Viên đại tá GRU (GRU - tên viết tắt của Tổng cục Tình báo Bộ Tổng tham mưu các lực lượng vũ trang Liên Xô (Nga hiện nay) - ND) công tác tại Moskva chẳng cần vòng vo đã đề nghị được làm việc cho các cơ quan tình báo phương Tây. Tuy vậy, không có ai vội vã tuyển mộ anh ta. Người Mỹ không thích những kẻ tới thẳng sứ quán tự hiến mình. Người Canada coi hắn là mồi câu. Chỉ có người Anh quan tâm... Và vào tháng 4 năm 1961, khi đại tá Oleg Vladimirovich Penkovsky đến London dưới vỏ bọc thành viên của phái đoàn thương mại Liên Xô, thương gia Gravily Winn, người làm việc cho cơ quan tình báo Anh MI-6 đã chờ hắn tại sân bay...
|
Oleg Penkovsky tại tòa
|
Tên tuổi của Penkovsky đã một lần nữa xuất hiện trên các trang báo năm 1993 nhân một sự kiện xảy ra đã 30 năm là cuộc khủng hoảng Caribê - sự kiện tưởng chừng như đã kết thúc bằng một cuộc chiến tranh hạt nhân. Người ta đã viết nhiều và khác nhau về viên đại tá ấy. Tuy nhiên, báo chí Liên Xô/Nga đã không hề nhắc đến một điệp vụ động trời xét theo quy mô của nó của các cơ quan tình báo Xôviết, trong đó viên đại tá đã đóng một vai trò không kém phần quan trọng và vẫn không hoàn toàn rõ ràng cho đến nay.
Rõ ràng, người Anh đã kịp tiến hành các thao tác điều tra, dò hỏi nào đó - bây giờ thì điệp viên mới của họ đã khiến cho cả người Mỹ cũng quan tâm. Việc thẩm tra hắn được bắt đầu tại khách sạn ngay hôm đó.
Viên sĩ quan tình báo 43 tuổi tuyên bố hoàn toàn thất vọng với hệ thống cộng sản và sẵn sàng cộng tác, giúp đỡ để huỷ diệt nó bằng cách chuyển cho phương Tây các bí mật của Liên Xô. Để làm lễ ra mắt, phó trưởng nhóm phối hợp GRU-KGB về thu thập và phân tích thông tin khoa học-kỹ thuật Penkovsky đã bán đứng vài trăm sĩ quan GRU hoạt động ở nhiều nơi trên thế giới. Hơn nữa, phần lớn họ đã bị các cơ quan tình báo phương Tây biết rõ. Điều chủ yếu là cái khác: đó là các tài liệu hướng dẫn bảo dưỡng tên lửa Liên Xô và bản copy các bài giảng về chủ đề này.
Cũng cần phải nói rằng, vào giữa những năm 50, trên cơ sở các tin tức tình báo, giới quân sự Mỹ đã đi đến kết luận: người Nga đã vượt trội khá nhiều so với Mỹ trong lĩnh vực nghiên cứu phát triển các tên lửa đường đạn xuyên lục địa (ICBM). Chính phủ Mỹ đã chi cho Lầu Năm góc một khoản tiền lớn và 3 năm sau, đã xuất hiện các tên lửa mới Thor. Vào năm 1958, chúng được triển khai trên bờ biển phía Đông nước Anh nhằm bắn vào Moskva. Trong những chuyến đi sau đó tới London và Paris, viên đại tá đã trao cho Winn những phim âm bản chụp các tài liệu do hắn chụp. Hắn còn chuyển giao phim cả ở Moskva. Liên lạc viên là Rory Cheasholm - vợ của một nhân viên MI-6, thuộc biên chế đại sứ quán Anh. Việc giao tài liệu thường diễn ra khi cô ta cùng các con đi dạo ở công viên.
Vào đầu năm 1962, Cheasholm nghi ngờ có người theo dõi, vậy mà viên đại tá thì không chút đề phòng, thậm chí lại bắt đầu giao tài liệu cho cô ta ngay trong các buổi tiếp tân ngoại giao nơi dễ có nguy cơ bị phản gián phát giác. Kết quả là Penkovsky bị bắt vào ngày 22 tháng 10. Sau đó, tại Budapest, Winn cũng bị tóm. Trong khi hỏi cung tên này, người ta đã cho hắn xem băng ghi âm các cuộc nói chuyện với Penkovsky tại khách sạn Ucraina. Điều đó cho thấy bọn chúng đã bị theo dõi từ rất lâu. Tưởng chừng câu chuyện đã kết thúc. Trên thực tế, câu chuyện mà trong đó viên đại tá chỉ là quả chanh vắt hết nước, mới chỉ bắt đầu.
Như vậy, hắn đã trao cho người Mỹ tài liệu về loại vũ khí đối kháng chủ yếu của chúng ta (Liên Xô) - tên lửa tầm trung R-12 (Mỹ và phương Tây gọi là SS-4). Vào năm 1962, người Mỹ phát hiện các tên lửa này được triển khai ở Cuba và họ nghiêng về ý kiến cho rằng Liên Xô không có khả năng chế tạo các tên lửa đường đạn xuyên lục địa mạnh. Liên Xô chỉ dựa vào các tên lửa tầm trung.
Các cơ quan của FBI (Federal Bureau of Investigation (FBI) - Cục Điều tra Liên bang Mỹ, cơ quan chủ yếu chịu trách nhiệm về phản gián và an ninh nội địa của Mỹ - ND) đến nay vẫn còn nhớ đến vụ mà họ gọi là “cuộc săn đuổi vui vẻ bọn buôn bán vũ khí”.
Vào đầu những năm 60, nhà ngoại giao Liên Xô Isakov đã lôi họ theo đi khắp nơi, đến với hết nhà buôn vũ khí này đến nhà buôn vũ khí khác. Khi biết bị theo dõi, Isakov liền liên hệ với một nhà buôn vũ khí trong số đó, ông này đã đồng ý bán các linh kiện bí mật cho Isakov. Các nhân viên FBI lập tức ra tay ngăn chặn vụ làm ăn vì Isakov muốn mua các máy gia tốc.
Nhà phản gián sừng sỏ của Mỹ, xếp của FBI khi đó Edgar Hoover rất hài lòng với cú bắt quả tang này. Chắc chắn là các nhà ngoại giao mà ông ta tuyển mộ đã báo tin rằng, giới lãnh đạo ở Moskva đang yêu cầu khẩn cấp thu thập càng nhiều càng tốt thông tin về các máy gia tốc của Mỹ.
Việc phân tích các băng nghe lén thu được đã cho thấy sự không thống nhất đến khó tin của các tham số khi đo cùng một đại lượng. Một kết luận được rút ra - các tên lửa SS-7 và SS-9 hiện đại nhất của Liên Xô không có khả năng diệt các mục tiêu nhỏ như các giếng phóng tên lửa trên đất liền của Mỹ.
Và cuối cùng, người Mỹ đã có được chứng cứ mắt thấy - các vệ tinh của họ đã bắt đầu chụp ảnh một trường thử ở Siberia ngay hôm sau khi các vụ thử tên lửa được tiến hành ở đây. Trên các ảnh chụp thấy rất rõ các hố và các cột đánh dấu mục tiêu. Độ chính xác điểm chạm tồi hết chỗ nói!
Về việc tín hiệu đo từ xa của các tên lửa Liên Xô bị chặn thu thì giới quân sự Liên Xô đã biết từ lâu. Ngay vào năm 1957, Quân đội Xôviết đã bắn rơi trên lãnh thổ Liên Xô một chiếc máy bay vận tải của Mỹ, trên đó họ đã tìm thấy những băng ghi chứng tỏ điều đó. Thêm vào đó là ba năm sau, hai nhà toán học trẻ của Cục An ninh Quốc gia Mỹ NSA chịu trách nhiệm phân tích những tín hiệu đo từ xa này, đã chạy trốn sang Moskva theo tiếng gọi của lý tưởng Cộng sản. Hiển nhiên là họ đã khai báo về cách thức Mỹ tiến hành chặn thu. Có lẽ cũng chính vào lúc đó đã nảy sinh ý đồ làm cho đối phương tin vào sự bất lực của các tên lửa đưòng đạn xuyên lục địa Xôviết. Tội gì mà lại đi khuyến khích đối phương nghiên cứu chế tạo các vũ khí đối kháng hiệu quả hơn?
Điều chỉnh vụ đánh lừa đại quy mô, biết cái gì người Mỹ tin, cái gì không, cần phải có những “chuột trũi” - những nhân viên các cơ quan tình báo nước ngoài làm việc cho Liên Xô. Ví dụ, khi điệp viên Liên Xô trong cơ quan tình báo Tây Đức Hans Felfe đã mấy lần chuyển sang phương Tây tin tức phóng đại số lượng bom hạt nhân của Liên Xô, các “chuột trũi” đã báo cáo lại rằng, Lầu Năm góc nghiêng về ý kiến cho là Liên Xô dựa vào không quân chiến lược nhiều hơn là vào tên lửa đường đạn xuyên lục địa. Điều đó rất hợp ý Liên Xô và có vẻ như là một chứng cứ ủng hộ cho nhận định của Mỹ, trong một buổi duyệt binh tháng 5 ở Moskva, bay ào ào trên đầu các tuỳ viên quân sự có mặt trên Quảng trưởng Đỏ là cả đoàn máy bay ném bom đông đảo (thực ra đó chỉ là một số máy bay bay vòng đi vòng lại).
Các tên lửa cũng tham gia diễu hành trong buổi lễ này để ra vẻ như là các tên lửa cấu thành nền tảng của lực lượng tên lửa Xôviết, nhưng trên thực tế là chúng vẫn chưa được triển khai rộng rãi vì ta phải biết rằng, các tên lửa đường đạn xuyên lục địa RS-13 (SS-13), theo đánh giá của phương Tây, có sai số vòng tròn xác suất khá lớn, phải đến cả dặm.
Lọt vào tay kẻ thù tiềm tàng một cách rất tự nhiên là những bài báo khoa học của Liên Xô mô tả “phương pháp bầu cử”, theo đó giá trị đo khác biệt nhất của một trong 3 máy gia tốc bị loại bỏ đi, còn từ giá trị đo của hai máy gia tốc còn lại, người ta thu được giá trị trung bình.
Các chuyên gia tung tin giả chỉ còn mỗi việc là lắp thêm cho mỗi tên lửa thử nghiệm 6 máy gia tốc được điều chỉnh linh tinh từ trước. Người Mỹ chặn thu được tín hiệu của cả 9 máy gia tốc và chắc mẩm là các tên lửa Nga còn rất lạc hậu. Còn các chuyên gia Liên Xô thử nghiệm tên lửa thì chỉ cần không tính đến các giá trị đo giả.
Nhân đây, cũng phải nói rằng, Penkovsky đã chuyển cho người Mỹ rất ít tin tức về tên lửa đường đạn xuyên lục địa mặc dù với cương vị của mình hắn có thể biết được nhiều hơn nhiều. Còn liên quan đến tên lửa R-12, hắn báo cáo sai số vòng tròn của nó đúng bằng 2 km - của đáng tội nghe nói các tên lửa này đúng là không chính xác thật.
Vậy là vụ lừa bịp đại quy mô đã bắt đầu có tác dụng. Trong gần như một thập kỷ, các giếng phóng tên lửa Mỹ thực tế nằm đấy mà chẳng có gì bảo vệ cả và trong tình huống các sự kiện tiến triển theo chiều hướng xấu thì Liên Xô có thể tiêu diệt được chúng.
Sự lú lẫn của Lầu Năm góc bắt đầu tan biến vào năm 1968 khi Liên Xô thử nghiệm các tên lửa mới cực kỳ tối tân, kể cả những tên lửa mang nhiều đầu đạn tự tách. Hoá ra là cả loại tên lửa đã được nhận vào trang bị (nghĩa là đã được thử thách nhiều lần) dài 30 m SS-9 có khả năng mang một đầu đạn hạt nhân có đương lượng nổ 25 megaton đến một mục tiêu ở xa gần 13.000 km với độ chính xác chỉ một phần tư dặm.
Người Mỹ vẫn còn ấp ủ nuôi hy vọng người Nga sẽ không thể dẫn chính xác các đầu đạn tự tách - những đầu đạn này, trước khi diệt mục tiêu, sẽ tách các đầu đạn khi cách mục tiêu nhiều kilômet, - nhưng cả ở đây chờ đợi người Mỹ cũng lại là một sự thất vọng tràn trề - Liên Xô đã thử nghiệm cật lực các tên lửa đường đạn xuyên lục địa RS-16 (SS-17), RS-18 (SS-19), RS-20 (SS-18). Sai số dẫn cho các đầu đạn riêng biệt của chúng không quá 200 m.
Cuối cùng thì mây cũng tan vào đầu những năm 70 khi mà trên một trường thử của Liên Xô, do nhận nhầm một vệ tinh vệ tinh chụp ảnh do thám của Mỹ là vệ tinh trinh sát điện tử nên Liên Xô chẳng thèm che giấu các tên lửa. Chiếc vệ tinh Mỹ đã chụp lia lịa cảnh các máy ủi và máy xúc đang lấp mấy các hố này và đào mấy cái hố khác, còn các công nhân thì đang di chuyển các cột tiêu để chuẩn bị cho sự ghé qua đang được chờ đợi của chiếc vệ tinh Mỹ kia.
Và tất nhiên là sau khi đã biết vụ tung tin giả đã bị Mỹ khám phá, người Liên Xô cũng đã ngừng lấp các hố, tín hiệu đo từ xa thì được mã hoá, còn các điệp viên bơm tin giả cùng thôi không đưa tin về sự không chính xác của các tên lửa Xôviết nữa.
Cả chiến dịch nhằm làm cho người Mỹ ngộ nhận tin vào sự an toàn không thể tổn thương của các tên lửa của họ (và do đó làm cho chúng bị bỏ chỏng trơ mà chẳng được bảo vệ khỏi đòn đánh đầu tiên), sau này được phương Tây gọi là “Quả lừa vĩ đại về tên lửa”. Vậy thì đại tá Penkovsky, dù vô tình hay cố ý, đã đóng vai trò gì trong điệp vụ này khi cung cấp cho cơ quan tình báo ở bên kia bờ đại dương những tin tức miêu tả “sự không chính xác của các tên lửa Xôviết”? Và nếu như là cố ý thì liệu Penkovsky có phải đã thực sự bị xử tử vào ngày 16 tháng 5 năm 1963 sau một phiên toà được đưa tin rùm beng hay không? Ai mà biết được. Chỉ có GRU biết mà thôi.