VietnamDefence -
Bộ Tư lệnh Không quân Trung Quốc (TQ) đã tuyên bố sẽ chế tạo trong năm nay máy bay tiêm kích kiểu như F-22. TQ cho rằng, trong vòng 10 năm họ có thể đưa vào trang bị máy bay tiêm kích thế hệ 5, song tình báo Mỹ lại nhận định TQ còn xa mới đạt được mục tiêu này.
Bên cạnh đó, nếu tính đến số lượng và trình độ của các tin tặc TQ vốn đẩy mạnh đánh cắp các thông tin trí tuệ trong 5 năm gần đây thì hoàn toàn có thể họ đã đánh cắp được nhiều công nghệ của các máy bay tàng hình F-22 và F-35. Một số chuyên gia thậm chí còn nói TQ cũng đang phát triển loại máy bay tương tự F-35.
|
Động cơ WS-13 dựa trên động cơ RD-93 của Nga
|
Dẫu sao, các nhà phân tích Mỹ vẫn nhận định trình độ công nghệ hàng không TQ không cho phép chế tạo các máy bay dạng F-22 và F-35. Bằng chứng cho điều đó là việc phát triển và sản xuất các máy bay tiêm kích J-10 và JF-17 mà các công nghệ của chúng không cho phép thực hiện bước nhảy vọt về công nghệ đến trình độ của F-22. Một khó khăn lớn vẫn là yếu kém về công nghệ động cơ phản lực.
Trong 2 thập kỷ, TQ tiến hành phát triển các động cơ phản lực vốn được coi là là thành tố then chốt để các máy bay chiến đấu có được tính năng kỹ thuật cao. Hiện thời, TQ chưa thể tạo ra được những công nghệ tiên tiến và nhân lực trình độ cao trong lĩnh vực này để chế tạo các động cơ của mình cho những máy bay tiêm kích tiên tiến nhất. Ví dụ, TQ cho đến nay vẫn phải mua các động cơ turbine phản lực lưỡng mạch có buồng tăng lực RD-93 vốn được thiết kế cho máy bay MiG-29. TQ đã mua hơn 1000 động cơ trị giá 2,5 triệu USD/động cơ.
TQ đang tự phát triển một biến thể của RD-93 với ký hiệu WS-13. Trên hướng này, TQ nhận được sự giúp đỡ của Nga, nhưng Nga không muốn có sự cạnh tranh trên thị trường động cơ phản lực rẻ tiền. TQ vốn khét tiếng về trộm cắp công nghệ đã tuyên bố WS-13 hầu như đã sẵn sàng cho sản xuất loạt. Điều đó có thể đúng, cũng có thể không. Gần đây, TQ lại đặt mua thêm 100 động cơ RD-93. Các động cơ này dùng để lắp cho máy bay tiêm kích hạng nhẹ JF-17 hợp tác chế tạo với Pakistan. Dư luận cho rằng, JF-17 được chế tạo dựa trên dự án MiG-33 bị hủy bỏ của Nga.
Các chuyên gia TQ cho rằng, họ sẽ sao chép được động cơ công nghệ cao AL-31F. Biến thể WS-10A do TQ chế tạo dùng để lắp cho các máy bay tiêm kích J-10. Nhưng độ tin cậy của các động cơ này còn quá thấp nên TQ đã đặt mua thêm 100 động cơ AL-31F để có thể tiếp tục sản xuất loạt J-10. Trong khi đó, Nga đang nỗ lực cải tiến AL-31F để lắp cho máy bay tiêm kích thế hệ 5, song gặp những khó khăn lớn. Liệu “các ông thầy” Nga mà còn không thể làm được điều đó thì làm thế nào “những học trò” TQ làm được đây?
MP, 19.11.2009
(http://www.strategypage.com/htmw/htairfo/articles/20091117.aspx, http://www.defence.pk/forums/military-aviation/38750-pakistan-china-1-4-billion-dollar-j-10-jet-deal-3.html)