Nhưng lực lượng này có thể không chịu sự kiểm soát của bộ chỉ huy Nga.
Hiện thời, người ta nói không chính thức rằng, trong quân đội Nga sẽ thành lập bộ máy giống như các bộ máy đã được thành lập trong quân đội Mỹ, Israel và Trung Quốc. Chức năng của nó là tiến hành các chiến dịch trên không gian ảo phục vụ quốc phòng và an ninh, cả trong thời bình lẫn thời chiến... Đồng thời, các nguồn tin giấu tên cũng không giấu giếm là Quỹ Nghiên cứu triển vọng (FPI) mới được thành lập, cũng như các cơ quan của Bộ Quốc phòng đang xây dựng chương trình liên quan đến thành lập bộ tư lệnh tác chiến mạng, xác định các chức trách, quân số… của nó.
Giới quân sự bắt đầu cả quyết tiến vào không gian ảo vào năm 2007. Chính hồi đó, tại căn cứ không quân ở Barksdale, bang Louisiana, đã thành lập tạm thời bộ chỉ huy tác chiến mạng đầu tiên trong biên chế Không quân Mỹ.
Theo mô hình đã được kiểm nghiệm của Mỹ, Nga cũng dự tính thành lập một tổ chức tương tự. Ít nhất là giai đoạn đầu, bộ tư lệnh tác chiến mạng sẽ có quy chế một tổng cục của Bộ Quốc phòng và sẽ hoạt động trong thành phần Bộ đội Phòng không vũ trụ. Nhưng trong tương lai, và khá nhanh, người ta tính nâng nó lên thành một binh chủng độc lập.
Người ta nói đã đến lúc để quân đội Nga tiến vào chiến trường ảo. Người đầu tiên nói về điều đó và sau đó là người vận động chính cho ý tưởng này là đương kim Chủ tịch Ủy ban Công nghiệp quốc phòng, Phó Thủ tướng Nga Dmitri Rogozin. Khi còn là đại diện thường trực Nga tại NATO, vào tháng 3/2011, ông tuyên bố rằng, bất chấp mọi nỗ lực của ngoại giao Nga, chủ đề an ninh mạng đã không được đưa vào chương trình đánh giá các mối đe dọa chung tại Hội nghị thượng đỉnh Hội đồng Nga-NATO ở Lisbon. “Họ đã ngay từ đầu, biết trước là không muốn thỏa thuận với chúng tôi về vấn đề này”, ông Rogozin nói hồi đó.
Ông cũng nhắc đến việc từ năm 2009, tại Hội nghị thượng đỉnh NATO tại Strasbourg và Cologne, tổ chức này đã chuyển từ thuật ngữ “an ninh mạng” sang thuật ngữ “phòng thủ mạng”. Theo đại diện thường trực Nga, NATO muốn dùng từ “phòng thủ” khi ám chỉ tấn công quân sự. Ông Rogozin cũng cho biết, tại thời điểm đó, NATO trong vòng chỉ một năm đã tăng 40 lần ngân sách chi cho các chương trình mạng. Thật dễ đoán ai bị NATO xem là đối tượng tấn công của họ.
Ông Rogozin là người nhất quán nên khi trở thành Phó Thủ tướng, một năm sau Hội nghị thượng đỉnh Lisbon, đã khơi mào ngay tại Moskva việc thảo luận vấn đề thành lập bộ tư lệnh tác chiến mạng của Nga. Ông nhấn mạnh điều này là cực kỳ cần thiết để bảo đảm an ninh thông tin cho quân đội, cũng như toàn bộ cơ sở hạ tầng của quốc gia. Chính hồi đó, đã đề xuất thành lập FPI, tương tự Cục Các dự án nghiên cứu quốc phòng tiên tiến của Lầu Năm góc.
FPI đã phải xem xét mọi khía cạnh của việc thành lập và hoạt động sau đó của bộ tư lệnh tác chiến mạng. Không lâu sau các sáng kiến này, lãnh đạo Bộ Tổng tham mưu quân đội Nga đã thông báo Bộ Quốc phòng Nga sẵn sàng bắt tay vào thành lập bộ tư lệnh tác chiến mạng. Còn khi từ Mỹ có tin Lầu Năm góc yêu cầu tăng 5 lần quân số vào năm 2013 từ 900 người lên 4900 quân nhân và nhân viên dân sự thì việc chuẩn bị thành lập lực lượng tác chiến mạng được thúc đẩy ráo riết hơn. Thúc đẩy quá trình này một phần còn là scandal cựu nhân viên CIA Edward Snowden tiết lộ việc tình báo Mỹ đang kiểm soát các mạng máy tính và truyền tin của các nước.
“Đối với các chuyên gia công nghệ của chúng tôi, chuyện này chẳng có gì bất ngờ, nhưng đây đơn thuần là một sự thật trần trụi mà chúng tôi biết được về nguyên tắc theo các nguồn tin khác”, ông Rogozin bình luận thông tin do Snowden tiết lộ. Đó là sự thực buộc chúng tôi phải hành động thật nhanh”.
Ở Nga, không ai nghi ngờ là cần phải triển khai bộ tư lệnh tác chiến mạng và đưa vào hoạt động thật nhanh. Nhưng có hai vấn đề kỹ thuật có thể xóa sạch gần như mọi nỗ lực tổ chức nhằm bảo đảm an ninh mạng. Ông Rogozin thừa nhận: “Nước Nga có thể bị lột trần nếu như chúng ta sẽ phụ thuộc hoàn toàn vào việc mua sắm thiết bị của nước ngoài và linh kiện điện tử nước ngoài. Đây là mối nguy nghiêm trọng. Bởi vậy, vấn đề phát triển ngành vô tuyến điện tử nội địa, phần mềm nội địa là vấn đề an ninh quốc gia… Các mạng thông tin đang trở thành vũ khí”.
Gần đây, Nga đã đạt được những tiến bộ quan trong trong việc phát triển phần mềm nội địa. Tháng trước, các hãng tin đã đưa tin việc hệ điều hành đặc dụng Astra Linux Special Edition đã được cấp chứng nhận. Đến nay, đây là hệ điều hành duy nhất ở Nga được chứng nhận ở cả ba hệ thống chứng nhận các phương tiện bảo mật thông tin là ở FSB, Bộ Quốc phòng và Cơ quan liên bang về kiểm soát kỹ thuật và xuất khẩu. Nó cho phép xử lý thông tin truy cập hạn chế, trong đó có tin tức bí mật nhà nước đến độ mật “Tuyệt mật”. Năm nay, theo lệnh của Bộ trưởng Quốc phòng Nga, hệ điều hành đặc dụng đã được đưa vào trang bị cho quân đội Nga.
Tuy nhiên, bất kỳ kỹ sư nào ở các xí nghiệp công nghiệp quốc phòng tham gia phát triển và sản xuất thiết bị điện tử dành cho quân đội và các cơ quan quyền lực khác của Nga, cũng có thể nói rằng, Nga toàn dùng linh kiện, thiết bị nhập khẩu. Vì thế, ông Rogozin nói: “An ninh mạng ở phương Tây được hiểu là những con rệp cài vào các con chip bán cho các nước khác… Khi mua linh kiện vi điện tử ở nước ngoài, không thể hoàn toàn chắc chắn chẳng hạn các vệ tinh của chúng ta sẽ hành xử thế nào vào giờ “G”. Chúng sẽ bắt đầu truyền đi cái gì cho ai?” Hiện chưa nghe thấy nói gì về việc khắc phục được vấn đề này.