Vietnamdefence.com

 

Osama bin Laden 'phòng bị gậy' như thế nào?

VietnamDefence - Bin Laden khâu trong quần áo 500 Euro và các số điện thoại phòng khi phải chạy trốn

>> Những uẩn khúc của chiến dịch Geronimo hạ sát bin Laden
>> Bin Laden bị bắt sống rồi mới bị bắn chết

Trong quần áo của Osama bin Laden có khâu giấu sẵn tiền mặt, cũng như các số điện thoại cần thiết phải dùng đến một khi phải vội trốn chạy. Theo ITAR-TASS, các thông tin đó đã được các trùm tình báo Mỹ, trong đó có Giám đốc CIA Leon Panetta đệ trình các nghị sĩ Mỹ trong cuộc họp nội bộ thông báo tình hình.

Thông tin về nội dung cuộc trao đổi này được cổng thông tin Politico dẫn từ các nguồn ở Mỹ. Theo đó, trong quần áo của ‘tên khủng bố số 1’ có khâu sẵn 500 Euro và 2 số điện thoại.

Theo các chuyên gia, tất cả những điều đó có thể chứng tỏ rằng, bin Laden đã hy vọng được báo tin sớm về hành động vũ lực có thể xảy ra của các cơ quan đặc vụ phương Tây chống lại ông ta cho thấy và hy vọng kịp thời hoặc ít ra là trong giây phút cuối trốn chạy được.

Ai giết bin Laden?

Vẫn nằm trong trung tâm sự chú ý của các nhà báo là những binh sĩ đã thực hiện “cuộc tập kích xuất sắc”. Hôm thứ tư, 4.5.2011, tờ La Stampa (Italia) có viết thêm về đơn vị đặc biệt tinh nhuệ SEAL.

Đơn vị này có tên chính thức là Nhóm triển khai tác chiến đặc biệt hải quân Hoa Kỳ (United States naval special warfare development group), gọi tắt là DevGru. Nhưng bản thân các binh sĩ lại gọi mình là Đội 6 (Team Six). Họ nghĩ ra cái tên này thời chiến tranh lạnh để làm cho người Nga rối trí, mất phương hướng.

Đơn vị này ra đời thực tế là nhờ sự thất bại của đặc nhiệm Mỹ trong nỗ lực giải cứu các nhân viên sứ quán Mỹ bị bắt làm con tin ở Tehran vào tháng 4.1980. Khi đó, chỉ có 6 trong 8 trực thăng đến được địa điểm ấn định, thêm vào đó là 1 chiếc trong số trực thăng đến được lại bị hỏng. 5 trực thăng là không đủ nên Mỹ buộc phải hủy bỏ chiến dịch. Song khi bốc rút, lại thêm 1 trực thăng đâm vào một chiếc máy bay C-130 gây cháy lớn làm chết 8 lính đặc nhiệm. Quân Mỹ cuối cùng cũng bò được về quê song phải bỏ lại Iran không chỉ các trực thăng mà cả những lính đặc nhiệm súng chưa bắn mà mạng đã vong.

Sau thất bại hổ thẹn này, đặc nhiệm Mỹ cần phải có sự nhảy vọt về chất và họ đã thành lập các đơn vị tinh nhuệ Delta Force và Team Six, nơi có những ‘sư tử biển’ giỏi nhất.

Ngày nay, binh sĩ Đội 6 có khả năng hành động trong những điều kiện phức tạp nhất mà minh chứng là trận đánh chớp nhoáng ở Abbottabad, khi mà cũng có 1 trong các trực thăng bị hỏng. Họ luôn quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ bằng mọi giá. Để trở thành binh sĩ của Team Six, ứng viên không chỉ có thể lực tốt, khả năng chịu gian khổ và đau đớn. Họ còn phải biết một số ngoại ngữ, biết sử dụng chất nổ, biết võ thuật, chụp ảnh, lái mọi loại phương tiện.

Bộ chỉ huy tác chiến đặc biệt liên quân Mỹ và Team Six nói riêng là đạo quân chủ lực trong chiến lược chống khủng bố mới của Mỹ vốn bao gồm những chiến dịch ngầm không ngừng nghỉ. Nguyên tắc chủ yếu là không ai được biết gì, trừ những vụ đình đám như giải thoát tàu hàng bị hải tặc chiếm giữ ở Ấn Độ Dương hay vụ tiêu diệt trùm khủng bố bin Laden.

Vì thế, kinh phí chi cho hoạt động của các đơn vị thuộc Bộ chỉ huy tác chiến đặc biệt liên quân Mỹ không hề bị cắt giảm, và lên tới gần 1 tỷ USD.
  • Nguồn: Newsru, 4.5.11.

Print Print E-mail Print