đánh giá chiến lược và phân tích (ISOA, Nga) Aleksandr Konovalov cho rằng, nguy cơ ở vùng Biển Đen nếu như vẫn xảy ra thì cũng không quá nghiêm trọng.

- Các sự kiện ở Syria tất nhiên không củng cố ổn định khu vực, nhưng hướng Thái Bình Dương với tôi là rắc rối nhất. Hạm đội Nhật ở giai đoạn hiện nay không định hướng vào việc xâm lược chống chúng ta, nhưng nó rất hiệu quả, có những truyền thống lâu dài. Trung tâm hoạt động chính trị toàn cầu không ngừng dịch chuyển từ khu vực châu Âu sang châu Á-Thái Bình Dương, vì thế, phía đông của nước Nga cần có sự phòng thủ vững chắc, ông Konovalov nói.

Còn Giám đốc Trung tâm Dự báo quân sự (TsVP, Nga) Anatoly Tsyganok lại nói hướng nam quan trọng hơn.

- Nga đồng ý ủng hộ ban lãnh đạo Syria và duy trì căn cứ ở Tartus. Cận Đông có thể tạm gọi là “hôm nay” của chúng ta, còn Viễn Đông là “ngày mai”. Ở Kuril hiện không có hạ tầng,c ác phương tiện vật chất, các đường ngầm và nhiều thứ khác cần cho các hệ thống Bastion, ông Tsyganok nói.

Việc Nga chuyển giao cho Syria 2 đại đội Bastion vào năm 2010-2011 đã gây ra một vụ scandal quốc tế và hàng loạt tranh cãi ngoại giao giữa Moskva, Washington, Tel Aviv và Ankara.


Nguồn: izvestia, 4.2.2013.

Print Print E-mail Print