Vietnamdefence.com

 

Ấn Độ chi mạnh tay cho vũ khí: 80 tỷ USD trong 4 năm tới và 200 tỷ USD đến năm 2022

VietnamDefence - Bộ Quốc phòng dự định chi 80 tỷ USD mua vũ khí trong giai đoạn 2011-2015, Aviation Week dẫn nguồn báo cáo chung của công ty kiểm toán Deloitte và Hiệp hội các nhà công nghiệp Ấn Độ cho hay ngày 22.6.10.

Tiêm kích Tejas LCA (Premshree Pillai: flickr.com)

Theo báo cáo này, 53% số tiền trên được chi cho nhu cầu của Lục quân, còn Không quân và Hải quân Ấn Độ sẽ được nhận tương ứng 31% và 16% số tiền đó.

Bộ Quốc phòng Ấn Độ đã xây dựng gần 600 kế hoạch hiện đại hóa vũ khí lục quân. Trong đó có việc mua gần 3600 khẩu pháo, gần 300 trực thăng và mua các hệ thống phòng không tối tân.

Không quân Ấn Độ trong khuôn khổ cuộc thầu đã mở trị giá 12 tỷ USD sẽ mua 126 máy bay tiêm kích. Tham dự cuộc thầu là các công ty Mỹ Lockheed Martin và Boeing; Eurofighter của châu Âu, Dassault của Pháp, Saab của Thụy Điển và RSK MiG của Nga.

Hải quân Ấn Độ sẽ mua những vũ khí trang bị gì thì không được tiết lộ, song trước đó được biết, Hải quân Ấn Độ dự kiến mua các tàu frigate mới, 4 máy bay báo động sớm có thể hạ cánh trên tàu sân bay.

Tháng 2.2010, Ấn Độ thông báo dự định chi hơn 200 tỷ USD trong 12 năm tới (đến năm 2022) cho việc mua sắm vũ khí trang bị. Khoảng ½ số tiền này sẽ chi cho việc đổi mới 50% máy bay tiêm kích, thay thế toàn bộ các máy bay và trực thăng vận tải.

Số tiến còn lại sẽ chi cho việc mua sắm lựu pháo, vũ khí trang bị pháo binh khác, ô tô bọc thép việt dã cao, bệ phóng tên lửa, xe tăng, tàu chiến, tàu ngầm và tàu sân bay.

Trong khuôn khổ chương trình đổi mới trang bị, Không quân Ấn Độ dự định đưa số phi đội chiến đấu lên đến 45 (gần 900 máy bay), trong đó có việc mua tiêm kích nội địa Tejas. Tính đến đầu năm 2009, Không quân Ấn Độ chỉ có 34 phi đội, trong khi chỉ 2 năm trước họ có 39,5 phi đội. Đa số máy bay bị loại vì không còn khả năng sử dụng tiếp.

Ngoài ra, Ấn Độ sẽ tham gia phát triển biến thể 2 chỗ ngồi của máy bay tiêm kích thế hệ 5 PAK FA của Nga. Phần đóng góp của phía Ấn Độ vào dự án ước tính là 8 tỷ USD. Ấn Độ cũng dự định mua của Boeing 10 máy bay vận tải quân sự C-17 Globemaster III trị giá hơn 2 tỷ USD, các máy bay tuần biển P-8I Poseidon.

Hải quân Ấn Độ thì có các kế hoạch trong giai đoạn 2012-2015 nhận vào trang bị các tàu sân bay, tàu ngầm, tàu corvette tàng hình tự thiết kế.

Quân đội Ấn Độ cũng công bố ý định xây dựng hệ thống vệ tinh quân sự và tăng số lượng các máy bay không người lái.

Bộ Quốc phòng Ấn Độ bắt đầu xây dựng các kế hoạch hiện đại hóa trang bị do vũ khí trang bị của quân đội Ấn Độ đang ở tình trạng khá lạc hậu. Theo số liệu mới nhất, gần 70% vũ khí trang bị của quân đội Ấn Độ có hơn 20 năm tuổi. Trong đó 50% lạc hậu nghiêm trọng và cần đại tu.

  • Nguồn: Lenta, 15.2, 22.6.10.  

Print Print E-mail Print