Vietnamdefence.com

 

Nga giúp Trung Quốc chế tạo tên lửa không chiến tầm trung tối tân SD-10?

VietnamDefence - Tên lửa không-đối-không tầm trung có điều khiển SD-10 được trang bị đầu tìm 2 chế độ (radar chủ động và hồng ngoại thụ động), tạp chí Anh Jane's Defense Weekly và Jane’s Missiles and Rockets cho biết.

Tên lửa không-đối-không tầm trung SD-10A trang bị đầu tìm 2 chế độ 

Nếu đúng như vậy thì SD-10 (và biến thể cải tiến SD-10A) là tên lửa không-đối-không đầu tiên của Trung Quốc có các khả năng này và có thể là tên lửa uy lực nhất loại này trên thế giới.

Tại triển lãm Airshow China 2010 từ 16-21.11.2010 ở Chu Hải, một quan chức LOEC cho biết, SD-10 tự dẫn bằng đầu tìm radar chủ động ở giai đoạn cuối, điều đã được tiết lộ từ khi công bố việc phát triển tên lửa này. Hiện vẫn chưa rõ, đó là khả năng tên lửa tự dẫn vào bức xạ radar hay bức xạ vô tuyến điện tử khác mà không cần sự hỗ trợ của máy bay mang hay sử dụng chế độ tự dẫn chủ động.

Quan chức này cho biết, chế độ thụ động không phải là phương thức dẫn cơ bản của tên lửa vì có thể nguy hiểm cho các máy bay bạn. Hiện chưa rõ đầu tìm của SD-10 có khả năng thay đổi lần lượt các chế độ dẫn chủ động và thụ động trong khi bay hay không.

SD-10 (còn có tên khác là PL-12) do Trung tâm phát triển công nghệ quang-điện tử Luoyang (LOEC, Trung Quốc) phát triển và đang được nhận vào trang bị của không quân Trung Quốc.

Theo Janes’, phía Nga đã hỗ trợ phát triển SD-10 (tham gia là các hãng Vympel và Agat) và sự hợp tác có thể vẫn tiếp tục đến nay.
 
Có tin, từ thập niên 1990, Trung Quốc đã có quan hệ với Viện thiết kế Agat của Nga. Quan chức LOEC có nói đến sự hợp tác với Agat và nhiều linh kiện của tên lửa là do nước ngoài cung cấp, trong đó có của Nga.
 
Viện thiết kế Agat đã phát triển một số loại đầu tìm 2 chế độ (chủ động/thụ động, chủ động/bán chủ động). Đầu tìm chủ động/thụ động làm việc theo cơ chế thay đổi lần lượt giữa các chế độ dẫn.

Agat cho biết, ở chế độ thụ động, đầu tìm có thể phát hiện radar chủ động của máy bay tiêm kích địch ở cự ly đến 200 km, vượt xa khả năng của đầu tìm chủ động với tầm bắt mục tiêu tối đa là gần 20 km.

Viện Agat đã phát triển loại đầu tìm nói trên cho tên lửa R-27, loại tên lửa không-đối-không bay nhanh nhất thế giới và chính hệ thống này được cải tiến đôi chút (kết hợp với đầu tìm radar chủ động) có thể đã được tích hợp vào tên lửa SD-10 của Trung Quốc.

Tuy nhiên, lãnh đạo Agat tránh trả lời câu hỏi của Jane’s về việc ai chi trả cho việc phát triển đầu tìm khi mà không có tài trợ của nhà nước. Trong thập niên 1990, Trung Quốc đã tiếp cận được loại đầu tìm thụ động chống radar 9B-1032, do Viện Avtomatika phát triển cho tên lửa R-27P của hãng Vympel. Theo Jane’s, các công nghệ của 2 dự án này có thể được sử dụng để chế tạo đầu tìm cho SD-10.

Một số chuyên gia cho rằng, tên lửa mới của Trung Quốc có tính năng vượt trội tên lửa tầm trung tiên tiến AMRAAM AIM-120A/B của Mỹ, tên lửa R-77 của Nga và MICA của Pháp. Nhưng động cơ tên lửa vẫn tiếp tục được hoàn thiện.

Theo thông tin báo chí, SD-10 có thể được trang bị cho các loại tiêm kích, trong đó có JF-17 do Trung Quốc và Pakistan hợp tác phát triển và sản xuất.

Vị quan chức của LOEC cũng xác nhận, hiện tại họ đã phát triển và đang sản xuất 2 biến thể của SD-10 là biến thể cơ sở và biến thể cải tiến SD-10A. SD-10A có nhiều cải tiến ở thân, độ tin cậy cao hơn và giá rẻ hơn.

Theo tài liệu quảng cáo, SD-10A có chiều dài 3,93 m, đường kính 203 mm, sải cánh 670 mm, trọng lượng 199 kg, trọng lượng phần chiến đấu 24 kg. Tên lửa có thể trang bị ngòi nổ không tiếp xúc và tiếp xúc. Việc sản xuất SD-10A hiện đắt hơn công ty dự kiến. Đó có thể là do mức độ trục trặc cao của một số bộ phận.

Trung Quốc đang nghiên cứu tăng tầm bắn của tên lửa lên trên 100 km và nâng cao độ chính xác tự dẫn. Trong tương lai, tên lửa này có thể dùng để chế tạo tên lửa phòng không mặt đất và hạm tàu.

Liên quan đến các hướng triển vọng phát triển tên lửa không-đối-không của Trung Quốc, vị đại diện LOEC tiết lộ cuộc thảo luận đang diễn ra về ưu điểm của các động cơ phản lực-không khí dòng thẳng so với động cơ tên lửa. Trong khi đó, Trung Quốc đang cảm thấy thiếu kinh nghiệm phát triển các động cơ phản lực-không khí dòng thẳng cỡ nhỏ cho tên lửa không-đối-không. Tuy vậy, các bản vẽ khái niệm SD-10 trang bị động cơ loại này trước đó đã xuất hiện trên các nguồn không chính thức của Trung Quốc.

  • Nguồn: mil.news.sina.com.cn, MP, 6.12.2010; Armstrade, 7.12.2010.

Print Print E-mail Print