Vietnamdefence.com

 

Vì sao Mosssad hạ thủ chỉ huy lực lượng tác chiến mạng Iran?

VietnamDefence - Cái chết của chỉ huy trưởng đơn vị tác chiến mạng Iran Mujtaba Ahmadi nối dài danh sách nạn nhân của “chiến lược Dagan” mà Mossad tiến hành nhằm ám sát các nhà khoa học hàng đầu và sĩ quan cao cấp Iran.

>> Chỉ huy lực lượng tác chiến mạng Iran bị hạ sát

Mujtaba Ahmadi
Xác ông Mujtaba Ahmadi, chỉ huy đơn vị an ninh mạng của Lực lượng Vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran được phát hiện trong một cánh rừng gần thành phố Keredge với hai vết thương do đạn ở vùng tim. Đây là trường hợp mà nguyên nhân giết người là cả động cơ chính trị, lẫn công việc chuyên môn của nạn nhân.

Tình báo Iran đang truy tìm 2 người đi xe máy có dính líu đến vụ sát hại ông Mujtaba Ahmadi. Nhưng đã rõ, đây là phong cách của Tổ chức Mujahedin nhân dân Iran (PMOI). Dưới sự chỉ đạo của tình báo Israel Mossad, các tay súng của tổ chức này đang thực hiện cái gọi là “chiến lược Dagan”, tức là tiến hành “các vụ thủ tiêu điểm” các nhân vật chủ chốt của chương trình hạt nhân, tên lửa và các dự án công nghệ cao của Iran.

Mới đây, từ diễn đàn Đại hội đồng LHQ, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu thực tế đã tuyên bố rằng, Tel Aviv nếu cần thiết sẽ tiến hành đấu tranh với chương trình hạt nhân của Iran một cách đơn độc, không cần đồng minh.

Nghĩa là tình báo Israel sẽ tiếp tục các hành động khủng bố trong khuôn khổ “chiến lược Dagan”.

Ở ngay Israel, hoạt động này được xem là rất thành công. Phát biểu tại Quốc hội Israel vào tháng 1/2011 với báo cáo về “công việc đã làm”, Meir Dagan, Giám đốc Cơ quan tình báo Mossad từ năm 2002-2011, đã nói rằng, chiến lược mà tình báo lựa chọn mang tên chính ông đã cho phép đạt được kết quả là “Iran sẽ không thể có được bom nguyên tử trước năm 2015”.

Có thể phản đối là “chiến lược Dagan” chỉ liên quan riêng đến chương trình hạt nhân và tên lửa Iran. Còn lĩnh vực chiến tranh mạng, vốn trở nên bức thiết sau năm 2010, khi xuất hiện virus Stuxnet, vốn được lây nhiễm vào các máy tính của các trung tâm hạt nhân Iran” thì “chiến lược” này không bao quát đến. Và ở đây chúng ta đang đến gần tới động cơ thứ hai của vụ sát hại Ahmadi: công việc chuyên môn của ông và các chiến dịch của đơn vị an ninh mạng thuộc Lực lượng Vệ binh cách mạng Hồi giáo do ông Ahmadi chỉ huy.

Bản thân đơn vị này không đơn giản là một đội lập trình viên và hacker Iran ngồi trong một gian phòng lớn sau những màn hình theo dõi những virus và tình trạng an ninh của các mạng máy tính tại các cơ sở tối quan trọng. Hiện nay, cơ quan an ninh mạng của Lực lượng Vệ binh cách mạng Hồi giáo là một cơ quan hùng mạnh mà ngoài các vấn đề máy tính, còn tiến hảnh cả hoạt động tình báo bên ngoài Iran. Điều đó cũng hoàn toàn dễ hiểu. Vấn đề là ở chỗ trong cuộc chiến tranh mạng chống Iran có sự phân công lao động nhất định giữa tình báo Mỹ và Israel. Nếu các chuyên gia Mỹ chủ yếu “tạo ra” các virus, chế tạo những mẫu virus ngày một hoàn thiện và đa năng, thì việc “đưa” chúng đến lãnh thổ Iran là đặc quyền của Mossad và Phòng 8220 của Cục Tình báo quân sự Israel AMAN.

Bằng các nỗ lực của họ, trên khắp thế giới, từ Thái Lan đến Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Đức và Bỉ, đã thành lập ra các công ty giả mà nhiệm vụ chính là bán cho Iran các máy tính với “phần ruột không thân thiện”. Những thứ độc hại đó rất đa dạng, từ Stuxnet cho đến họ hàng của nó là Duqu có khả năng lấy cắp mật khẩu của người dùng máy tính. Sau đó, chúng được chuyển đến một máy chủ đặt tại một trong các “trạm” của Cục An ninh Quốc gia Mỹ NSA nằm ở miền bắc Ấn Độ.

Nhưng công việc của ông Ahmadi không chỉ là các chiến dịch đối phó với những virus này.

Với sự tham gia trực tiếp của ông, Iran đã chặn cướp quyền điều khiển chiếc máy bay không người lái trinh sát tàng hình tuyệt mật của CIA có biệt danh “Ác thú Kandahar” xuất phát từ căn cứ ở Afghanistan và bị điều khiển hạ cánh trên lãnh thổ Iran.

Trong chiến dịch này, Iran đã sử dụng cả các phương pháp kỹ thuật lẫn điệp báo mà việc kết hợp chúng là phong cách riêng có của cơ quan tình báo mới của Iran này.

Trong số những thành tích của ông Ahmadi còn có việc các nhân viên hoạt động của tình báo Iran đã khám phá vào đầu năm 2013 một mạng lưới các công ty máy tính giả của Israel hoạt động tại Bỉ, còn Tel Aviv chỉ biết được thất bại này của mình vào đầu mùa hè. Tóm lại, tình báo Israel có “những lý do riêng” để đưa Ahmadi vào “danh sách thủ tiêu”.

Vụ giết hại Mujtaba Ahmadi là một bằng chứng nữa cho thấy, trong “vấn đề Iran”, người Israel dựa vào “lực lượng điệp viên sở tại” là các tay súng của PMOI đang tiến hành cuộc chiến tranh của mình bất chấp những nguyện vọng “yêu hòa bình” nhút nhát của Washington.

Việc ông James Lewis ở Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế Mỹ (CSIS) nói rằng, trong các vấn đề xích lại gần nhau giữa Washington và Tehran “hiện có lập trường của Lực lượng Vệ binh cách mạng Hồi giáo”, khiến người ta nghĩ rằng, ngay lập trường của Mỹ đối với “cuộc chiến tranh không tuyên bố” chống Iran còn lâu mới yêu hòa bình như được rao giảng từ các diễn đàn chính thức.

Khủng bố và phá hoại, chiến tranh không tuyên bố chống Cộng hòa Hồi giao Iran sẽ chỉ có gia tăng.

Báo chí đã nắm được những thông tin về thỏa thuận ngầm giữa Israel và Saudi Arabia về “các hành động chung đối với Iran”.

Trong thực tế cuộc sống, điều đó sẽ có nghĩa là sẽ có thêm đội ngũ điệp viên của Saudi Arabia gia nhập cùng các đồng minh truyền thống của Israel là các tay súng của PMOI. Hiện nay, lực lượng điệp viên này đang được chiêu mộ ráo riết từ “các Jamaat”, những tổ Salafi (phong trào Hồi giáo chính thống Salafi) đang xuất hiện ở Iran, hiện tượng mà trước đó nước Iran Shi’ite khó tưởng tượng ra.

Cuộc chiến không tuyên bố chống Iran, cũng như hoạt động khủng bố đi cùng Israel và Saudi Arabaia sẵn sàng tiếp tục cho đến cùng. Cho đến khi kết liễu nhà nước Iran hiện nay.

Nguồn: Stoletie, 4.10.2013.

Print Print E-mail Print