Vietnamdefence.com

 

Tàu ngầm Malaysia phóng tên lửa tại Biển Đông

VietnamDefence - Ngày 26.7.10, tàu ngầm đầu tiên của Malaysia KD Tunku Abdul Rahman (1 trong 2 tàu ngầm lớp Scorpene, do Pháp và Tây Ban Nha đóng cho Malaysia) đã chứng tỏ khả năng hỏa lực của mình khi phóng thử thành công 1 tên lửa Exocet SM39 Block 2.

Tư lệnh Hải quân Hoàng gia Malaysia (RMN), Đô đốc Tan Sri Abdul Aziz Jaafar hôm 26.7.2010 cho biết, tên lửa đã bắn trúng một mục tiêu dài 40 m trên mặt biển và cách vị trí phóng 22 hải lý (40 km).

Đô đốc Tan Sri Abdul Aziz Jaafar cho biết, tên lửa Exocet SM39 Block 2 đã được phóng từ độ sâu 55 m, một khoảng cách rất khó cho các tàu săn ngầm tiến hành các biện pháp chống ngầm.

Tàu ngầm KD Tunku Abdul Rahman
Theo ông Tan Sri Abdul Aziz Jaafar, việc phóng thử tên lửa Exocet SM39 Block 2 cách không xa bờ biển phía Đông Malaysia nằm trong khuôn khổ chương trình thử nghiệm tàu ngầm ở vùng nhiệt đới đã được thông qua.

Tên lửa Exocet SM39 Block 2 phóng từ tàu ngầm
Đô đốc Tan Sri Abdul Aziz Jaafar, người đã trực tiếp chứng kiến cuộc phóng thử, còn cho biết, vụ phóng thử tên lửa Exocet SM39 Block 2 được tiến hành lúc 10 giờ 15 phút tại Biển Đông là bằng chứng về khả năng của Hải quân Hoàng gia Malaysia (RMN) và khả năng tấn công từ dưới mặt nước của tàu ngầm.

Vụ thử nghiệm tên lửa cũng nhằm mục đích xác nhận hiệu quả của tên lửa Exocet SM39 Block 2 và khả năng của hệ thống vũ khí trang bị trên tàu ngầm, cũng như hiểu rõ hơn về khả năng tác chiến của tàu ngầm lớp KD trong vùng khí hậu nhiệt đới.

Tên lửa chống hạm SM-39 Block-2 lần đầu tiên được phóng từ tàu ngầm Tanku Abdul Rahman trong đợt thử nghiệm bàn giao ở Pháp vào tháng 12.2008.

Đô đốc Abdul Aziz tiết lộ, tên lửa Exocet SM39 Block 2, được phát triển tại Pháp từ năm 2008, là loại tên lửa biển-đối-đất có trọng lượng 2.100 kg, chiều dài 6 m và đường kính là 0,35 m. 

Theo Tư lệnh Hải quân Malaysia, các vụ thử nghiệm được tiến hành đã khẳng định sự sẵn sàng chiến đấu của tàu ngầm bất chấp báo chí đưa tin về nhiều khiếm khuyết của tàu. Ông cũng tiết lộ, dự kiến chi phí cho nâng cao khả năng chiến đấu của quân đội Malaysia giai đoạn năm 2011-2015 sẽ bị cắt giảm do tình hình kinh tế khó khăn. Điều đó có thể dẫn tới việc hủy bỏ một số kế hoạch mua vũ khí trang bị hải quân, trong đó có các tàu yểm trợ đa nhiệm và tàu tuần tra.

Tư lệnh Hải quân Malaysia cũng cho hay, Malaysia trong kế hoạch quốc phòng 5 năm lần thứ 9 đã chi 3,43 tỷ Ringit (1,07 tỷ USD) cho việc mua sắm các hệ thống vũ khí mới.

  • Nguồn: VIT, 27.7.10; Armstrade, 10.8.10.

Print Print E-mail Print