Vietnamdefence.com

 

Quân đội Anh chọn F-35C và bán tống bán tháo Harrier

VietnamDefence - Thứ trưởng quốc phòng Anh, Tướng Nicholas Houghton đã nêu 3 lý do khiến Bộ Quốc phòng Anh quyết định không mua F-35B Lightning II của Mỹ mà chọn biến thể trên hạm F-35C.

F-35C Lightning II (jsf.mil)

Theo Defense News, việc thay đổi lựa chọn có liên quan không chỉ đến ý định của quân đội Anh tiết kiệm ngân sách mà còn với chiến lược sử dụng các tàu sân bay mới và sự hợp tác với các nước láng giềng.

Một là, F-35B có khả năng cất cánh đường băng ngắn và hạ cánh thẳng đứng, nhưng đắt tiền hơn F-35C.

Trong 4 năm tới, Bộ Quốc phòng Anh phải cắt giảm 8% chi tiêu quân sự, nghĩa là việc không mua loại máy bay kỹ thuật phức tạp và đắt tiền sẽ cho phép họ tiết kiệm.

Hai là, biến thể trên hạm của F-35 có bán kính chiến đấu lớn hơn nhiều so với F-35B, cũng như có khả năng mang nhiều vũ khí hơn.

Lý do cuối cùng là Pháp, quốc gia mà Anh dự định triển khai hợp tác quân sự quy mô lớn trong tương lai. Dự kiến, Pháp cũng sẽ mua của Mỹ F-35C. Nhờ việc tiêu chuẩn hóa một phần không quân hải quân của 2 nước, họ sẽ có thể dùng chung các tàu sân bay.

Theo kế hoạch của Anh, tàu sân bay tương lai Prince of Wales sẽ được trang bị các máy phóng máy bay và các bộ hãm đà hạ cánh, nhưng trong mấy năm đầu sau khi được đưa vào biên chế sẽ không có lực lượng máy bay trên hạm của tàu, lúc đó không quân hải quân Pháp sẽ có thể sử dụng tàu sân bay này. 

Ngày 19.10.2010, chính phủ Anh đã công bố Chiến lược an ninh quốc gia, xác định hướng phát triển tương lai của quân đội Anh. Mục tiêu chính của văn kiện này là cắt giảm 8% ngân sách quốc phòng trong 4 năm tới.

Để làm việc đó, Anh đã xem xét lại hàng loạt chương trình và đã quyết định hủy bỏ một số trong đó. Họ đã quyết định cắt giảm các tiêm kích Harrier, máy bay trinh sát Nimrod MRA4 và Sentinel R1, trực thăng, máy bay vận tải, tàu sân bay, tên lửa đường đạn chiến lược và tàu ngầm. 

Theo tờ The Financial Times cho hay, Bộ Quốc phòng Anh dự định rao bán số tiêm kích Harrier bị loại bỏ và các máy bay trinh sát điện tử hải quân Nimrod MRA4, vốn bị dừng sản xuất còn trước khi máy bay đầu tiên được nhận vào trang bị.

Máy bay Harrier GR9 (defenseindustrydaily.com)

Khách mua tiềm năng năng nhất máy bay Harrier là Mỹ và Ấn Độ. Các nước này có thể mua 50 tiêm kích vốn được nâng cấp mới đây và lẽ ra có thể phục vụ Hải quân Anh đến năm 2020.

Ấn Độ hiện đang có các tiêm kích Harrier, họ đã mua 30 chiếc Sea Harrier trong thập niên 1980.  Mỹ có thể mua Harrier để trang bị cho không quân Thủy quân lục chiến Mỹ.

Không loại trừ Tây Ban Nha và Italia cũng có thể quan tâm đến các tiêm kích cất/hạ cánh thẳng đứng của Anh - hai nước này đang có tương ứng 12 và 14 chiếc Harrier.

Theo Chiến lược an ninh quốc gia mới, tàu sân bay Queen Elizabeth, tàu đầu tiên trong số 2 tàu sân bay tương lai đang đóng ở Anh, sẽ được đưa vào biên chế Hải quân Hoàng gia Anh vào năm 2016 trong 3 năm và dùng làm tàu sân bay trực thăng. Hết thời hạn này, tàu được niêm cất hoặc bán đi.

Tàu thứ hai là Prince of Wales sẽ đi vào hoạt động năm 2018 và trong 2 năm, cho đến khi Anh nhận được các tiêm kích F-35, sẽ không có lực lượng máy bay trên tàu mà sẽ tiếp nhận các máy bay của hải quân Mỹ và Pháp.

Chiến lược cũng dự kiến cắt giảm 5.000 người của Không quân Anh trong 5 năm tới, 5.000 người của Hải quân Anh và 7.000 người của Lục quân Anh, 25.000 nhân viên dân sự của Bộ Quốc phòng Anh. Các biện pháp cắt giảm ác liệt này được đưa ra nhằm chấn chỉnh chi tiêu quân sự, giảm thiếu hụt ngân sách quốc phòng vốn dự kiến sẽ là 38 tỷ bảng trong 10 năm tới, cũng như cắt giảm 10-20% ngân sách nhà nước trong 4 năm tới.

  • Nguồn: Lenta, 1, 2.11.2010.

Print Print E-mail Print