Vietnamdefence.com

 

Ấn Độ không than phiền gì về FGFA

VietnamDefence - Đại sứ Nga tại Ấn Độ Aleksandr Kadakin tuyên bố rằng, không hề có phàn nàn chính thức nào của Ấn Độ đối với chương trình phát triển tiêm kích thế hệ 5 Nga-Ấn FGFA.

“Chúng tôi không lưu ý đến những tin bài tiêu cực thỉnh thoảng xuất hiện trên báo chí cáo buộc Nga không hoàn thành các cam kết của mình với Ấn Độ. Chúng tôi đã không nhận được than phiền chính thức nào từ phía Ấn Độ”, ông Kadakin nói tại triển lãm DefExpo 2014.

Phó Giám đốc Cơ quan liên bang về hợp tác kỹ thuật quân sự (FSVTS) của Nga Vyacheslav Dzirkaln đã nói rằng, tất cả những tin bài như thế được thuê viết. Việc đàm phán đang được tiến hành trong khuôn khổ các thỏa thuận. Các nguồn tin ở Bộ Quốc phòng Ấn Độ cho rằng, Không quân Ấn Độ định rút tiền từ dự án FGFA sang mua 126 tiêm kích Pháp Rafale.

Tổng công ty chế tạo máy bay thống nhất OAK của Nga đánh giá thị trường tiêu thụ FGFA là 200 chiếc, còn thị trường thế giới là 400 chiếc.

Tờ The Times of India trước đó đưa tin, các bên đã tiến gần đến việc ký kết hợp đồng lớn phát triển FGFA trị giá hơn 11 tỷ USD. “Mẫu chế thử đầu tiên sẽ đến Ấn Độ vào năm 2014 và sẽ bay thử ở căn cứ Ozar, Maharashtra, nên chúng tôi hy vọng rằng, máy bay sẽ được nhạn vào trang bị vào năm 2022”, Tham mưu trưởng Không quân ẤN Độ, Nguyên soái trưởng không quân Norman Anil Kumar Browne nói.

Theo ông Browne, đến năm 2019, các nhà khoa học và phi công thử nghiệm Ấn Độ sẽ làm việc cả tại căn cứ Ozar lẫn ở trung tâm thử nghiệm tại Nga, việc sản xuất loạt sẽ được triển khai tại nhà máy củ hãng HAL.

Phó Giám đốc thứ nhất FS VTS Aleksandr Fomin nói rằng, sẽ mất không dưới 6-10 năm để phát triển FGFA. “Trong tương lai, chúng tôi sẽ xuất khẩu máy bay cùng với các đối tác Ấn Độ”, ông Fomin nói.

Theo báo chí Ấn Độ, Nga và Ấn Độ dự định chi mỗi bên 8-10 tỷ USD để phát triển và chế tạo FGFA. Các chuyên gia cho rằng, FGFA sẽ vượt trội các loại tương tự của phương Tây về tiêu chí giá cả/hiệu quả và sẽ không chỉ nâng cao sức mạnh chiến đấu của Không quân Ấn Độ và Nga mà còn chiếm lĩnh vị trí xứng đáng trên thị trường máy bay chiến đấu thế giới.

Người ta thường mất 3-4 năm thử nghiệm trước khi đưa máy bay vào sản xuất loạt. Т-50 của Nga có thể cũng đi theo lịch trình đó vì các mẫu chế thử đã cho thấy độ tin cậy ở các chế độ bay khác nhau.

Hiện nay, chỉ có Mỹ có các tiêm kích thế hệ 5 là F-22 Raptor và F-35 Lightning. Nhưng Т-50 có tính năng cao hơn F-22.

Nguồn: indrus.in, 7.2, MP, 9.2.2014.

Print Print E-mail Print