VietnamDefence -
Bộ Quốc phòng Nga từ chối bom thông minh dẫn bằng vệ tinh KAB-S vì quá đắt, trong khi từ năm 2013 Ấn Độ lại mua bom này.
Bộ Quốc phòng Nga đã từ chối bom có điều khiển độc đáo KAB-S trang bị hệ thống ngắm tích hợp với hệ thống định vị vệ tinh GLONASS. Sau khi được thả, quả bom thông minh này rơi theo quỹ đạo đường đạn và được dẫn tự động vào mục tiêu theo các tọa độ đã nạp sẵn vào hệ thống điện tử của bom.
Theo một nguồn tin tại Bộ Tư lệnh Không quân Nga, lý do từ chối mua bom này là giá quá đắt, 3 triệu rúp/quả so với 1 triệu rúp/quả bom thường.
|
Bom có điều khiển KAM-500Kr (ktrv.ru)
|
Không quân Nga cho rằng, họ không có nhu cầu đối với KAB-S vì các máy bay ném bom Su-24 và Tu-22M do công ty Gefest-IT nâng cấp sẽ cho phép sử dụng bom phá thông thường với độ chính xác cao.
“Bộ Quốc phòng Nga thử nghiệm KAB-S từ năm 2009. Hãng sản xuất trong 3 năm trời đã không thể khắc phục được các nhược điểm phát hiện ra. Ví dụ, chúng tôi không hài lòng với tầm hoạt động của bom chỉ là 6-8 km. Điều đó làm tăng rủi ro bị phòng không đối phương bắn hạ cho phi công. Chúng tôi cũng tính đến cả yếu tố giá rất đắt”, nguồn tin tại Bộ Tư lệnh Không quân Nga nói.
“Hiện nay, Bộ Quốc phòng Nga và công ty Gefest-IT đang tiến hành hiện đại hóa các máy bay Su-24 và Tu-22M. Chúng tôi cùng với quân đội đã lắp lên các máy bay này các hệ thống gọi là điều khiển thích ứng với hệ thống ngắm mới. Nó đưa độ chính xác ném bom thường lên mức của bom có điều khiển”, Công trình sư trưởng công ty Gefest-IT, Aleksanr Panin tiết lộ.
Ông Panin cho biết, các quy luật đạn đạo học là như nhau đối với bom thường và bom có điều khiển. Nhưng bom có điều khiển dễ bị tổn thương trước nhiễu vô tuyến điện tử đối phương vì trên thế giới đã có nhiều hệ thống tác chiến điện tử gây nhiễu tín hiệu các hệ thống định vị vệ tinh GLONASS và GPS.
“Nếu máy bay thả bom từ độ cao 8.000 m ở tốc độ 800 km/h thì bom sẽ bay xa gần 11 km trong khoảng 1 phút. Bất kể bom có điều khiển hay không, các quy luật vật lý là như nhau. Nếu tính toán đúng tọa độ điểm thả bom ban đầu, tọa độ mục tiêu và khoảng cách đến mục tiêu thì có thể tiêu diệt hiệu quả mục tiêu ngay cả bằng bom thường không điều khiển. Hệ thống của chúng tôi cho phép thực hiện các tính toán trong nháy mắt”, ông Panin nói.
Mỹ có loại bom tương tự KAB-S là họ bom JDАM. Nhờ máy thu GPS có độ chính xác nâng cao và các bộ cánh khí động, tầm bay của bom JDAM đạt 28 km tính từ điểm thả bom, tức là gấp hơn 3 lần bom KAB-S của Nga.
“Để một trái bom thường rơi chính xác, một máy bay Su-24 hay Tu-22M cải tiến sẽ phải giữ chuẩn hướng bay, tốc độ và độ cao bay. Chỉ một sai lệch nhỏ là sẽ trượt. Vào thời điểm nay, máy bay ném bom dễ bị phòng không địch bắn hạ”, Chủ tịch Viện Đánh giá chiến lược Aleksandr Konovalov giải thích.
Theo ông Konovalov, máy bay mang bom KAB-S không có nhược điểm đó. Còn nếu lắp thêm cho bom bộ cánh khí động thì tầm bay của bom sẽ tăng lên đến 25-30 km.
“KAB-S quá đắt vì chỉ có vài quả. Nếu sản xuất chúng hàng loạt thì giá sẽ giảm xuống. Từ năm tới, Ấn Độ sẽ mua bom này. Tức là có nhu cầu trên thị trường thế giới”, một đại diện tổ hợp công nghiệp quốc phòng Nga am hiểu tình hình cho biết.
Bom có điều khiển KAB-S dùng để tiêu diệt mục tiêu mặt đất và mặt nước cỡ nhỏ vững chắc. KAB-S được sử dụng trong hệ thống vũ khí dành cho các loại máy bay Su-30, Su-34, Su-24М, MiG-29…
Nguồn: Izvestia, 21.9.2012.