Vietnamdefence.com

 

F-35 trúng quả lớn ở Thổ Nhĩ Kỳ và Ausrtralia

VietnamDefence - Sau một năm đăm chiêu, Thổ Nhĩ Kỳ cuối cũng đã quyết định mua tiêm kích đa năng thế hệ 5 F-35 Lightning II của hãng Lockheed Martin, Mỹ.

F-35 (Daniel Hughes / Reuters)
Dự kiến, 2 chiếc F-35 đầu tiên sẽ được trang bị cho Không quân Thổ Nhĩ Kỳ vào năm 2018.

Theo hợp đồng, Ankara sẽ mua 100 F-35 tổng trị giá 16 tỷ USD. Quyết định bắt đầu mua F-35 từng được dự kiến thông qua vào tháng 1/2013, nhưng việc đàm phán đã bị đình hoãn vì lý do tài chính, cũng như do không thỏa mãn với một số tính năng kỹ thuật của máy bay.

F-35 sẽ thay thế các tiêm kích thế hệ 4 F-16 hiện có của Thổ Nhĩ Kỳ tuy đã được nâng cấp, nhưng bị coi là đã lạc hậu.

Tháng 4/2014, Bộ Quốc phòng Australia cũng đã thông báo ý định đặt hàng mua thêm 58 chiếc F-35A Lightning II. Máy bay đầu tiên sẽ được chuyển giao vào năm 2018, còn biên đội F-35A sẵn sàng chiến đấu đầu tiên trong Không quân Australia sẽ được thành lập vào năm 2020.

Theo đánh giá sơ bộ, việc mua thêm 58 F-35A sẽ khiến Australia tốn 12,4 tỷ AUD (11,5 tỷ USD). Trước đó, Bộ Quốc phòng Australia đã mua 14 F-35A. Nếu tính cả hợp đồng mới, tổng số F-35A mà Australia mua sắm sẽ là 72 chiếc, đủ để thay thế toàn bộ các tiêm kích F/A-18A/B Hornet trong không quân Australia.

Trước đó, Không quân Australia cho biết, nhu cầu của họ là 100 chiếc F-35A.

Trong khi đó, chính phủ Italia đã thông báo ý định giảm số F-35 dự kiến mua sắm từ 90 xuống còn 45 chiếc. Quyết định cuối cùng về việc cắt giảm mua sắm chưa được thông qua. Ban đầu, Bộ Quốc phòng Italia dự định mua của Lockheed Martin 131 chiếc F-35, nhưng vào năm 2012, chính phủ nước này đã cắt giảm 41 chiếc vì thiếu ngân sách. Hiện nay, Mỹ mới nhận được đơn đặt hàng mua 6 F-35 của Italia.

Tiêm kích đa năng F-35 Lightning II được thiết kế theo công nghệ tàng hình và có thể mang vũ khí hạt nhân, do Lockheed Martin đang sản xuất theo dự án JSF. F-35 được lựa chọn vào năm 2001 trong cuộc đấu thầu có sự tham gia của Boeing (mẫu X-32) và Lockheed Martin (mẫu X-35). Theo chương trình này, dự kiến chế tạo một mẫu tiêm kích chung cho Không quân, Hải quân và Thủy quân lục chiến Mỹ với khả năng cất cánh thẳng đứng/đường băng ngắn, hạ cánh thẳng đứng.

Thổ Nhĩ Kỳ cùng với Mỹ, Australia, Anh, Italia, Hà Lan, Canada và Nauy cũng đầu tư vào chương trình JSF. Các nước đối tác của chương trình theo thỏa thuận với Mỹ phải đầu tư 5 tỷ USD để phát triển máy bay và khi hoàn thành thiết kế thì mua 627 máy bay.

Nguồn: Defense News, Lenta, 24.4, International Business Times, Lenta, 7.5.2014.

Print Print E-mail Print