Chúng ta trở lại quá khứ để biết mọi chuyện đã xảy ra như sau. Mùa thu năm 1945, nhân viên cơ yếu của trạm tình báo quân sự của GRU tại Ottawa là I. Gouzenko đã phản bội Tổ quốc chạy sang phía người Mỹ mang theo các sổ mật mã và tài liệu mật. Lời khai của hắn với các sĩ quan FBI về việc tình báo Liên Xô đang săn tìm các bí mật nguyên tử đã gây chấn động như một quả bom. Trên mặt của đại dương chiến tranh lạnh đã nhô lên quả núi băng mà ít ai có thể ngờ đến sự tồn tại của nó. Báo chí phương Tây đã nêu tên tuổi những nhà bác học, các quan chức cao cấp, các đại diện nước ngoài, cũng như cả Garpina Rabinovich đến từ Geneva, một cựu nhân viên của Ban lao động quốc tế trực thuộc Hội Quốc liên, nữ công dân của Canada - đất nước mà chị di cư đến trong thời gian chiến tranh. Chị là liên lạc viên của lưới điệp viên ở Canada do đại tá Zabotin chỉ huy. Đồng thời tên tuổi của người anh họ của chị - Alexander Ambramson, người đã sống ở Thuỵ Sĩ trong thời kỳ trước chiến tranh. Chị trao đổi thư từ với Abramson. Các điều tra viên đã rất chú ý tới tình tiết này và khẳng định thư từ giữa hai anh em có tính “bí mật” và được tiến hành trong khuôn khổ lưới “gián điệp phủ khắp toàn thế giới của Liên Xô”.
Abramson bất ngờ trở thành một nhân vật quan trọng trên bàn cờ tình báo quốc tế. Các cơ quan phản gián của nhiều nước, khi nghiên cứu các tài liệu chiến lợi phẩm thu được của Gestapo và sử dụng các ý kiến tư vấn của những tên SS đang bị giam hoặc đã được trả tự do, đã bắt đầu coi anh là một trong những điệp viên chủ yếu của Nga đang hoạt động ở châu Âu theo chỉ đạo của người Nga. Trong các báo cáo của mình, các nhân viên phản gián đã viết rằng, Abramson là “xếp” của lưới tình báo lừng danh “Dàn hợp xướng đỏ” (Rote Kapelle) còn sống sót một phần sau khi nhóm điệp viên đông đảo ở Berlin bị đập tan năm 1942-1943.
Tuy vậy, theo các tài liệu của tình báo Xô-viết, Abramson không có liên quan đến “Dàn hợp xướng đỏ” - sau chiến tranh người ta gọi những người đã trở thành nạn nhân của đội đặc nhiệm săn tìm SS Rote Kapelle như vậy, nhưng lại là thành viên của một trong các tổ tình báo thuộc trung tâm tình báo bất hợp pháp của Cục tình báo Hồng quân Công nông (RU RKKA) là Sándor Radó (Theo một số tài liệu phương Tây thì Sándor Radó là Alexander Radó, người chỉ huy của một tổ điệp báo thuộc “Dàn hợp xướng đỏ” hoạt động tại Thuỵ Sĩ - ND) ở Thuỵ Sĩ. Trong giấy tờ của Gestapo, tổ tình báo của Schandor được đặt mật danh “Cỗ xe tam mã đỏ” vì tổ này có đúng 3 điện đài công suất lớn. Chiến đấu chống tổ này có Cục VI của Tổng cục An ninh đế chế RHSA do thiếu tướng SS W. Schellenberg và chi nhánh đội săn tìm Rote Kapelle ở Paris do tên sĩ quan SS Heinz Pannwitz cầm đầu.
Alexander Abramson xuất thân từ vùng Pribaltik, từ năm 1920 đến năm 1940, làm việc tại Ban lao động quốc tế thuộc Hội Quốc Liên ở Geneva. Sau khi Litva gia nhập Liên bang Xô-viết, người ta đã tìm cách thải hồi anh với tư cách đại diện của đất nước nhỏ bé này. Abramson đã tránh được nguy cơ về hưu mà ban lãnh đạo Ban lao động quốc tế áp đặt và vẫn giữ được vị trí của mình trong tổ chức nhiều thế lực này. Tháng 8 năm 1940, anh gửi đơn xin nhập quốc tịch Liên Xô tới Đại sứ quán Liên Xô ở Berlin, còn tháng 10 cùng năm, khi chưa nhận được trả lời, anh đã viếng thăm lãnh sự quán Liên Xô ở Vichy để tìm hiểu khả năng đăng ký quốc tịch Liên Xô. Cục Tình báo của Bộ Tổng tham mưu Hồng quân Công nông đã chú ý tới anh và sau khi điều tra đã quyết định thu hút anh vào hoạt động tình báo.
Cục Tình báo Hồng quân đã biên chế Abramson, có bí danh Marius, vào tổ Sissy, tức Rachel Dübendorfer, người ban đầu vẫn hoạt động độc lập. Tuy nhiên, sau khi bị đứt liên lạc với Trung ương vào năm 1940, chị lọt vào tổ của Radó và tận dụng khả năng của anh để duy trì liên lạc với Moskva. Trong khi đó, chị vẫn giữ mật mã riêng mà không tiết lộ cho Radó. Biện pháp đề phòng này là nhằm mục đích bảo vệ bí mật của nhiệm vụ quan trọng của tổ Sissy.
Rachel Dübendorfer có tên khai sinh là Hepner, sinh năm 1900 ở Varsava, đã lấy Peter Kurt Caspary và có với anh này cô con gái Tamara. Sau khi ly dị, chị chuyển sang Đức. Ở Berlin, chị làm nhân viên máy chữ-tốc ký viên tại phòng tuyên truyền của Trung ương Đảng Cộng sản Đức. Cuộc đảo chính phát xít đã gây ra nạn khủng bố và xua đuổi người Do Thái ở Đức, buộc Rachel phải lưu vong sang Thuỵ Sĩ. Để xã hội hoá và được nhận chứng minh thư Thuỵ Sĩ, Rachel đã thực hiện đám cưới giả với người công nhân là đảng viên cộng sản Kurt Dübendorfer. Rachel rất giỏi tiếng Pháp và tiếng Đức. Sau khi nhận được chứng minh thư Thuỵ Sĩ, chị nhanh chóng vào làm nhân viên đánh máy tại Ban lao động quốc tế.
Sau khi đã bảo đảm cho mình một vỏ bọc vững chắc, Dübendorfer đã tích cực thu thập tin tình báo quân sự và kinh tế về nước Đức. Công việc đã tiếp tục diễn ra như vậy cho đến khi chị bị mất liên lạc với Moskva. Tin tức của chị được gửi qua các giao thông viên, nhưng các đường biên giới mới ở châu Âu, nhất là sau khi nước Pháp bại trận, đã khiến những phương pháp liên lạc cũ không còn có thể dùng để liên lạc thường xuyên, liên tục với Trung ương được nữa.
Vai trò của Marius trong tổ Sissy khá đặc biệt. Với tư cách một nhân viên phòng báo chí của Ban lao động quốc tế, anh được thông tin về các sự kiện quốc tế và có thể dễ dàng nói chuyện về chủ đề này với các nhà báo, nhà ngoại giao và đủ thứ đại diện vốn nhan nhản ở Thuỵ Sĩ khi đó. Những thông tin thu được trong các cuộc nói chuyện, anh chuyển cho Dübendorfer để chị cùng với Radó sàng lọc lấy những tin tức nóng hổi, giá trị nhất để gửi về Moskva. Chiếc két của Marius ở Ban lao động quốc tế đã trở thành nơi cất giữ không chỉ tài liệu công vụ của anh. Do toà nhà của Ban lao động quốc tế có quyền bất khả xâm phạm về ngoại giao nên chiếc két đã trở thành một thứ hộp thư mật mà ở đó Dübendorfer cất giữ một số tài liệu tình báo và một số bộ phận của điện đài. Chúng đã được cất giữ an toàn trong két qua suốt những năm tháng chiến tranh thăng trầm.
Trong một số trường hợp, Marius đã trở thành như một người thủ quỹ của Sissy. Thỉnh thoàng nữ tình báo này bị lâm vào cảnh không có một franc dính túi trong khi cần phải có tiền để thưởng cho một điệp viên quý giá hoặc mua một vài thứ lặt vặt. Abramson đã trích đưa cho chị những khoản tiền nhỏ từ số tiền tiết kiệm của mình để giúp chị giải quyết tạm thời vấn đề tiền nong. Tiền của Trung ương chi cho hoạt động của trung tâm tình báo tại Thuỵ Sĩ phải gửi theo con đường rất vòng vèo và chậm trễ: từ Moskva tới châu Mỹ Latinh, sau đó đến Paris và chỉ sau đó mới vào Thuỵ Sĩ theo con đường bất hợp pháp. Sissy trả nợ thường rất trễ và Marius đã phải chi cho chị một khoản tiền lớn.
Trong tổ của Sissy còn có Paul, tức Paul Böttcher, một người Đức lưu vong. Anh bắt đầu cuộc đời lao động với nghề thợ xếp chữ ở nhà in. Trong những năm 1920, anh trở thành người đứng đầu văn phòng quốc gia ở Dresden, nghị sĩ nghị viện bang Saxon, bộ trưởng tài chính. Böttcher là đảng viên Đảng Xã hội Dân chủ Đức, sau này gia nhập Đảng Cộng sản Đức, nhưng rồi lại ra khỏi đảng vì bất đồng chính kiến. Chủ nghĩa cải cách của những người xã hội dân chủ gần gũi và dễ hiểu với ông hơn là chủ nghĩa cấp tiến của Đảng Cộng sản Đức. Nhưng Böttcher không bao giờ thay đổi những quan điểm chống phát xít của mình sau khi làn sóng phát xít dâng lên ở Đức.
Tại Thuỵ Sĩ, Böttcher đã gặp Rachel, đi lại gần gũi với chị và thực tế đã trở thành chồng của Rachel. Khác với Dübendorfer, Paul sống ở Thuỵ Sĩ bất hợp pháp vì không thể kiếm được chứng minh thư để có quyền sống ở Thuỵ Sĩ. Ông kiếm sống bằng nghề viết báo, hợp tác với nhiều tờ báo với nhiều bút danh. Trong số những người quen biết của Paul ở Thuỵ Sĩ có một người đàn bà Áo có tên Lezer Berger. Cô ta công khai nói với mọi người là cô làm cho tình báo Anh. Theo cô ta, điều đó sẽ nâng cao uy tín của cô trong con mắt nhân dân địa phương mà đa số họ vốn có cảm tình với người Anh và mong khối đồng minh chống Hitler với Anh là một thành viên then chốt giành chiến thắng.
Lezer Berger là nhân viên của Farrell. Người ta biết chắc chắn ông ta là nhân viên tình báo Anh. Lezer Berger đã cho biết những thông tin đáng chú ý về tình hình ở Bancăng và Paul đã báo cáo tất cả cho Sissy.
Vậy cô ta có đòi hỏi ở Berger cái gì để đánh đổi hay không? Đôi khi cô ta đặt những câu hỏi mà Paul luôn luôn có thể trả lời vì từ báo chí và dư luận địa phương, anh biết mình cần nói điều gì. Chuyện này cứ giống như một cuộc thi của hai người câu cá khi mà mỗi người đều hy vọng thả con săn sắt bắt con cá rô. Chẳng bên nào có ưu thế rõ ràng và mọi sự có vẻ như một sự quen biết đúng mực.
|
Chèn chú thích ảnh vào đây |
Mùa hè năm 1942, đã xảy ra một sự kiện quan trọng với tổ Sissy. Dübendorfer làm quen với người đồng nghiệp Christian Schneider cùng công tác ở Ban lao động quốc tế, anh này được đặt có bí danh hoạt động là Taylor. Trung ương đã bị đặt trước việc đã rồi và buộc phải chấp nhận. Taylor là người hiểu biết, có mối quen biết rất rộng. Trong số đó có Rudolf Roessler, người mà theo đánh giá chung, là một trong những nguồn cung cấp tin và điệp viên giá trị nhất trong Thế chiến II. “Nếu như tôi có vài điệp viên như vậy - trùm tình báo Mỹ A. Dulles nói - thì tôi chẳng phải lo gì cả”. L. Farago, cựu nhân viên tình báo Anh và là nhà báo Mỹ, thì khẳng định rằng, Roessler đã là điệp viên xuất sắc nhất của Liên Xô ở châu Âu. Sự quấy rầy như vậy không thể không khiến người ta nghĩ rằng, Farago đã cố che giấu một điều gì đó.
Ngoài ra, một điều bí mật mà ai cũng đã biết là việc Roessler làm việc cho tình báo Thuỵ Sĩ. Từ nước Đức sang Thuỵ Sĩ năm 1934 để trốn tránh sự truy đuổi của bọn quốc xã và định cư ở gần Lucerna (chính vì vậy mà mà Radó đặt cho anh ta mật danh Lucy), ông mở nhà xuất bản nhỏ Vita-Nova và một quầy sách bán sách về nghệ thuật và âm nhạc. Vì chẳng còn tiền, Roessler, sau một hồi do dự, đã đồng ý hợp tác với các cơ quan đặc vụ Thuỵ Sĩ - họ rất quan tâm đến các vấn đề, chẳng hạn như những người nhập cư vào nước này đang làm gì và tình báo Đức áp dụng những thủ đoạn gì ở đất nước núi non này.
Liệu Cục Tình báo Hồng quân Công nông ở Moskva có biết là ngoài người Thuỵ Sĩ, Lucy còn cộng tác với người Anh để giúp họ trong cuộc chiến chống Hitler hay không? Có lẽ đây là một trong những câu hỏi nan giải nhất mà người ta không thể có được một câu trả lời dứt khoát. Trong mọi trường hợp, một câu hỏi như vậy về Roessler đã không được đưa ra. Farago, người mà ta đã nhắc đến ở trên, nhận xét rằng, Roessler đã tiếp tục cộng tác với tình báo Xô-viết kể cả sau chiến tranh để chống lại Anh và Mỹ.
Tháng 12 năm 1942, Schneider đã kể với Dübendorfer rằng, Roessler có khả năng cung cấp tài liệu về mặt trận phía Đông, cũng như về các vấn đề quan trọng khác có liên quan tới nước Đức. Tin tức được bí mật chuyển tới từ nước Đức, nhưng bởi ai và như thế nào thì Roessler cương quyết từ chối trả lời. Đó là cách tốt nhất để bảo đảm an toàn cho ông và cho những chiến sĩ chống phát xít có liên hệ với ông. Rachel đã rất chú ý lắng nghe Schneider.
- Điều gì đã khiến bạn anh quyết định làm việc cho Liên Xô?
- Theo tôi hiểu, - Schneider trả lời, - có một số lý do. Lý do chủ yếu là giúp đỡ nước Nga giành chiến thắng trước Hitler, điều này trùng hợp với nguyện vọng của bản thân Roessler. Nhanh chóng đánh bại bọn quốc xã và giải phóng nước Đức là mục tiêu của đời ông. Ngoài ra, ông còn thấy đau khổ khi mà những tin tức quý giá liên quan đến nước Đức và cần cho người Nga lại bị bỏ phí. Ông cho rằng, công việc đầy mạo hiểm của mình đã không đem lại hiệu quả như nó có thể có.
Rachel đã báo cáo chi tiết với Radó về cuộc nói chuyện với Schneider. Theo ý kiến của chị thì không nên bỏ qua mọi cơ hội dù nhỏ nhất để xâm nhập vào những bí mật của đế chế thứ ba.
Radó muốn tự tìm hiểu lấy tất cả nên đã yêu cầu Rachel giới thiệu anh làm quen riêng với Roessler. Sissy bất ngờ cương quyết phản đối rằng điều đó là không thể được, Roessler không chỉ không hợp tác mà còn không cả gặp gỡ với người lạ. Anh ta đã đặt điều kiện để hợp tác, bởi vậy không cần phải làm cho chúng thêm phức tạp.
Tuy không thật thoả mãn với những lý lẽ của Sissy, nhưng Schandor vẫn cứ đưa Lucy vào lưới tình báo của trạm tình báo Cục Tình báo Hồng quân Công nông. Thông qua các kênh hiện có, người ta đã cố thực hiện động tác kiểm tra dù là chung nhất về Lucy. Anh ta đã được đặt câu hỏi về việc bọn Đức biết gì về các đơn vị Hồng quân chiến đấu trên mặt trận Xô-Đức. Câu trả lời của Lucy đã vượt quá mọi trông đợi táo bạo nhất và nó đã cho thấy bọn Đức đã làm được nhiều điều trước và trong quá trình chiến tranh, chúng đã biết rành rẽ về đối phương mà chúng sẽ đối đầu trên lãnh thổ của nó.
Sau đó, Lucy đã được giao nhiệm vụ thu thập tin tức về các đơn vị và binh đoàn Đức đang chiến đấu với Hồng quân. Những tin tức được cung cấp rất chính xác, đầy đủ và tin cậy. Rõ ràng, những tin tức đó được lấy từ giới quân sự cao cấp nhất của Đức.
Có nhiều giả thiết và phỏng đoán khác nhau về việc ai và bằng cách nào đã cung cấp cho Roessler các tin tình báo, ông ta chuyển chúng cho Sissy như thế nào, nhưng chẳng một dự đoán nào được chứng minh bằng chứng cứ vững chắc.
Lucy là điệp viên quý giá của tổ Sissy và chị rất quý trọng điệp viên này. Đồng thời, còn có nhiều người khác đã làm việc cho Sissy và có đóng góp to lớn cho tình báo Xô-viết.
Sissy được giao nhiệm vụ duy trì liên lạc với các chiến sĩ chống phát xít hoạt động bí mật của Pháp, cũng như các phiên liên lạc để giải quyết các vấn đề nghiệp vụ của trung tâm tình báo. Trong thời gian này, cha mẹ già của chị đang sống trên đất Pháp và chị chỉ thi thoảng mới đến thăm họ được. Để thực hiện các nhiệm vụ tình báo liên quan tới nước Pháp, chị sử dụng nhà ngoại giao Pháp Brand. Theo đề xuất của Brand, chị đã thu hút chàng sinh viên Pháp Lacha - anh này đã hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao cho tới khi nước Pháp bị quân Đức chiếm đóng. Cha của anh sinh viên này là một nhà ngoại giao già có những mối quan hệ vững chắc và ông là một nguồn cung cấp tin cho Sissy. Nữ chiến sĩ chống phát xít Bill, một nhân viên thu mua sống ở nước Đức và chuyển cho Sissy những tin tức về hoạt động của các đại diện quân sự Đức ở nước này và nhiều khi cả những tin tức về các vấn đề quân sự.
Các tạp chí chính thức sau chiến tranh đã khẳng định nhờ có thông tin do lưới của Radó gửi về Moskva mà Liên Xô đã giành chiến thắng trước quân đội Đức. Những cũng có những ý kiến trái ngược cho rằng, người Đức đã đánh lạc hướng được Trung ương chính là bằng thông tin mà Radó cung cấp. Đó là người ta muốn nói đến những tin tức mà Lucy cung cấp thông qua Sándor Radó. Nhưng người ta cũng chẳng dẫn ra được những chứng cứ thuyết phục nào cho điều đó.
Sự đổ vỡ của lưới Radó diễn ra trong thời gian từ tháng 10 năm 1943 đến tháng 4 năm 1944 khi mà các nhân viên điện đài và hầu như tất cả các thành viên của tổ Sissy lần lượt sa lưới.
Khi các vụ bắt bớ bắt đầu, Radó đã rút vào bí mật và ẩn náu tại nhà bác sĩ ở địa phương tên là Bianca sau khi đã thông báo nguy hiểm cho các tình báo viên còn chưa bị bắt. Đôi khi Radó gợi ý để Sissy rút vào bí mật, nhưng sau đó anh đã yêu cầu chị không làm thế. Cùng ở chỗ Radó còn có một thành viên của một tổ khác của lưới là Packbo (Otto Puenter) và thông qua người này, Radó đã chỉ đạo hoạt động của lưới trong một thời gian. Jean Jachter, một đảng viên cộng sản Pháp, đã giúp Radó với các chiến sĩ trong đội du kích maquis (Maquis - tên một đội du kích Pháp nổi tiếng trong thời Thế chiến II (1939-1945) - ND) bí mật xâm nhập vào đất Pháp, ở đó anh đã chiến đấu trong một đơn vị du kích cho đến khi nước Pháp được giải phóng khỏi ách chiếm đóng.
Không ai ở Moskva và ở trung tâm tình báo tại Thuỵ Sĩ biết được nguyên nhân thực sự của thất bại đã xảy ra và điều đó đã gây ra sự ngờ vực vô căn cứ. Bản thân Radó cho rằng, anh đã bị bọn mật thám Gestapo được cử đến từ Berlin và Paris theo dõi và quây liên tục xung quanh tổ của anh. Moskva đã không nhận được thông tin kịp thời về điều đã xảy ra nên đã nghi ngờ nhiều người, kể cả Radó và Dübendorfer.
Trong một thời gian dài, thiếu tướng SS W. Schellenberg, Cục trưởng Cục VI (Cục Tình báo) của RHSA, thông qua người đồng nghiệp Thuỵ Sĩ là đại tá Roger Masson, đã tìm cách tiêu diệt lưới tình báo Liên Xô ở Thuỵ Sĩ. Masson vui vẻ hứa giúp đỡ nhưng trên thực tế ông ta chẳng làm gì cả. Khi W. Schellenberg không còn kiên nhẫn được nữa, hắn đã chọn cách hành động khác. Theo lời mời của hắn, thanh tra cảnh sát Thuỵ Sĩ Maurer đã tới Berlin và được xem hồ sơ tình báo về 3 điện đài hoạt động trên đất Thuỵ Sĩ. Lực lượng chặn thu vô tuyến đã phát hiện ra “Cỗ xe tam mã đỏ” gồm 2 đài phát ở Geneva và 1 ở Losanne. Schellenberg đã đưa cho Maurer toàn bộ tài liệu về các điện đài này và yêu cầu áp dụng những biện pháp khẩn cấp để loại bỏ chúng.
- Mọi sự chậm trễ trong việc này - Schellenberg thẳng thừng tuyên bố - có thể làm xấu đi mối quan hệ Đức-Thuỵ Sĩ.
Những lời đồn đại về điều này đã được các nhân viên của Schlenberg xì xào từ lâu.
Theo lệnh của Maurer, các xe định vị lắp anten định hướng và các tổ chặn thu đã được triển khai tới các quận trong thành phố. Sau khi xác định sơ bộ được khu vực đài phát, người ta đã cắt điện của khu vực đó cho đến khi điện đài ngừng hoạt động. Mục tiêu đã bị bắt quả tang và việc tóm các điện báo viên chẳng còn khó khăn gì nữa mặc dù đôi khi cũng đã xảy ra những cuộc đụng độ quyết liệt.
Cuối năm 1944, khi chiến tranh ở châu Âu đã đi gần tới hồi kết và nước Đức đã ở trên bờ vực thất bại, tại Thuỵ Sĩ đã diễn ra phiên toà xử các tình báo viên Xô-viết bị buộc tội hoạt động gián điệp chống nước Đức. Sự cố chấp đến mức vô lý này có nghĩa gì đây? Phải chăng đó là đường lối “trung thực”, “vô tư” của một quốc gia trung lập? Hay đây là bước đầu tiên trên con đường tiến tới cuộc chiến tranh lãnh mở màn sau này mà khi đó người ta chưa nhận thức rõ? Vị nữ thần công lý Themis của Thuỵ Sĩ đã kết án các bị can các án tù từ 7 tháng đến 3 năm, và các mức phạt khác nhau.
Sau khi ra khỏi nhà tù, Dübendorfer đã gặp Marius - Abramson và kể với ông về chiến thuật hành động và biện hộ mà chị đã chọn áp dụng trong quá trình điều tra và trước toà. Theo lời của Rachel thì nhà chức trách Thuỵ Sĩ không có những chứng cớ thuyết phục để chứng minh sự liên quan của chị với tình báo Liên Xô và chị không muốn để lộ điều này. Vì biết được ảnh hưởng lớn của người Anh ở Thuỵ Sĩ, Sissy đã tuyên bố mình làm việc cho Anh và Thuỵ Sĩ.
Cả Marius cũng nghi ngờ về tính đúng đắn của quyết định đó vì nó có nghĩa là thú nhận việc làm gián điệp, còn cho ai thì các quan toà sẽ tự quyết định mà chẳng cần có ai chỉ bảo. Theo ý kiến của Ambramson, Sissy đã quá vội vã khi khai như vậy.
- Nhưng tôi chẳng còn lựa chọn nào khác - Rachel vẫn cố biện bác. - Hơn nữa, tôi tin chắc các đồng chí của chúng ta sẽ hiểu và sẽ tán thành với tôi. Tôi đã phủ nhận bất cứ sự liên hệ nào với tình báo Liên Xô và điều đó, theo tôi, mới là điều chính yếu.
Marius chán nản nhìn Rachel mà chẳng tìm được lời nào để nói nữa.
Paul Böttcher là người được thả tự do muộn nhất. Sau khi hết hạn tù, anh với tư cách là một người Đức đã bị giam giữ trong vào trại giành cho những người nước ngoài không được hoan nghênh và làm việc một thời gian ở khi khai thác than bùn. Ngay khi chiến tranh kết thúc, người Thuỵ Sĩ đã trả tự do cho anh.
Rachel một lần nữa đến gặp Abramson để chia vui.
- Nhưng tôi chẳng còn một xu dính túi để cùng với Paul đến Paris. Anh có thể cho tôi vay tiền đi đường không? Khi đến Pháp, tôi sẽ trả anh ngay.
Abramson đã đưa cho Rachel số tiền chị cần.
Sissy không thể nghĩ rằng chuyến đi tới Paris và cuộc tiếp đón chị tại cơ quan tuỳ viên quân sự Liên Xô lại kết thúc với chị không chỉ bằng chuyến đi tới Moskva mà bằng cả việc bắt giữ và tống giam vào nhà tù nội bộ của NKVD ở Lubyanka. Chị đã rất cay đắng và bực bội khi biết những lời khai của mình tại toà án Thuỵ Sĩ dưới áp lực và nhằm mục đích đánh lạc hướng các điều tra viên đã được nhìn nhận một cách nghiêm trọng tại Moskva. Điều tra viên ở Lubyanka không do dự liền kết tội chị có liên hệ với tình báo Anh.
Rachel đã tưởng rằng chị nghe nhầm. Chị không biết là các điều tra viên cũng đã thẩm vấn như thế đối với các tình báo viên khác từng bị lọt vào tay đối phương.
- Tôi đã và vẫn là một tình báo viên quân sự, trung thành với nghĩa vụ và phục vụ trung thực và tận tuỵ cho Liên bang Xô-viết - chị nhắc lại.
- Cô hoặc là một điệp viên rất láu cá và tinh ranh, hoặc là cái đầu của cô có vấn đề!
Trong lúc đó, một cán bộ tình báo quân sự Liên Xô, theo lệnh của Trung ương, đã đến Geneva để liên lạc với Marius và yêu cầu anh trao cho anh ta những tài liệu cất giấu trong hộp thư mật để trong chiếc két ở Ban lao động quốc tế. Marius đã hơi do dự khi trao tài liệu và các bộ phận điện đài cho người giao thông viên mà anh không có cảm tình này.
- Anh đã hành động đúng - giao thông viên của Moskva trấn an anh. - Còn về Rachel Dübendorfer và Paul Böttcher thì họ là những kẻ khốn nạn. Chính chúng đã phản bội tổ chức.
Marius cố phản bác, nhưng vị khách chẳng thèm nghe anh.
Mười một năm đã trôi qua kể từ sau chiến tranh. Nhiều điều đã thay đổi trên thế giới và ở Liên Xô. Ngày 16 tháng 2 năm 1966, theo quyết định của Toà quân sự - Toà án tối cao Liên Xô, vụ án liên quan đến Rachel Dübendorfer đã bị khép lại vì không có yếu tố cấu thành tội phạm. Cả chế độ điều trị bắt buộc trong bệnh viện nhà tù cũng bị bãi bỏ. Tại thành phố Franfurt trên sông Maine, R. Dübendorfer đã được trao cho đại diện chính quyền CHDC Đức. Chị không thể tin là mọi đau đớn dày vò đã qua đi và chị đã rất khó khăn mới tìm lại được mình.
Thời gian sẽ làm cho tất cả được ổn thoả. Lòng dũng cảm và chủ nghĩa anh hùng của nữ tình báo viên Dübendorfer đã được nhìn nhận, đánh giá, mặc dù quá muộn màng. Cuối năm 1969, nhân dịp kỷ niệm 20 năm thành lập nước CHDC Đức, một nhóm các chiến sĩ kháng chiến người Đức đã được tặng thưởng, mà phần lớn là truy tặng, những phần thưởng cao quý của Liên Xô vì sự giúp đỡ nhằm đánh bại nước Đức Hitler và những cống hiến cho sự nghiệp tiêu diệt chế độ phát xít. Trong số những người được tặng thưởng Huân chương Cờ Đỏ có Rachel Dübendorfer. Bà và hai chiến sĩ chống phát xít còn sống đã được mời sang Liên Xô an dưỡng và để tham quan đất nước một thời đã gắn liền với số phận bi thảm của họ.
Ban lãnh đạo GRU đã tận dụng cơ hội để đề nghị trong danh sách tặng thưởng cả chiến sĩ chống phát xít Rudolf Roessler.
Bộ trưởng An ninh Quốc gia CHDC Đức Mielke, sau khi nghe ý kiến của phía Liên Xô, đã ngả người trên ghế nhìn chăm chú vào vị đại diện KGB ngồi đối diện.
- Ở CHDC Đức, người ta kính trọng công lao của Rudolf Roessler, người đã đóng góp không ít sức lực để đánh bại kẻ thù chung là chủ nghĩa phát xít Hitler và để hồi sinh nước Đức mới. Tuy chiến sĩ chống phát xít Roessler đã tiến hành trận chiến của mình dù cho là ở phía đồng minh chống phát xít, nhưng không phải là trong đội ngũ của những chiến sĩ chống phát xít người Đức. CHDC Đức không phản đối việc tặng thưởng phần thưởng của Chính phủ Liên Xô cho con người can đảm và trung thực này, nhưng chúng tôi cho rằng, ban lãnh đạo Liên Xô phải tự quyết định vấn đề này.
Vấn đề tặng thưởng cho Roessler đã không còn bao giờ được GRU đặt ra nữa.
Marius - Alexander Abramson - cũng phải gánh chịu những hậu quả nặng nề của những đổ vỡ tại Thuỵ Sĩ và sau đó là tại Canada. Năm 1945-1946, các cơ quan đặc vụ Thuỵ Sĩ và Pháp đã làm cho cuộc sống của ông trở nên không thể chịu đựng nổi bằng cách theo dõi ông từng bước suốt từ sáng đến tối. Không phải là đùa cợt khi nói rằng, người ta rêu rao ở khắp nơi ông là xếp của “Dàn hợp xướng đỏ”. Dưới áp lực của các cơ quan đặc vụ, ông đã bị cấm cư trú tiếp ở Geneva, còn ở Pháp, ông trở thành persona non-grata, tức là người không được hoan nghênh. Abramson thu xếp được công việc tại liên hiệp công đoàn Force Uvrier. Rồi thời gian cũng xoá nhoà tất cả và ông cũng được nghỉ ngơi. Ông vẫn nuôi hy vọng được nhận hộ chiếu Liên Xô, điều mà ông đã vì nó ông đã hy sinh nhiều đến như vậy. Hộ chiếu dã được gửi tới lãnh sự quán Liên Xô ở Paris. Nhưng trước đó, GRU đã trả cho Marius khoản tiền nợ 6000 franc Thuỵ Sĩ là tổng số tiền mà Dübendorfer đã lấy ở ông. Còn về hộ chiếu thì họ lẳng lặng quên bẵng đi... Alexander không còn sức đâu để kêu gào mãi cho mình, tuổi ông đã ngoại ngũ tuần rồi nên ông nhìn thế giới cũng đã bằng con mắt khác.
Còn liên quan tới tên chỉ huy đích thực của Rote kapelle, trung tá SS và quyền cục trưởng Cục VI của RSHA (Gestapo) F. Panzinger thì hắn đã bị quân đội Liên Xô bắt làm tù binh và chịu tội trong trại giam. Theo hiệp định giữa Liên Xô và CHLB Đức, năm 1955, hắn đã được trả cho chính quyền Đức. Trước khi rời Liên Xô, hắn đã tình nguyện cộng tác với tình báo Xô-viết. Tuy nhiên, tại Pulah, nơi đặt đại bản doanh của cơ quan tình báo Đức BND, hắn đã khai ra điều này và lập tức nhận làm gián điệp đôi, hay con vịt mồi đối với các tình báo viên Liên Xô. ở Moskva, người ta đã phát giác được điều này và kế hoạch thâm độc của BND đã quay lại làm hại chính BND. Xếp của BND nghi ngờ Panzinger bắt cá hai tay và rất bực tức vì hoạt động không kết quả của Panzinger. Sau khi về nhà, Panzinger đã nã vào trán một phát đạn. Đó chính là nguyên nhân đích thực dẫn tới vụ tự sát của Panzinger, chứ không phải là sự lo sợ bị trừng phạt vì tham gia vào những cuộc tàn sát hàng loạt những người vô tội.
Tên chỉ huy duy nhất của Rote kapelle đã mãi mãi rời khỏi mảnh đất phù sinh và mọi mưu toan hồi sinh hắn dưới bất cứ cái tên mới nào cũng chỉ là việc làm vô ích mà thôi.