VietnamDefence -
Mong Nhà nước sớm xây Bia tưởng niệm chiến sĩ Biệt động Sài Gòn tại cổng sau Dinh Độc Lập (nay là Hội trường Thống Nhất) để góp phần giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ.
>> Chuyện chưa kể về ‘nhà thầu khoán’ Biệt động Sài Gòn (kỳ 2)
>> Chuyện chưa kể về ‘nhà thầu khoán’ Biệt động Sài Gòn (kỳ 1)
Kỳ 3: Những ước nguyện cần sớm giải quyết
Từ hai chiếc xe chở vũ khí để lại hiện trường, kẻ địch đã biết “nhà thầu khoán” chính là một BĐSG tham gia tấn công Dinh Độc Lập đồng thời phát hiện ra hầm ngầm chứa vũ khí tại 270/70 Trần Quý Cáp.
Cuộc sống khó khăn
Bà Đặng Thị Thiệp, vợ ông Năm Lai, kể: Chính quyền cũ treo giải thưởng 2 triệu đồng (tương đương 2.000 cây vàng khi đó) cho ai bắt được Năm Lai. Khi đến khám nhà 287/70 Phan Đình Phùng, chúng xổ một tràng đại liên vào cửa. Hiện cửa sắt của ngôi nhà vẫn còn 55 vết thủng do đạn bắn. Sau đó, chúng tịch thu toàn bộ tài sản của ông Năm Lai, đem bán đấu giá. Riêng ngôi nhà trên đường Võ Duy Nguy (nay là số nhà 720 Nguyễn Kiệm, phường 4, quận Phú Nhuận) do ông Năm Lai không đăng ký tên mình nên kẻ địch không phát hiện. Chính vì thế, tôi và các con vẫn sống ở đây cho đến sau giải phóng miền Nam.
|
Bà Chín Nghĩa bên các khung ảnh chỉ có tên đồng đội
|
Đất nước thống nhất, ông Năm Lai về công tác tại Ban Tổng kết chiến tranh Bộ Tư lệnh TP HCM. Biết ông là sĩ quan quân đội, một số gia đình còn nợ tiền trước giải phóng đem đến trả, nhưng ông không nhận. Mấy ngôi nhà của ông bị chính quyền cũ tịch thu, phát mãi, ông cũng không xin lại. Riêng ngôi nhà 287/70 Nguyễn Đình Chiểu, nhà nước thu lại giao cho ông quản lý. Đồng lương sĩ quan cấp úy của ông khi đó quá ít ỏi để có thể nuôi được vợ và 6 người con đang tuổi ăn học. Cuộc sống của gia đình dồn hết lên vai bà Thiệp.
Bà bươn chải, nuôi heo, nuôi gà, buôn bán đủ thứ, coi xe ngoài chợ để mưu sinh. Đến năm 1980, khi di dời hài cốt của bà Chinh từ Nghĩa trang Bắc Việt (khu vực rạp hát Tân Son Nhất, quận Tân Bình ngày nay) về Nghĩa trang thành phố ở quận Thủ Đức, ông Năm Lai đã phải bơm vá xe ngoài đường vào buổi tối để có tiền xây mộ cho người vợ đầu. Đến khi khó khăn quá, ông đành rứt ruột bán ngôi nhà 720 Nguyễn Kiệm (nơi đây cũng có hầm ngầm và ông Năm Lai đã từng đưa cấp trên về sống ở đây trong những ngày đi kiểm tra thực địa phục vụ trận tấn công năm 1968) lấy tiền sinh sống. Còn gia đình ông dọn về căn nhà được nhà nước cấp (số 85 đường Nguyễn Hữu Cầu, quận1, nguyên là bót cảnh sát của chế độ cũ) sinh sống.
Những khung ảnh chỉ có tên
Năm 1988, Bộ Văn Hóa quyết định công nhận căn nhà 287/70 Nguyễn Đình Chiểu, phường 5, quận 3, TP HCM là Di tích Lịch sử - Văn hóa cấp quốc gia. Hầm ngầm của ngôi nhà nay đã được tu bổ, nhưng vẫn giữ được khá nguyên vẹn hiện trạng, lỗ thông hơi nối với cột nhà rỗng ruột được ông Năm Lai thiết kế khi xây dựng từ năm 1966. Dưới hầm trưng bày một số súng, lựu đạn mô phỏng số vũ khí đã được ông Năm Lai mang về cất giấu tại đây. Tầng trệt (tầng 1) trưng bày một số hình ảnh của ông Năm Lai và đồng đội, tư liệu của chính quyền Ngụy viết về trận đánh Mậu Thân 1968 và bộ ván gỗ với vũ khí được cất giấu phía trong.
Vị trí trang trọng nhất trên lầu 1 (tầng 2) được giành làm nơi thờ cúng các liệt sĩ đã tập trung ở đây để đi đánh Dinh Độc Lập Tết Mậu Thân 1968. Điều xót xa, trong số 8 liệt sĩ đã hi sinh, chỉ duy nhất liệt sĩ Lê Tấn Quốc có ảnh. 7 người còn lại, khung ảnh chỉ có duy nhất một dòng chữ ghi tên. Gặp chúng tôi khi đến đây thắp hương đồng đội, bà Chín Nghĩa, mắt ngân ngấn lệ giải thích: “Vì lý do bí mật khi đó, chúng tôi chỉ biết tên hoạt động của nhau chứ không phải tên thật, cũng chẳng ai nghĩ đến chụp ảnh. Đến giờ, do chẳng biết tên thật, quê quán của các anh ở đâu, nên nhiều người chưa được công nhận liệt sĩ. Thôi thì các anh từ đây đi đánh giặc, hi sinh, thì mong các anh lấy nơi đây làm nhà mình”.
Phải chăng, cũng vì thế, những năm cuối đời, ông Năm Lai không ở với vợ con mà về đây sống một mình, sống với những đồng đội đến nay vẫn chưa tìm được tông tích gia đình. Năm 2002, sau 6 lần mổ vì căn bệnh ung thư ruột, hậu quả của những lần bị địch tra tấn bằng cách đổ nước vôi, nước xà phòng vào bụng, ông Năm Lai mất.
Ước mơ về một tấm bia tưởng niệm
Có được những kỷ vật, tư liệu, hình ảnh đang trưng bày trong Di tích lịch sử 287/70 Nguyễn Đình Chiểu hôm nay, không thể không nhắc tới công lao của anh Trần Kiến Xương (tự Bình). Từ nhiều năm qua, bằng nỗ lực, kinh phí của gia đình, anh đã sưu tầm được rất nhiều hiện vật, tư liệu để trưng bày. Nhưng điều đáng buồn, vì diện tích quá khiêm tốn (bề ngang căn nhà chỉ chưa đầy 2m), thêm nữa ngay trước cửa di tích này, tình trạng lấn chiếm lòng đường để làm nơi buôn bán đã làm cho nhiều người không thể nhận ra nơi đây là Di tích lịch sử - Văn hóa quốc gia (trong cuốn sổ lưu niệm, nhiều người cũng ghi lại như thế).
“Tôi chỉ mong chính quyền TP HCM sớm hoán đổi nhà khác cho chủ hộ hai gia đình bên cạnh (287/68, 287/72), trả lại nguyên trạng như khi bố tôi mua nhà này. Khi đó, gia đình tôi sẽ mở rộng di tích lịch sử, trưng bày thêm hiện vật, làm nơi thờ cúng ba tôi và các đồng đội đã hi sinh mà chưa tìm được quê quán”, anh Bình nói.
Trong số 16 chiến sĩ BĐSG đánh Dinh Độc Lập Tết Mậu thân 1968, có đến 8 người đã hi sinh, thêm 3 người mất vì tuổi già, bệnh tật. Hai liệt sĩ đã được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang là Chỉ huy trưởng Ba Thanh và chiến sĩ Lê Tấn Quốc. Hai người đang được đề nghị phong tặng và truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang là bà Chín Nghĩa và ông Trần Văn Lai.
Tâm sự với chúng tôi, cả bà Chín Nghĩa và ông Bảy Hôn, đều có chung suy nghĩ: “Tại Tòa Đại sứ Mỹ và Đài Phát thanh Sài Gòn cũ (nay là Tổng lãnh sự quán Mỹ tại TP.HCM và Đài Tiếng nói Nhân dân TP.HCM) đã có Bia tưởng niệm ghi công của các chiến sĩ BĐSG. Mong nhà nước sớm xây dựng Bia tưởng niệm chiến sĩ BĐSG tại cổng sau Dinh Độc Lập (nay là Hội trường Thống Nhất) trên đường Nguyễn Du để ghi nhận công lao của các đồng đội chúng tôi và giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ”. Mong sao, nguyện vọng chính đáng sớm thành sự thật.