Vietnamdefence.com

 

Tình báo Mỹ, Anh hoành hành trên Internet

VietnamDefence - Các cơ quan tình báo Mỹ và Anh đã giải phá được hệ thống mật mã bảo vệ thông tin cá nhân, thư điện tử và các giao dịch ngân hàng của hàng triệu người dùng Internet, cũng như các công ty.

Những người ủng hộ Edward Snowden biểu tình ở Đức (Angelika Warmuth / DPA / AFP)
Tờ The Guardian ngày 5/9 đưa tin dựa trên các tài liệu do cựu nhân viên CIA Edward Snowden cung cấp.

NSA và GCHQ đã xây dựng được các phương pháp đặc biệt cho phép họ giải má mọi tiêu chuẩn giải mã hiện dùng trên Internet.

NSA đã không chỉ giải phá các mật mã hiện có bằng các siêu máy tính, cũng như sử dụng tay nghề của các cao thủ hacker, mà còn thông qua sự tiếp tay bí mật của các công ty IT và các nhà cung cấp dịch vụ Internet, đã phát hiện những điểm yếu trong các cơ chế mã hóa, cũng như làm suy yếu các tiêu chuẩn quốc tế trong lĩnh vực này.

Chương trình chống mật mã 10 năm của NSA đã đạt được sự đột phá vào năm 2010, khi họ thu thập được “một số lượng dữ liệu khổng lồ”. Ngân sách hàng năm cho chương trình mật mà NSA gọi là “chìa khóa để tiếp cận không hạn chế và sử dụng không gian mạng dành cho nước Mỹ”, theo các tài liệu, ước 250 triệu USD.

Chiều 5/9, các tờ báo Mỹ ProPublica và The New York Times (NYT) cũng đồng thời đăng các tài liệu của Snowden mà họ cho biết là do The Guardian chuyển giao.

“Từ năm 2000, khi các phương pháp mã hóa bắt đầu phổ biến trên Internet, người ta đã chi hàng tỷ đô là cho các mục đích này”, NYT viết.

Ngoài ra, theo yêu cầu của NSA, nhiều công ty Mỹ và nước ngoài không nêu tên chuyên sản xuất thiết bị máy tính và phần mềm đang làm các lỗ hổng riêng để tình báo Mỹ xâm nhập.

Ngoài NSA, tham gia chương trình còn có Trung tâm Liên lạc chính phủ GCHQ (cơ quan tình báo điện tử và bảo mật thông tin cho các cơ quan chính phủ của Anh. GCHQ đã phát triển các phương pháp giải mã dữ liệu được mã hóa đi qua các dịch vụ Hotmail, Google, Yahoo và Facebook.

Trong nhiều năm, NSA còn tiến hành công việc nhằm làm suy yếu các tiêu chuẩn quốc tế trong lĩnh vực mã hóa. Các ghi chép công vụ do Snowden cung cấp cho thấy, NSA đã cố tình để lại “các điểm yếu” trong tiêu chuẩn mã hóa do Viện Tiêu chuẩn và công nghệ quốc gia Mỹ thông qua vào năm 2006.

Các tài liệu còn cho thấy, NSA coi việc giải mã thông tin là một trong các ưu tiên của họ và “đang cạnh tranh với tình báo Trung Quốc, Nga và các nước khác trong lĩnh vực này”.

“Trong tương lai, các siêu cường ra đời và suy tàn tùy thuộc vào việc các chương trình mã thám của họ sẽ mạnh đến đâu. Do đó, Mỹ phải duy trì khả năng tiếp cận không gian mạng vô hạn”, một tài liệu năm 2007 của NSA viết.

NYT cũng cho biết, các quan chức tình báo Mỹ đã yêu cầu tờ báo không đăng những thông tin tố giác này. Họ khẳng định, sau khi bài báo được đăng, các đối tượng đang bị theo dõi có thể chuyển sang dùng các phương pháp mã hóa thông tin mới. Tuy nhiên, NYT vẫn quyết định đăng bài, nhưng không đưa vào bài nhiều dữ kiện cụ thể về các hoạt động của NSA.

Trước đó, theo yêu cầu của chính quyền Anh, The Guardian đã tiêu hủy tất cả các tài liệu nhận được từ Snowden mà họ giữ tại tòa soạn ở London. Trước đó, tờ báo này đã chuyển tài liệu cho tòa soạn The New York Times. Ngoài ra, thông tin từ Snowden còn được Glenn Greenwald, phóng viên của The Guardian, sống ở Rio de Janeiro, cất giữ. Greenwald là một trong các tác giả viết bài tố cáo chương trình giải mã toàn cầu của tình báo Mỹ, Anh.

Người tiết lộ quy mô lớn các tài liệu về hoạt động của tình báo Mỹ, Anh, trong đó có chương trình mật PRISM theo dõi người dùng Internet toàn cầu là Edward Snowden. Cựu nhân viên CIA và NSA này đã rời Mỹ và được tị nạn tạm thời ở Nga vào tháng 7/2013. Mỹ đang điều tra vụ án hình sự đối với Snowden về tội tiết lộ bí mật nhà nước.

Nguồn: Lenta, VZ, 6.9.2013.

Print Print E-mail Print