Các tài liệu về hoạt động gián điệp của Mỹ mà cựu nhân viên Cục An ninh quốc gia Mỹ NSA Edward Snowden tiết lộ tiếp tục làm dư luận thế giới phiền lòng. Vụ bê bối quốc tế này có đặc điểm là hòa chung vào phong trào chỉ trích có cả các đồng minh gần gũi nhất của Mỹ là các nước EU. Bên cạnh đó, cùng với diễn biến tình hình, cũng bộc lộ chính sách tiêu chuẩn kép của chính họ, vì thế mà cần cảm ơn riêng đối với những người đã tổ chức việc đăng tải những tài liệu cáo giác lên báo chí thế giới.
Đó là khi những thông tin đầu tiên về việc người Mỹ xâm nhập các cơ sở dữ liệu của các đại công ty, nghe lén các nhà lãnh đạo và thành viên chính phủ ở Mỹ Latinh không hề có sự bình luận nào từ phía các quan chức cao cấp của các quốc gia Tây Âu. Tuy vậy, họ cũng đã không thể im lặng khi xuất hiện các tài liệu tố giác tính chất rộng khắp của việc theo dõi điện tử đối với công dân các nước Tây Âu. Một số nhà lãnh đạo châu Âu đã lên tiềng bày tỏ sự bất mãn của mình trước những việc làm quá đáng của tình báo Mỹ.
Thực chất của sự bất mãn này có thể diễn giải như sau: chúng tôi hiểu sự cần thiết của những biện pháp hiệu quả để chống khủng bố quốc tế, nhưng do thám bạn hữu là không được. Phản ứng kiềm chế đó hoàn toàn dễ hiểu bởi vì loạt tài liệu cáo giác tiếp theo đã cho thấy sự hợp tác của các cơ quan tình báo châu Âu và Mỹ trong lĩnh vực do thám điện tử. Và chỉ sau khi công bố những sự kiện nghe lén các nguyên thủ và quan chức cao cấp nhất của EU, họ mới thật sự cao giọng chỉ trích đối với hoạt động do thám của Mỹ.
Lần đầu tiên sau chiến tranh lạnh, người ta thấy sự hình thành một lập trường chung của các một nhóm quốc gia lên án hành động của chính quyền Mỹ. Từ diễn đàn Nghị viện châu Âu, Mỹ bị cáo buộc về việc làm mất uy tín quan hệ đồng minh và vi phạm luật pháp các nước châu Âu. Những nỗ lực của người Mỹ biện giải cho việc do thám là do cần phải đối phó với các mối đe dọa khủng bố đã không còn chấp nhận. Chủ tịch Nghị viện châu Âu Martin Schulz, sau khi nhận được thông tin về việc NSA theo dõi các nghị sĩ và văn phòng của họ, đã đưa ra tuyên bố gay gắt rằng, Nghị viện châu Âu không dự định tiến hành cuộc khủng bố nào nhằm vào Mỹ.
Các chính trị gia và quan chức các cấp của Mỹ Latinh và châu Âu gần như đồng tình đề xuất xem lại hoặc hủy bỏ các thỏa thuận hiện có với Mỹ và áp đặt các quy định khắt khe hạn chế và kiểm soát hoạt động của các công ty IT Mỹ trên lãnh thổ các nước này. Trong các phát biểu của Thủ tướng Đức Angela Merkel có sự ám chỉ rõ ràng về tính không thể đảo ngược của việc xem lại quan hệ song phương với đồng minh chiến lược chủ yếu của Đức: “Sẽ cần phải khôi phục nền tảng tin tưởng giữa hai nước chúng ta. Và chỉ nói không thì không đủ cho việc đó. Cần phải có những thay đổi”. Theo sáng kiến của bà Merkel, một ủy ban đặc biệt của Liên minh châu Âu EU được thành lập để điều tra hoạt động của tình báo Mỹ, ủy ban này dự định làm việc cả trên đất Mỹ. Bà Merkel và Tổng thống Brazil Dilma Roussef cũng đã nhất trí vận động đưa vấn đề này ra Đại hội đồng LHQ và chuẩn bị một dự thảo nghị quyết sau đó. Chính phủ Nhật Bản cũng tuyên bố cần điều tra cẩn thận các sự kiện do thám bị cáo giác.
Có thể nói rằng, sự tự trọng thể hiện gay gắt của ban lãnh đạo nhiều nước Tây Âu đã thúc đẩy họ lên tiếng lên án đồng minh hùng mạnh bên kia đại dương của họ và đưa ra những cáo buộc vi phạm nhân quyền. Chỉ hy vọng là lập trường nguyên tắc đó cũng sẽ được thể hiện khi Washington sẽ lại quyết định khai diễn một cuộc xung đột quân sự hay kích động một “cuộc cách mạng màu” mới vì lợi ích của họ bất chấp các cơ chế an ninh quốc tế hiện hành.
Trở lại với câu chuyện do thám và lưu ý đến việc NSA đóng vai trò trung tâm trong câu chuyện này. Từ lâu, người ta đã biết rằng, NSA là mắt xích chủ yếu của cộng đồng tình báo Mỹ trong lĩnh vực tình báo điện tử. Các tài liệu do Edward Snowden tiết lộ chỉ xác nhận bằng tư liệu việc theo dõi điện tử rộng khắp đối với công dân nhiều nước.
Chẳng hạn, theo thông tin công bố trong tháng 10/2013 trên tở Le Monde, chỉ trong vòng 30 ngày, từ ngày 10/12/2012 đến 8/1/2013, trong khuôn khổ chương trình do thám US985D, NSA đã chặn thu hơ 70 triệu cuộc gọi điện thoại của dân Pháp. Thông tin thu được đã được xử lý và chuyển thành 62,5 triệu file và lưu trữ trong 2 cơ sở dữ liệu DRTBOX và WHITEBOX. Theo tờ Le Monde, các hành động thu thập thông tin tương tự có thể đã được thực hiện đối với người dân các nước khác bởi vì các chương trình do thám đối với các nước này cũng có ký hiệu tương tự, chẳng hạn đối với Đức là US987LA và US987LB.
Số lượng các bài báo tố giác như vậy tăng nhanh như gió. Trên cơ sở các bài báo này, hoàn toàn có thể khẳng định rằng, đời tư của hàng triệu người có thể là đối tượng theo dõi của tình báo Mỹ, còn thông tin thu được bị Mỹ sử dụng để mang lại lợi ích cho Mỹ gần như ở chế độ thời gian thực và chờ đợi lúc được dùng đến khi được lưu trữ đâu đó trong hang ổ của NSA.
Mỹ cần quy mô do thám điện tử như thế để làm gì và họ đang theo đuổi những mục tiêu nào? Liệu ta có thể đồng ý với ý kiến cho rằng, đã chẳng có gì nghiêm trọng xảy ra, người ta đã luôn luôn do thám và cơ bản là họ làm gì với các dữ liệu thu được, và trong kỷ nguyên xã hội thông tin, việc nghe lén và nhìn trộm rộng khắp là không thể tránh khỏi hay không?
Trên báo chí đã có những ý kiến cho rằng, chẳng có gì đáng sợ đang xảy ra cả, đã và sẽ chẳng có hậu quả gì, tất cả đều có thể thoải mái và bỏ qua câu chuyện của Snowden. Chúng ta hãy thử đánh giá những sự kiện do thám đã biết để khám phá các mục tiêu và nhiệm vụ chiến lược của Washington.
NSA là một đơn vị nằm trong tổ chức biên chế quân đội Mỹ, hoạt động trong hệ thống chung bảo đảm phân tích-thông tin chính sách quân sự của Nhà Trắng. Cách đây không lâu, NSA bắt đầu đóng vai trò then chốt trong việc thực hiện chủ trương chiến lược mới là giành ưu thế toàn cầu trên không gian mạng mà nếu không làm được điều đó, theo giứi lãnh đạo chính trị-quân sự Mỹ, thì không thể duy trì địa vị dẫn đầu của Mỹ trong thế kỷ mới.
Lần đầu tiên, các nhiệm vụ chuẩn bị cho quân đội hành động trên không gian mạng đã được xác định trong Chiến lược quân sự quốc gia năm 2004. Bản thân thuật ngữ được xem như một môi trường tác chiến cùng với các môi trường mặt đất, biển, không gian-vũ trụ và nó được hiểu như một khu vực toàn cầu của trường thông tin, bao gồm các kết cấu công nghệ-thông tin có liên quan lẫn nhau, gồm Internet, các mạng viễn thông và các hệ thống máy tính, cũng như các bộ xử lý và điều khiển gắn bên trong chúng.
Theo các mục tiêu chiến lược đã xác định, các kế hoạch xây dựng và huấn luyện quân đội Mỹ được điều chỉnh. Sau khi kiểm nghiệm khá tích cực hàng loạt những nội dung khái niệm mới trên thực tế, vào tháng 6/2009, Bộ chỉ huy Tác chiến không gian mạng (USCYBERCOM) trực thuộc Bộ chỉ huy Chiến lược Mỹ (USSTRATCOM) đã được thành lập. Tổ chức hoạt động của bộ chỉ huy này phần nhiều dựa vào các nguồn lực công nghệ, hoạt động và chức năng của NSA. Việc Giám đốc NSA, Tướng Keith Alexander bổ nhiệm giữ chức Tư lệnh USCYBERCOM đã nói lên điều đó. Đến nay, ông vẫn kiêm nhiệm cả hai cương vị này.
NSA và USCYBERCOM phối hợp hoạt động trên các vấn đề tổ chức và tiến hành tình báo điện tử và tình báo mạng, cũng như chuẩn bị và tiến hành các chiến dịch trong không gian thông tin như một hình thức mới sử dụng quân đội Mỹ, được đưa vào áp dụng theo Chiến lược quân sự quốc gia năm 2006.
|
(1) Điều phối viên an ninh mạng trực thuộc Tổng thống Mỹ; (2) Cộng đồng tình báo Mỹ; (3) Cục An ninh quốc gia NSA; (4) Bộ chỉ huy chiến lược Mỹ (USSTRATCOM); (5) Bộ chỉ huy Tác chiến không gian mạng Mỹ (USCYBERCOM); (6) Trung tâm Các chiến dịch phối hợp trong không gian mạng (JOC); (7) Trung tâm Các chiến dịch thông tin Bộ Quốc phòng Mỹ; (8) Các bộ chỉ huy chức
năng hỗn hợp của quân đội Mỹ; (9) Các bộ chỉ huy khu vực hỗn hợp của quân đội
Mỹ; (10) Cục Các hệ thống thông tin Bộ Quốc phòng Mỹ (DISA); (11) Bộ chỉ huy Tác chiến không gian mạng Lục quân Mỹ (ARFORCYBER); (12) Bộ chỉ huy Tác chiến không gian mạng Không quân Mỹ (AFCYBER, 24AF); (13) Bộ chỉ huy Tác chiến không gian mạng Hải quân Mỹ (FLTCYBERCOM); (14) Bộ chỉ huy Tác chiến không gian mạng Thủy quân lục chiến MARFORCYBER); (15) Mỹ Bộ chỉ huy Tác chiến không gian mạng Lực lượng bảo vệ bờ biển Mỹ (CGCYBER) (Vạch liền màu xanh dương: Các đơn vị thuộc Bộ chỉ huy Tác chiến không gian mạng Mỹ; Vạch đứt - Mối quan hệ phối hợp và chỉ huy tác chiến khi chuẩn bị và tiến hành các chiến dịch không gian mạng)
|
Phân tích nội dung các văn kiện học thuyết được soạn thảo mới đây của Bộ Quốc phòng Mỹ cho phép kết luận rằng,
các chiến dịch không gian mạng được tiến hành nhằm thực hiện 3 nhóm nhiệm vụ:- Duy trì sự hoạt động tin cậy và liên tục của không gian mạng mà Mỹ sử dụng;
- Bảo vệ và phòng thủ không gian mạng quốc gia;
- Sử dụng các khả năng của không gian mạng toàn cầu để giải quyết các nhiệm vụ đặt ra và xúc tiến các lợi ích của Mỹ.
Hoạt động đó xác định không chỉ nhiệm vụ đối kháng và chế áp đối phương trong môi trường thông tin, nó còn được tiến hành để chi viện, yểm trợ cho các chiến dịch quân sự, tình báo, tâm lý và các chiến dịch đặc thù đơn lẻ khác.
Những chương trình do thám điện tử bị cáo giác chỉ là những bộ phận của một kế hoạch ở cấp cao hơn, theo đuổi những nhiệm vụ toàn cầu. Đó là những mục đích gì thì chỉ có thể dự đoán khi xác lập mối liên hệ giữa các chiến dịch không gian mạng với các kế hoạch chiến lược của ban lãnh đạo chính trị-quân sự Mỹ và các bước đi thực tế nhằm thực hiện chúng.
Cần lưu ý rằng, theo các văn kiện cơ bản, chính sách quân sự Mỹ định hướng nhằm bảo đảm vai trò dẫn đầu của Mỹ trong điều kiện hình thành trật tự thế giới mới. Văn kiện chỉ đạo chiến lược do Tổng thống Mỹ Barack Obama ký vào tháng 1/2012 vì thế có tiêu đề “Củng cố vai trò lãnh đạo thế giới của Mỹ. Các ưu tiên của Bộ Quốc phòng Mỹ trong thế kỷ ХХI”. Khái niệm cơ bản “Lực lượng vũ trang-2020” được Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ thông qua vào tháng 9/2012 xác định mục đích chính phát triển quân đội Mỹ là tạo lập các khả năng cho phép thực hiện các cuộc tiến công phòng ngừa và gây mất tinh thần vào đối phương, tiến hành thắng lợi các chiến dịch đáp ứng tính chất mới của sự đối kháng trong thế kỷ mới.
Để làm việc đó, người ta trù tính việc đồng bộ hóa các hành động của các cụm quân (lực lượng) với những nỗ lực của tất cả các yếu tố sức mạnh quốc gia và sự huy động tích cực hơn các đồng minh và đối tác của Mỹ tham gia vào các hành động phối hợp chung. Việc tích hợp các khả năng của các lực lượng và phương tiện không gian mạng với các khả năng của các bộ chỉ huy tác chiến khu vực và các bộ chỉ huy chức năng của quân đội Mỹ, cũng như sự phối hợp của chúng với các bộ ngành liên bang được đánh giá có vai trò đặc biệt.
Như vậy, hoạt động theo dõi điện tử rộng khắp của Mỹ không đơn thuần là việc làm quá mức cho phép của các cơ quan tình báo và chắc chắn không phải là những phí tổn trong cuộc đấu tranh chống khủng bố quốc tế. Có thể dự đoán rằng, NSA và USCYBERCOM đang đặt nền móng cho việc tiến hành các chiến dịch tương lai trong môi trường thông tin. Cụ thể, người ta đang tập dượt các cơ chế giám sát mạng xã hội và thư điện tử. Việc đó được thực hiện nhằm theo dõi tình hình chính trị-xã hội trong xã hội và lập ra những cái gọi là bản đồ xã hội, bộc lộ các mối quan hệ xã hội, những sở thích, khó khăn, mối quan tâm, kế hoạch, vị trí và các thông tin khác về người dân trong phạm vi cả một quốc gia ở một thời kỳ nhất định.
Kết hợp với các chiến dịch thông tin và các chiến dịch đặc biệt mà các công nghệ tiến hành đã được người Mỹ nghiên cứu, hoàn thiện khá tốt, điều đó sẽ mang lại những khả năng lớn hơn để thao túng nhận thức xã hội và sử dụng hoạt động xã hội của người dân theo hướng có lợi cho Washington. Ta đã thấy một điều tương tự xảy ra chỉ mới đây ở các nước Bắc Phi trong thời kỳ “mùa xuân Arab”. Bây giờ, ta thấy rõ ràng là phong trào phản đối và phông thông tin (như cách mạng Twitter ở Ai Cập) đã được tạo ra phần nhiều là nhân tạo, kể cả bằng cách sử dụng các công nghệ Internet và mạng xã hội.
Thông tin về các cuộc tấn công tin tặc thỉnh thoảng được đưa trên báo chí thế giới cho phép hình dung nội dung và tính chất của các cuộc chiến tranh và xung đột tương lai. Xét tổng thể, việc sử dụng các lực lượng và phương tiện chiến tranh không gian mạng có thể gây ra những tổn thất nghiêm trọng - gây rối loạn việc lãnh đạo, loại khỏi vòng chiến các cơ sở công nghiệp và quân sự, các hệ thống và tổ hợp vũ khí, phá vỡ hoạt động của các hạ tầng quan trọng sống còn.
Theo thông tin do Snowden cung cấp và được đăng tải trên tờ The Washington Post vào tháng 8/2013, gần 600 tin hacker chuyên nghiệp làm việc tại một đơn vị đặc nhiệm chuyên tiến hành các chiến dịch xâm nhập từ xa (Tailored Access Operations - TAO) đóng tại đại bản doanh NSA ở Fort Meade, bang Maryland. Đây là đội hoạt động tuyệt mật đang tiến hành do thám các mục tiêu quan trọng nhất, phát triển các công nghệ tấn công mạng và tiến hành các cuộc tấn công này theo chỉ thị của Tổng thống Mỹ. Người ta cho rằng, chính Đơn vị đặc nhiệm mạng ТАО với sự tham gia của các đồng nghiệp Israel đã phát triển và sử dụng các chương trình mã độc Stuxnet và Flame để làm hư hỏng hệ thống quản trị các cơ sở dữ liệu của chương trình hạt nhân Iran.
Việc thiếu vắng thông tin về việc nghe lén các nhà hoạt động nhà nước và người dân Nga hoàn toàn không có nghĩa là việc do thám đó không được tiến hành trên thực tế. Cộng đồng tình báo Mỹ luôn coi Nga là một trong những đối thủ địa-chính trị chủ yếu. Chỉ còn cách tin là Nga có những phuowng tiện đối phó với những nguy cơ hiện có và tương lai đối với an ninh của mình.
Sự thống trị không gian mạng toàn cầu của Mỹ / PGS, TS KHQS Aleksandr Shapovalov // VPK, № 44 (512), ngày 13.11.2013.