Vietnamdefence.com

 

MiG-29 đụng đầu JF-17 trên đất Sri Lanka

VietnamDefence - Dù cuộc nội chiến với tổ chức ly khai Tamil LTTE đã chấm dứt, Sri Lanka vẫn có ý định thực hiện chương trình mua sắm máy bay tiêm kích mới.

MiG-29SMT

Theo Jane’s Defence Industry, các máy bay mới sẽ tăng cường khả năng của đội máy bay MiG-27 cải tiến do công ty quốc doanh Ukrinmash (Ukraine) cung cấp.

Sri Lanka đã mua của Ukrinmash 4 MiG-27 cũ trị giá 1,75 triệu USD/chiếc vào tháng 5.2000.

Tháng 10.2000, họ đặt mua thêm 2 MiG-27 trị giá 1,6 triệu USD và 1 máy bay huấn luyện chiến đấu MiG-23UB trị giá 900.000 USD.

Hai chiếc MiG-27 đã bị trả lại Ukraine do không có khả năng hoạt động, còn 1 chiếc bị tai nạn. Không quân Sri Lanka hiện còn có các máy bay tiêm kích F-7, phiên bản Trung Quốc làm nhái MiG-21.

Theo các chuyên gia, một trong các ứng viên chính cho cuộc thầu của Sri Lanka là MiG-29. Năm 2007-2009, phía Nga và Sri Lanka đã đàm phán về việc cung cấp tiêm kích này, nhưng sau khi tất cả các căn cứ của LTTE bị đánh tan, việc mua máy bay tiêm kích đã bị trì hoãn lại.

Tháng 2.2010, Thứ trưởng tài chính Nga D. Pankin và Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Sri Lanka U. Viratunga đã ký hiệp định cấp tín dụng 300 triệu USD trong 10 năm cho Sri Lanka để mua vũ khí. Đã có tin Sri Lanka định mua trực thăng vận tải Mi-17 và các vũ khí khác, hiện đại hóa vũ khí trang bị hiện có bằng khoản tiền này.

JF-17 (FC-1)

Dự kiến, đối thủ của MiG-29 sẽ là JF-17 Thunder do Trung Quốc và Pakistan hợp tác phát triển.

Ông Jayantha Wickramasinghe, Tổng giám đốc công ty Lanka Logistics and Technologies Ltd (do Bộ Quốc phòng Sri Lanka thành lập năm 2007 để mua sắm vũ khí cho quân đội) đã xác nhận với Jane’s ý định của Sri Lanka mua thêm máy bay tiêm kích.

Theo ông, chính phủ Sri Lanka sẽ xem xét mọi phương án mua sắm. Như vậy, họ định đánh giá không chỉ MiG-29, mà tất cả các máy bay hiện có trên thị trường thỏa mãn các yêu cầu của không quân nước này.

Ông Jayantha Wickramasinghe cho biết, số lượng máy bay mua sẽ do chính phủ Sri Lanka xác định, còn theo Jane’s, nước này có thể mua 6 chiếc đủ để thành lập 1 phi đội.

Tháng 10.2010, Thủ tướng Sri Lanka D. M. Jayaratne đã đệ trình quốc hội xem xét dự toán ngân sách tài khóa 2011, trong đó dự chi kinh phí kỷ lục cho quân sự là 215,2  tỷ Rupee (gần 1,92 tỷ USD). Con số này cao hơn 6,4% chi phí quốc phòng năm 2010 (202 tỷ Rupee) và chiếm gần 20% ngân sách quốc gia, và 3% GDP.

Phần lớn ngân sách quốc phòng (hơn 50%) thường được chi cho Lục quân, còn Hải quân và Không quân Sri Lanka sẽ nhận được 16% mỗi quân chủng. Số tiền còn lại được chi cho cảnh sát và các cơ quan quyền lực khác. Chi phí mua sắm chiếm 10-15% ngân sách mỗi tổ chức đó.

Xét tới tỷ lệ kinh phí ngân sách chi cho không quân không lớn thì khoản tín dụng do Nga cung cấp sẽ cho phép mua các máy bay mới. Trước đó, một phần đáng kể vũ khí được Mỹ cung cấp cho Sri Lanka theo chương trình FM). Song chương trình này bị đình chỉ năm 2007 vì Washington cáo buộc có sự vi phạm nhân quyền trong cuộc nội chiến với LTTE.

  • Nguồn: Armstrade, 2.11.2010.

Print Print E-mail Print